Công văn 2519/TCT-TTKT năm 2023 về quản lý, đôn đốc thu nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên, khoáng sản; thuế tài nguyên do Tổng cục Thuế ban hành

Số hiệu 2519/TCT-TTKT
Ngày ban hành 20/06/2023
Ngày có hiệu lực 20/06/2023
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tổng cục Thuế
Người ký Vũ Mạnh Cường
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Tài nguyên - Môi trường

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2519/TCT-TTKT
V/v quản lý, đôn đốc thu nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên, khoáng sản; thuế tài nguyên.

Hà Nội, ngày 20 tháng 6 năm 2023

 

Kính gửi: Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tổng cục Thuế đã có công văn số 964/TCT-TTKT ngày 28/03/2023 đề nghị Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo về công tác quản lý, chống thất thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên khoáng sản. Trên cơ sở báo cáo của các Cục Thuế cho thấy còn một số tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện thu nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, cấp quyền khai thác tài nguyên nước (sau đây gọi chung là tiền cấp quyền khai thác tài nguyên, khoáng sản). Về việc này, Tổng cục Thuế đã có văn bản đề nghị các cơ quan liên quan (Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam; Cục Quản lý tài nguyên nước; Sở Tài Nguyên và Môi trường) tăng cường phối hợp với Cục Thuế địa phương trong công tác quản lý chống thất thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên, khoáng sản. Đồng thời đề nghị Cục Thuế cũng chủ động phối hợp với các ngành, tham mưu cấp có thẩm quyền kịp thời xử lý những vướng mắc, hạn chế như:

1. Phối hợp các ngành tham mưu kịp thời với Ủy ban nhân dân tỉnh đình chỉ hoạt động khai thác khoáng sản đối với các tổ chức, cá nhân không chấp hành nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước dẫn đến nợ tiền thuế tài nguyên, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên, khoáng sản kéo dài.

2. Phối hợp thu thập dữ liệu, chia sẻ thông tin về các nội dung như: Thu hồi, cấp phép khai thác, phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên khoáng sản từ Cục quản lý tài nguyên nước, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương sang cơ quan thuế và ngược lại để khắc phục việc một số trường hợp đã bị thu hồi, cấp phép, phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên khoáng sản nhưng cơ quan thuế vẫn không nhận được các văn bản này dẫn đến phát sinh khó khăn trong công tác quản lý thu.

3. Theo quy định tại điểm b, khoản 1 và điểm b, khoản 2, Điều 13 Nghị định số 67/2019/NĐ-CP ngày 31/7/2019 quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thì Tổng cục địa chất và khoáng sản Việt nam, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm gửi văn bản phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và văn bản xác định số tiền phải nộp từ lần thứ hai trước ngày 01 tháng 3 hàng năm cho tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép và Cục Thuế địa phương nơi có khu vực khoáng sản được cấp phép khai thác, do vậy Cục thuế chủ động phối hợp nắm thông tin để ban hành thông báo thu vào ngân sách nhà nước kịp thời.

4. Theo quy định tại Điều 8 Nghị định 67/2019/NĐ-CP ngày 31/7/2019 quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thì Tổng cục địa chất và khoáng sản Việt nam, Sở Tài nguyên và môi trường cấp tỉnh là cơ quan tiếp nhận, kiểm tra, tổ chức tính, thẩm định và trình Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; đồng thời theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 82/2017/NĐ-CP về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước thì Cục Quản lý tài nguyên nước thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tiếp nhận, tổ chức thẩm định hồ sơ tính tiền, điều chỉnh tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước và trình Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước. Do vậy, đối với những trường hợp qua thanh tra, kiểm tra thuế phát hiện đơn vị kê khai sản lượng tài nguyên khai thác cao hơn trữ lượng được cấp phép, Cơ quan Thuế chuyển thông tin cho Sở Tài nguyên và Môi trường, đồng chuyển thông tin cho Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam hoặc Cục Quản lý tài nguyên nước (đối với trường hợp thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường) để xử lý theo thẩm quyền, nắm bắt tiến độ xử lý.

5. Cục Thuế tiếp tục đôn đốc, xử lý thu vào ngân sách nhà nước các khoản tiền cấp quyền khai thác tài nguyên, khoáng sản cũng như các khoản tiền chậm nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên, khoáng sản.

6. Về tăng cường quản lý thuế tài nguyên.

6.1. Về công tác kiểm tra, thanh tra về thuế tài nguyên:

Căn cứ Điều 109 về kiểm tra thuế tại trụ sở của cơ quan quản lý thuế; Điều 110 về kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế; Điều 113 về trường hợp thanh tra thuế tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14. Để tăng cường quản lý thuế tài nguyên đối với người khai thác chế biến khoáng sản, ngăn ngừa sai sót, gian lận, đề nghị Cục Thuế tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành kê khai, nộp thuế tài nguyên, kết hợp với kiểm tra, thanh tra thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, công tác sử dụng hóa đơn để rà soát xác định đối tượng nộp thuế tài nguyên, sản lượng chịu thuế và giá tính thuế tài nguyên thực hiện chặt chẽ qua các khâu: (i) Kiểm tra thuế tại trụ sở của cơ quan quản lý thuế; (ii) Kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế; (iii) Thực hiện thanh tra thuế theo quy định của pháp luật.

6.2. Việc kiểm tra, thanh tra cần chú trọng công tác rà soát nội dung về đối tượng nộp thuế, sản lượng chịu thuế và giá tính thuế tài nguyên, cụ thể:

Căn cứ hồ sơ khai, nộp thuế tài nguyên của người khai thác tài nguyên, khoáng sản do Cục Thuế trực tiếp quản lý và Chi cục Thuế trực tiếp quản lý, đối chiếu với hồ sơ thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, khoáng sản (theo văn bản phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, khoáng sản do cơ quan tài nguyên và môi trường gửi đến Cục Thuế) do Cục Thuế đang quản lý thu để xác định:

a) Người nộp thuế tài nguyên, gồm: (i) Người nộp thuế tài nguyên, đã quản lý thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, khoáng sản; (ii) Người thuộc diện quản lý thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, khoáng sản, nhưng chưa kê khai nộp thuế tài nguyên; (iii) Người nộp thuế tài nguyên, nhưng chưa quản lý thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, khoáng sản, để xác định người thuộc diện phải kê khai nộp thuế tài nguyên.

b) Đối chiếu, xác định sản lượng tài nguyên, khoáng sản thực tế chịu thuế tài nguyên:

b1) Đối với người nộp thuế tài nguyên đã được quản lý thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản:

Căn cứ sản lượng mỗi loại khoáng sản khai thác trên Tờ khai quyết toán thuế tài nguyên năm, đối chiếu với trữ lượng tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản tương ứng của năm theo Quyết định phê duyệt (hoặc điều chỉnh) tiền cấp quyền khai thác khoáng sản do cơ quan tài nguyên và môi trường chuyển đến (theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 67/2019/NĐ-CP ngày 31/7/2019 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản), để xác minh tính phù hợp của sản lượng khoáng sản kê khai nộp thuế tài nguyên của năm khai thác, với trữ lượng tài nguyên được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép khai thác của năm. Trường hợp phát sinh chênh lệch, tiến hành xác định nguyên nhân chênh lệch tăng hoặc chênh lệch giảm và xử lý về thuế theo quy định (nếu có).

Việc xác định nguyên nhân chênh lệch được căn cứ hồ sơ thiết kế khai thác khoáng sản được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt về: Quy trình khai thác, sàng, tuyển, chế biến khoáng sản; hệ số thu hồi khoáng sản qua sàng, tuyển; định mức sử dụng khoáng sản trong chế biến khoáng sản; phương pháp quy đổi trữ lượng khoáng sản, quy đổi sản lượng tài nguyên tính thuế; xác định sản lượng tài nguyên đồng hành thu được từ hoạt động khai thác khoáng sản theo Giấy phép khai thác; sản lượng khoáng sản khai thác chưa thu hồi chưa kê khai nộp thuế tài nguyên, mà được tập kết, bảo quản theo quy định của pháp luật về khoáng sản.

b2) Đối với người khai thác tài nguyên, khoáng sản chưa kê khai nộp thuế tài nguyên, Cục Thuế liên hệ, trao đổi thông tin làm rõ nguyên nhân chưa kê khai nộp thuế tài nguyên để quản lý thu thuế:

- Trường hợp phát sinh sản lượng tài nguyên, khoáng sản khai thác, nhưng chưa kê khai nộp thuế tài nguyên theo quy định thì tổ chức kiểm tra, thanh tra truy thu thuế tài nguyên và xử lý theo quy định của pháp luật về thuế.

- Trường hợp chưa phát sinh sản lượng tài nguyên, khoáng sản khai thác, do chưa được bàn giao mặt bằng, do chưa đáp ứng quy trình công nghệ khai thác hoặc do các nguyên nhân khách quan khác thì đề nghị cung cấp hồ sơ liên quan cho Cục Thuế hoặc Cục Thuế phối hợp với cơ quan chức năng xác minh, làm rõ khi cần thiết.

b3) Đối với người khai thác tài nguyên không thuộc diện phải cấp Giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về khoáng sản:

Căn cứ hồ sơ khai thuế tài nguyên, Cục Thuế rà soát người khai thác khoáng sản được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy phép khai thác khoáng sản và người không phải làm thủ tục cấp Giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về khoáng sản, như: Người thi công công trình xây dựng; thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh..., có thu được tài nguyên dùng để tiêu thụ, thuộc diện nộp thuế tài nguyên, (gồm cả khai thác tài nguyên làm vật liệu xây dựng thông thường, khai thác tài nguyên nhỏ, lẻ ...) để quản lý thu thuế tài nguyên theo quy định của pháp luật về thuế tài nguyên.

Đồng thời, Cục Thuế trao đổi thông tin đến Sở Tài nguyên và Môi trường để rà soát, lập hồ sơ báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phối hợp quản lý tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về khoáng sản và thuế tài nguyên theo quy định của pháp luật.

c) Về giá tính thuế tài nguyên: Việc xác định giá tính thuế tài nguyên đối với từng trường hợp được quy định cụ thể tại Điều 6 Thông tư số 152/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Cục Thuế báo cáo UBND cấp tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với Cục Thuế thường xuyên rà soát biến động giá bán trên thị trường của mỗi loại tài nguyên, khoáng sản để lập phương án giá tính thuế tài nguyên báo cáo Bộ Tài chính có ý kiến làm căn cứ điều chỉnh Bảng giá tính thuế tài nguyên cho phù hợp với biến động của thị trường.

6.3. Đồng thời tăng cường thực hiện công tác quản lý thuế đối với hoạt động mua, bán, khai thác đất, đá, cát, sỏi. Triển khai rà soát, đối chiếu các doanh nghiệp, cá nhân có hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển, sử dụng đất, đá, cát, sỏi trên địa bàn quản lý, như:

- Kiểm tra hồ sơ pháp lý liên quan đến hoạt động khai thác đất, đá, cát, sỏi. Phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản để đối chiếu sản lượng được cấp phép khai thác với tổng sản lượng đã khai thác.

- Kiểm tra việc chấp hành sổ sách hóa đơn, chứng từ của doanh nghiệp, cá nhân có hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển, sử dụng đất, đá, cát, sỏi. Tiến hành xác minh, đối chiếu hóa đơn đầu vào của các công trình, dự án với hóa đơn đầu ra của các doanh nghiệp khai thác, kinh doanh cát, sỏi để quản lý chặt chẽ nguồn thu từ đất, đá, cát, sỏi thông qua sản lượng khai thác thực tế và giá bán của các doanh nghiệp, cá nhân có hoạt động khai thác.

[...]