Công văn 2499/BNV-CCVC năm 2021 về rà soát chứng chỉ bồi dưỡng đối với công chức, viên chức do Bộ Nội vụ ban hành

Số hiệu 2499/BNV-CCVC
Ngày ban hành 28/05/2021
Ngày có hiệu lực 28/05/2021
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Nội vụ
Người ký Phạm Thị Thanh Trà
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ NỘI VỤ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2499/BNV-CCV
V/v rà soát chứng chỉ bồi dưỡng đối với công chức, viên chức

Hà Nội, ngày 28 tháng 05 năm 2021

 

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1797/VPCP-TCCV ngày 19/3/2021 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ đã tổ chức họp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan và có Công văn số 1714/BNV-CCVC ngày 23/4/2021 đề nghị các Bộ quản lý ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành rà soát, báo cáo về chứng chỉ bồi dưỡng đối với công chức, viên chức thuộc ngành, lĩnh vực được giao quản lý; phân loại chứng chỉ bắt buộc và không bắt buộc trong quản lý, hoạt động công vụ, hoạt động nghề nghiệp; xác định sự cần thiết có hay không có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch, chức danh nghề nghiệp được giao quản lý.

Trên cơ sở tổng hợp báo cáo của các Bộ, ngành gửi đến1, Bộ Nội vụ báo cáo Thủ tướng Chính phủ như sau:

I. THỰC TRẠNG YÊU CẦU VỀ CHỨNG CHỈ BỒI DƯỠNG ĐỐI VỚI ĐỘI NGŨ CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC

1. Rà soát yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng đối với công chức, viên chức

Hiện nay, theo quy định của Luật cán bộ, công chức, Luật viên chức, quy định của Chính phủ và các Bộ, ngành (phụ lục 1 kèm theo), việc đào tạo, bồi dưỡng đối với công chức, viên chức được thực hiện đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý, tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức và bồi dưỡng nhằm bổ sung, cập nhật kiến thức, kỹ năng chuyên ngành. Theo đó, có 03 loại chứng chỉ bồi dưỡng yêu cầu bắt buộc đối với công chức, viên chức, bao gồm:

(1) Chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn lãnh đạo, quản lý được thực hiện trước khi bổ nhiệm (Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 18/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đến hết năm 2021, 100% cán bộ, công chức, viên chức phải bồi dưỡng đáp ứng tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý trước khi được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại).

(2) Chứng chỉ bồi dưỡng theo yêu cầu của tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức là bắt buộc khi thực hiện việc bổ nhiệm hoặc đăng ký dự thi nâng ngạch, chức danh nghề nghiệp. Bao gồm:

- Chứng chỉ bồi dưỡng về lý luận chính trị chỉ yêu cầu đối với công chức ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương;

- Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước theo ngạch công chức (có 66 loại chứng chỉ/79 ngạch công chức) hoặc chứng chỉ bồi dưỡng theo chức danh nghề nghiệp viên chức (có 145 loại chứng chỉ/189 chức danh nghề nghiệp viên chức);

- Chứng chỉ ngoại ngữ (có 74/79 ngạch công chức và 155/189 chức danh nghề nghiệp viên chức yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ);

- Chứng chỉ tin học (có 74/79 ngạch công chức và 142/189 chức danh nghề nghiệp viên chức yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ).

(3) Chứng chỉ bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành bắt buộc hàng năm.

Theo quy định thì chứng chỉ bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm và kiến thức, kỹ năng chuyên ngành không yêu cầu bắt buộc phải có khi bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý hoặc bổ nhiệm ngạch, chức danh nghề nghiệp, nhưng là một trong những căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong năm của công chức, viên chức.

2. Đánh giá thực trạng về việc bồi dưỡng và cấp chứng chỉ đối với công chức, viên chức

Qua rà soát các quy định và tổng hợp ý kiến của các Bộ, ngành (phụ lục 2 kèm theo), Bộ Nội vụ nhận thấy việc bồi dưỡng và cấp chứng chỉ đối với công chức, viên chức được thực hiện từ năm 2003 và đi vào nề nếp, các chương trình bồi dưỡng đã cung cấp một nền kiến thức chung về quản lý hành chính nhà nước, quản lý chuyên ngành, các kỹ năng làm việc, thực hiện nhiệm vụ, góp phần chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức. Tuy nhiên, công tác bồi dưỡng và cấp chứng chỉ đối với công chức, viên chức có một số hạn chế, tồn tại như sau:

(1) Nội dung một số chương trình bồi dưỡng còn nhiều lý thuyết, chưa thật sự bám sát với yêu cầu của vị trí việc làm; còn trùng lặp nội dung giữa các chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch, chức danh nghề nghiệp trong cùng một chuyên ngành hoặc trùng với kiến thức đào tạo trong trường đại học.

(2) Việc quy định yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học không còn phù hợp vì hiện nay các cơ sở đào tạo đã có quy định về việc chuẩn đầu ra phải đạt được trình độ ngoại ngữ, tin học theo các cấp độ tương ứng.

(3) Có sự chồng chéo, trùng lắp về nội dung, chương trình bồi dưỡng đối với đội ngũ giáo viên do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định (Báo cáo số 1242/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 31/3/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo).

II. KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT CỦA BỘ NỘI VỤ

Công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với công chức, viên chức là cần thiết và phải tăng cường nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Thực hiện chủ trương chung của Đảng, Nhà nước trong đổi mới nội dung, hình thức đào tạo, bồi dưỡng đối với công chức, viên chức, bảo đảm giữa các chương trình đào tạo, bồi dưỡng không trùng lắp về nội dung và phải phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, lấy đối tượng đào tạo, bồi dưỡng làm trung tâm; đẩy mạnh phân cấp trong quản lý nội dung, chương trình, hình thức, thời gian bồi dưỡng đối với công chức, viên chức; hạn chế yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức, Bộ Nội vụ kiến nghị, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ như sau:

1. Đề nghị bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong công tác tuyển dụng và bổ nhiệm, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức. Bao gồm:

- Bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ ngoại ngữ của 74 ngạch công chức và 155 chức danh nghề nghiệp viên chức;

- Bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ tin học của 74 ngạch công chức và 142 chức danh nghề nghiệp viên chức.

2. Cắt giảm các quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức theo hướng tích hợp các chương trình bồi dưỡng có nội dung tương đồng trong cùng một nhóm ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành để tăng cường bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm; theo đó đề xuất giảm 17 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức và 87 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức (phụ lục 3 kèm theo).

3. Giao Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo hướng:

- Không quy định cụ thể các chương trình bồi dưỡng theo các ngạch công chức hoặc hạng viên chức; thời hạn mỗi chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch, chức danh nghề nghiệp không quá 08 tuần; nội dung, chương trình, hình thức, thời gian bồi dưỡng do Bộ quản lý chuyên ngành quy định cụ thể (Điều 17);

- Quy định việc bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý được thực hiện trước hoặc sau khi bổ nhiệm (thực hiện tương tự như bồi dưỡng về kiến thức quốc phòng và an ninh);

[...]