Công văn 2533/BGDĐT-DATHCSKKN2 năm 2015 triển khai đầu tư xây dựng công trình trong Dự án Giáo dục THCS khu vực khó khăn nhất, giai đoạn 2 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
Số hiệu | 2533/BGDĐT-DATHCSKKN2 |
Ngày ban hành | 27/05/2015 |
Ngày có hiệu lực | 27/05/2015 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Giáo dục và Đào tạo |
Người ký | Nguyễn Vinh Hiển |
Lĩnh vực | Xây dựng - Đô thị,Giáo dục |
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2533/BGDĐT-DATHCSKKN2 |
Hà Nội, ngày 27 tháng 05 năm 2015 |
Kính gửi: |
Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh tham gia Dự án Giáo dục trung học cơ sở khu vực khó khăn nhất, giai đoạn 2. |
Căn cứ Hiệp định vay số 3201-VIE (SF) ký ngày 23/01/2015 giữa nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho Dự án Giáo dục trung học cơ sở khu vực khó khăn nhất, giai đoạn 2;
Căn cứ Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Giáo dục trung học cơ sở khu vực khó khăn nhất, giai đoạn 2 được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt tại Quyết định số 2178/QĐ-BGDĐT ngày 23/6/2014;
Thực hiện Luật Xây dựng số 50/2014/QH13; Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13;
Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) tạo hướng dẫn thực hiện một số nội dung chính trong công tác quản lý đầu tư xây dựng các công trình thuộc Dự án Giáo dục trung học cơ sở khu vực khó khăn nhất, giai đoạn 2 theo các văn kiện của Dự án như sau:
1- Cơ cấu tổ chức thực hiện quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình
Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình trong Dự án Giáo dục trung học cơ sở khu vực khó khăn nhất, giai đoạn 2 được thực hiện theo các quy định hiện hành của Việt Nam và các quy định của ADB. Trong trường hợp có sự khác biệt giữa quy định của pháp luật Việt Nam và quy định của ADB thì thực hiện theo các quy định của ADB.
Dự án thực hiện phân cấp quản lý đối với công tác đầu tư xây dựng, cụ thể như sau:
Bộ GD&ĐT là cơ quan chủ quản dự án, có trách nhiệm điều hành chung, giám sát toàn bộ các hoạt động của Dự án. Tổng hợp kế hoạch và bố trí vốn đối ứng hàng năm cho các hoạt động của Dự án có sử dụng nguồn vốn đối ứng Trung ương.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh là người quyết định đầu tư xây dựng tại địa phương sẽ thực hiện các quyền hạn và trách nhiệm của mình đối với dự án đầu tư xây dựng các công trình triển khai tại địa phương theo quy định của pháp luật hiện hành.
Sở Giáo dục và Đào tạo (Sở GD&ĐT) là chủ đầu tư xây dựng công trình đối với các công trình xây dựng thực hiện tại địa phương.
Ban Quản lý Dự án trung ương (Ban QLDATW) do Bộ GD&ĐT thành lập có nhiệm vụ quản lý chung toàn bộ Dự án; là đầu mối liên hệ với các nhà tài trợ; lập kế hoạch tổng thể và kế hoạch chi tiết hàng năm thực hiện Dự án; quản lý các chương trình đào tạo, cung cấp thiết bị trong khuôn khổ Dự án; thuê tuyển các dịch vụ tư vấn; giám sát và báo cáo, triển khai các hoạt động đấu thầu đối với những gói thầu thuộc trách nhiệm thực hiện được quy định trong Dự án; quản lý hợp đồng, giải ngân, quản lý tài chính, hướng dẫn, điều phối hoạt động của các Ban Quản lý Dự án tỉnh để Dự án được thực hiện đúng mục tiêu, đối tượng, khối lượng, chất lượng và tiến độ. Thực hiện chế độ báo cáo tình hình thực hiện dự án theo quy định.
Ban Quản lý Dự án tỉnh (Ban QLDAT) do UBND tỉnh thành lập thuộc Sở GD&ĐT. Ban QLDAT có nhiệm vụ quản lý và tổ chức thực hiện các hoạt động của Dự án được triển khai tại địa phương. Đối với công tác đầu tư xây dựng công trình, Ban QLDA tỉnh là đơn vị giúp Chủ đầu tư triển khai các hoạt động từ chuẩn bị đầu tư đến khi quyết toán dự án hoàn thành. Kết hợp chặt chẽ với Ban QLDATW và các cơ quan liên quan để đảm bảo thực hiện theo đúng quy trình thủ tục của pháp luật Việt Nam và quy định của Nhà tài trợ. Giám sát các hoạt động dự án và đánh giá tác động của dự án tại địa phương. Thực hiện chế độ báo cáo tình hình thực hiện Dự án theo quy định.
2- Nguồn vốn và cơ cấu vốn thực hiện đầu tư xây dựng
Vốn vay bố trí cho công tác đầu tư xây dựng trong Dự án Giáo dục trung học cơ sở khu vực khó khăn nhất, giai đoạn 2 chỉ đầu tư cho các hạng mục cơ sở vật chất theo danh mục đầu tư được nhà tài trợ thông qua và Bộ GD&ĐT phê duyệt.
Nguồn vốn và tỷ lệ vốn đầu tư xây dựng công trình như sau:
a) Vốn vay ADB để chi trả 100% giá trị xây dựng trước thuế theo các hợp đồng xây dựng.
b) Vốn đối ứng địa phương để chi trả thuế cho các hợp đồng xây dựng; toàn bộ các chi phí quản lý Dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí khác và chi phí phát sinh khác nếu có như giải phóng mặt bằng, tôn lấp, san ủi, xây kè chống trôi đất, phá dỡ công trình hiện trạng, cấp điện đến trường, cấp nước đến trường (kể cả làm giếng), chống mối, bảo trì cơ sở vật chất, thiết bị được Dự án đầu tư, vv...
3- Công tác đấu thầu xây lắp
Hình thức lựa chọn nhà thầu xây lắp được quy định như sau:
Chào hàng cạnh tranh (shopping) áp dụng cho gói thầu có giá dưới 100.000 USD.
Đấu thầu rộng rãi trong nước áp dụng cho gói thầu có giá từ 100.000 đến 5.000.000 USD.
Đấu thầu quốc tế áp dụng cho gói thầu có giá từ 5.000.000 USD trở lên.
Ban QLDATW có nhiệm vụ hướng dẫn chi tiết về quy trình và thủ tục đấu thầu xây lắp trong Dự án theo quy định của pháp luật Việt Nam và quy định của Nhà tài trợ.
4- Thanh toán, quyết toán công trình
Thanh toán phần vốn vay cho các hợp đồng xây lắp do Ban QLDATW thực hiện chuyển khoản cho nhà thầu căn cứ hồ sơ thanh toán do Chủ đầu tư lập có xác nhận chi của Kho bạc nhà nước tỉnh. Đối với những yêu cầu riêng của ADB, Ban QLDATW có nhiệm vụ hướng dẫn chi tiết. Do khoản vay có hiệu lực trong thời gian nhất định nên khi công trình xây dựng đã hoàn thành, việc thanh, quyết toán các hợp đồng cần hoàn thành trước khi khoản vay hết hiệu lực.
5- Sử dụng, bảo trì cơ sở vật chất và trang thiết bị được Dự án đầu tư