Công văn số 2719/TCHQ-GSQL ngày 15/06/2004 của Tổng cục Hải quan về việc kiểm hoá, giám sát

Số hiệu 2719/TCHQ-GSQL
Ngày ban hành 15/06/2004
Ngày có hiệu lực 15/06/2004
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tổng cục Hải quan
Người ký Vũ Ngọc Anh
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 2719/TCHQ-GSQL
V/v kiểm hoá giám sát

Hà Nội, ngày 15 tháng 6 năm 2004

 

Kính gửi: Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh, thành phố

Gần đây, dư luận báo chí phản ánh thủ tục kiểm tra, giám sát hải quan tại một số cửa khẩu còn rườm rà, chậm trễ, tiêu cực. Tổng cục Hải quan sẽ kiểm tra, chấn chỉnh căn bản vấn đề này trong thời gian tới. Trước mắt, Tổng cục yêu cầu Cục trưởng hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo thực hiện ngay một số quy định sau đây:

1. Về kiểm tra thực tế hàng hoá.

1.1. Khoản 2, Điều 30 Luật Hải quan quy định việc kiểm tra thực tế hàng hoá có thể do công chức Hải quan kiểm tra trực tiếp hoặc kiểm tra bằng máy móc, thiết bị kỹ thuật và biện pháp nghiệm vụ khác. Như vậy, khi kiểm tra thực tế hàng hoá không nhất thiết trường hợp nào công chức hải quan cũng phải mở kiện hàng để kiểm tra (kiểm tra thủ công), mà thực hiện theo trình tự: Nếu có máy móc, thiết bị, phương tiện kỹ thuật kiểm tra (ví dụ máy soi, cân...) thì trước hết phải sử dụng máy móc, thiết bị, phương tiện kỹ thuật đó để kiểm tra. Nếu bằng máy móc, thiết bị phương tiện kỹ thuật đã xác định được nội dung cần kiểm tra thì không phải mở hàng kiểm tra trực tiếp nữa.

Các đơn vị phải sử dụng tối đa công suất của máy móc, thiết bị hiện có để kiểm tra hàng hoá, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp phải kiểm tra trực tiếp. Xây dựng quy chế sử dụng máy móc, thiết bị trong quy trình kiểm hoá, chấm dứt ngay tình trạng có máy soi, có cân... nhưng không sử dụng mà chỉ áp dụng một hình thức kiểm tra trực tiếp. Nhân đây, Tổng cục cũng lưu ý thêm rằng: Trừ máy soi trang bị cho Hải quan sân bay và cửa khẩu đường bộ lớn, mục đích chính của việc trang bị máy soi cho những nơi khác là để kiểm tra hàng hoá, chứ không phải để kiểm tra hành lý của hành khách xuất nhập cảnh.

1.2. Khi quyết định hình thức kiểm tra thực tế hàng hoá, lãnh đạo Chi cục nhất thiết phải căn cứ vào các quy định hiện hành để quyết định hình thức kiểm tra, không được tuỳ tiện áp đặt hình thức kiểm tra.

Nghiêm cấm việc kiểm tra mang tính hình thức gây khó khăn, chậm trễ, tăng chi phí cho chủ hàng và cơ quan Hải quan. Lô hàng không nhất thiết phải kiểm tra thì kiên quyết không kiểm tra.

1.3. Về số lượng kiểm hoá viên tham gia kiểm tra thực tế một lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu: Trường hợp phải kiểm tra trực tiếp hàng hoá thì căn cứ vào số lượng, mặt hàng, chủng loại, tính chất mặt hàng của lô hàng, lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu phân công số lượng kiểm hoá viên cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu thông quan nhanh hàng hoá, không nhất thiết lô hàng nào cũng do 02 kiểm hoá viên kiểm tra (lô hàng cần nhiều người hơn thì phải bố trí nhiều người, lô hàng nhỏ, nội dung kiểm tra đơn giản thì bố trí ít người hơn).

1.4. Về việc phân tích, giám định hàng hoá xuất nhập khẩu yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm theo Chỉ thị số 02/2003/CT-TCHQ ngày 19 tháng 9 năm 2003 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan về chấn chỉnh việc trưng cầu giám định hàng hoá xuất nhập khẩu và công văn số 6723/TCHQ-GSQL ngày 30 tháng 12 năm 2003 của Tổng cục Hải quan về việc trưng cầu phân tích, phân loại và giám định hàng hoá xuất nhập khẩu.

2. Về giám sát:

2.1. Đối với giám sát tại cảng:

a. Giám sát cổng cảng:

- Đối với hàng xuất khẩu:

Chủ hàng đưa thẳng hàng vào bàn giao cho giám sát kho, bãi (trường hợp lô hàng đã làm xong thủ tục hải quan tại Chi cục hải quan ngoài cửa khẩu, kể cả trường hợp miễn kiểm tra) hoặc vào bãi tập kết hàng chờ làm thủ tục tiếp (trường hợp lô hàng đưa tới cảng để làm thủ tục xuất khẩu), không phải làm thủ tục gì tại cổng cảng.

- Đối với lô hàng nhập khẩu: Giám sát cổng cảng thực hiện như quy định hiện hành.

b. Giám sát kho, bãi:

Nguyên tắc là, chủ hàng chỉ phải tiếp xúc 01 lần duy nhất với 01 công chức Hải quan làm nhiệm vụ này. Chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu chịu trách nhiệm phân công, điều hành số lượng nhân viên giám sát cho từng lô hàng cụ thể, hạn chế đầu mối, thủ tục không cần thiết.

- Đối với lô hàng xuất khẩu:

+ Trường hợp lô hàng đã làm xong thủ tục hải quan tại Chi cục hải quan ngoài cửa khẩu (kể cả trường hợp được miễn kiểm tra): Công chức giám sát tiếp nhận lô hàng và thực hiện các công việc về nghiệp vụ giám sát theo quy định. Chủ hàng chỉ tiếp xúc duy nhất với công chức này. Mọi yêu cầu quản lý khác nội bộ Hải quan tự giải quyết.

+ Trường hợp lô hàng được làm toàn bộ thủ tục hải quan tại cảng: Nếu lô hàng thuộc diện được miễn kiểm tra thực tế thì Công chức giám sát tiếp nhận lô hàng và thực hiện các công việc về nghiệp vụ giám sát theo quy định. Nếu lô hàng thuộc diện phải kiểm tra thực tế thì, sau khi kiểm hoá xong, công chức làm nhiệm vụ kiểm hoá thực hiện việc niêm phong hàng hoá và thông báo cho bộ phận giám sát theo dõi tiếp. Chủ hàng chỉ tiếp xúc duy nhất với công chức kiểm hoá. Mọi yêu cầu quản lý khác nội bộ Hải quan tự giải quyết.

- Đối với lô hàng nhập khẩu:

+ Trường hợp chuyển cửa khẩu: Công chức giám sát thực hiện tất cả các nội dung về giám sát đối với loại hình này. Chủ hàng chỉ tiếp xúc duy nhất với công chức này. Mọi yêu cầu quản lý khác nội bộ Hải quan tự giải quyết.

+ Trường hợp lô hàng được làm toàn bộ thủ tục hải quan tại cảng: Chủ hàng không phải làm thủ tục gì với bộ phận giám sát. Mọi yêu cầu quản lý nội bộ Hải quan tự giải quyết.

2.2. Đối với hàng hoá chờ kết quả giám định theo quy định tại khoản 4 Điều 25 Luật Hải quan: Giám sát là nhằm mục đích giữ nguyên trạng hàng hoá. Nguyên trạng bao gồm nguyên trạng số lượng và nguyên trạng về tính chất, chủng loại hàng hoá. Do vậy, trong trường hợp đã xác định được là mặt hàng được phép nhập khẩu, giám định chỉ nhằm mục đích xác định số thuế phải nộp thì hàng hoá được thông quan sau khi đã lấy mẫu giám định.

3. Khi có yêu cầu thì đối với người khai hải quan, công chức Hải quan phải sử dụng Phiếu yêu cầu nghiệp vụ (ban hành kèm theo văn bản này). Tất cả các yêu cầu của công chức Hải quan đối với người khai hải quan đều phải được thể hiện trên Phiếu yêu cầu nghiệp vụ. Phiếu này được lưu cùng với bộ hồ sơ hải quan như một chứng từ của bộ hồ sơ.

Yêu cầu Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định trên, thông báo công khai để các doanh nghiệp biết, thực hiện và giám sát việc thực hiện của công chức hải quan.

 

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Vũ Ngọc Anh

 

[...]