Công văn 2579/BTP-PLQT năm 2019 về chứng nhận văn bản ủy quyền từ nước ngoài do Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 2579/BTP-PLQT
Ngày ban hành 11/07/2019
Ngày có hiệu lực 11/07/2019
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Tư pháp
Người ký Bạch Quốc An
Lĩnh vực Quyền dân sự

BỘ TƯ PHÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2579/BTP-PLQT
V/v chứng nhận văn bản ủy quyền từ nước ngoài

Hà Nội, ngày 11 tháng 7 năm 2019

 

Kính gửi: Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh

Trả lời Công văn số 6539/STP-BTTP ngày 13/7/2018 của Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh về việc chứng nhận văn bản ủy quyền từ nước ngoài, Bộ Tư pháp có ý kiến như sau:

1. Công văn số 262/HTQTCT-HT ngày 23/3/2017 của Cục Hộ tịch, Quốc tịch và chứng thực hướng dẫn nghiệp vụ chứng thực thỏa thuận phân chia di sản thừa kế được lập tại Việt Nam trên cơ sở văn bản ủy quyền được lập và công chứng theo pháp luật nước ngoài chỉ có giá trị hướng dẫn cho vụ việc cụ thể theo đề nghị của Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế. Vì vậy, khi giải quyết các vụ việc cụ thể, cơ quan có thẩm quyền phải căn cứ vào quy định pháp luật và tình tiết của từng vụ việc để ra quyết định.

2. Khoản 4 Điều 683 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định “Trường hợp hợp đồng có đối tượng là bất động sản thì pháp luật áp dụng đối với việc chuyển giao quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là bất động sản, thuê bất động sản hoặc việc sử dụng bất động sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ là pháp luật của nước nơi có bất động sản.” Điều khoản này áp dụng với các hợp đồng có đối tượng là bất động sản, bao gồm hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là bất động sản, thuê bất động sản hoặc việc sử dụng bất động sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Điều khoản này không áp dụng với hợp đồng ủy quyền có đối tượng là công việc cụ thể (Điều 652 Bộ luật dân sự năm 2015 "Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”)

3. Các văn bản ủy quyền của người nước ngoài đã được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài công chứng/ chứng thực phù hợp với pháp luật của nước sở tại và đáp ứng yêu cầu của pháp luật Việt Nam về hợp pháp hóa lãnh sự thì pháp luật hiện hành không có quy định nào cấm sử dụng tại Việt Nam. Tuy nhiên, văn bản ủy quyền này chỉ xác định hệ quả pháp lý của hành vi do người được ủy quyền thực hiện thay cho người ủy quyền, không có giá trị chứng minh quyền đối với bất động sản của người ủy quyền.

Trên đây là ý kiến của Bộ Tư pháp về việc chứng nhận văn bản ủy quyền từ nước ngoài, xin gửi để Quý đơn vị tham khảo./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc (để b/c);
- Vụ Pháp luật dân sự kinh tế (để p/h);
- Cục Bổ trợ tư pháp (để p/h);
- Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực (để p/h);
- Lưu: VT, PLQT (B)

TL. BỘ TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG VỤ PHÁP LUẬT QUỐC TẾ




Bạch Quốc An