Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Công văn 2464/BCT-TMĐT về báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2006-2010 do Bộ Công thương ban hành

Số hiệu 2464/BCT-TMĐT
Ngày ban hành 22/03/2011
Ngày có hiệu lực 22/03/2011
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Công thương
Người ký Lê Danh Vĩnh
Lĩnh vực Thương mại,Công nghệ thông tin

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2464/BCT-TMĐT
V/v báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2006-2010

Hà Nội, ngày 22 tháng 03 năm 2011

 

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ

Thực hiện Quyết định số 222/2005/QĐ-TTg ngày 15 tháng 9 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2006-2010 (Quyết định 222), Bộ Công Thương xin báo cáo Thủ tướng Chính phủ tổng kết 5 năm thực hiện Kế hoạch tổng thể, cụ thể như sau:

I. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CÁC MỤC TIÊU ĐỀ RA TẠI KẾ HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ GIAI ĐOẠN 2006-2010

Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2006-2010 đã đề ra bốn mục tiêu cần đạt được vào năm 2010, Bộ Công Thương xin báo cáo tình hình thực hiện các mục tiêu này như sau:

Mục tiêu 1: Khoảng 60% doanh nghiệp có quy mô lớn tiến hành giao dịch thương mại điện tử loại hình “doanh nghiệp với doanh nghiệp”.

Năm 2010, Bộ Công Thương đã tiến hành khảo sát 3.400 doanh nghiệp đang hoạt động trên toàn quốc. Kết quả cho thấy, tỷ lệ ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) trong giao dịch của các doanh nghiệp quy mô lớn (có từ 300 lao động trở lên) đã vượt mức chỉ tiêu đề ra trong Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2006-2010. Cụ thể, 70% doanh nghiệp lớn tham gia khảo sát đã thiết lập website. 95% nhận đơn đặt hàng qua các phương tiện điện tử và 96% doanh nghiệp sử dụng thư điện tử thường xuyên trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp khai thác các ứng dụng này ở mức độ chuyên sâu và thật sự hiệu quả chưa cao.

Mục tiêu 2: Khoảng 80% doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ biết tới tiện ích của thương mại điện tử và tiến hành giao dịch thương mại điện tử loại hình “doanh nghiệp với người tiêu dùng” hoặc “doanh nghiệp với doanh nghiệp”.

Theo kết quả khảo sát năm 2010 của Bộ Công Thương, hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã biết tới và đánh giá cao những lợi ích mà thương mại điện tử mang lại. Phần lớn doanh nghiệp đã triển khai ứng dụng TMĐT ở các mức độ khác nhau. Đến cuối năm 2010, 100% doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia khảo sát đã trang bị máy tính, 98% có kết nối Internet, 80% sử dụng thư điện tử thường xuyên cho mục đích kinh doanh và 85% đã chấp nhận đơn đặt hàng qua các phương tiện điện tử. Như vậy, đến cuối năm 2009 mục tiêu 80% doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ biết tới tiện ích của thương mại điện tử và tiến hành giao dịch thương mại điện tử loại hình “doanh nghiệp với người tiêu dùng” hoặc “doanh nghiệp với doanh nghiệp” về cơ bản đã được hoàn thành.

Mục tiêu 3: Khoảng 10% hộ gia đình tiến hành giao dịch thương mại điện tử loại hình “doanh nghiệp với người tiêu dùng” hoặc “người tiêu dùng với người tiêu dùng”.

Năm 2010, Bộ Công Thương tiến hành khảo sát tình hình ứng dụng TMĐT tại 500 hộ gia đình trên địa bàn thành phố Hà Nội. Kết quả khảo sát cho thấy 49% hộ gia đình đã kết nối Internet, trong đó 18% cho biết mục đích truy cập Internet có liên quan tới thương mại điện tử và 4% từng sử dụng dịch vụ thanh toán hoặc ngân hàng trực tuyến khi truy cập Internet. Tỷ lệ 21% hộ gia đình truy cập Internet thông qua thiết bị cầm tay cho thấy sự lớn mạnh nhanh chóng cũng như tiềm năng của các ứng dụng thương mại điện tử trên nền thiết bị di động (m-commerce). Tuy kết quả khảo sát chỉ phản ánh thực trạng ứng dụng TMĐT trong các hộ gia đình tại thành phố Hà Nội, nhưng với tỷ lệ hộ gia đình có kết nối Internet trên toàn quốc đạt 12,2% vào năm 2010 và số thuê bao di động cuối năm 2010 được thống kê ở mức 172 thuê bao/100 dân, Việt Nam đang có những cơ sở hết sức thuận lợi để đẩy mạnh triển khai ứng dụng thương mại điện tử tới mọi thành phần người tiêu dùng trong toàn xã hội. Các số liệu trên cho thấy giao dịch TMĐT của người tiêu dùng giai đoạn 5 năm qua gia tăng nhanh chóng và mục tiêu 10% hộ gia đình tiến hành giao dịch TMĐT có thể xem như đã hoàn thành.

Mục tiêu 4: Các chào thầu mua sắm Chính phủ được công bố trên Trang tin điện tử của các cơ quan Chính phủ và ứng dụng giao dịch thương mại điện tử trong mua sắm Chính phủ.

Đến cuối năm 2010, khung pháp lý cho việc ứng dụng giao dịch thương mại điện tử trong mua sắm Chính phủ về cơ bản đã được hoàn thiện. Các nội dung về công bố thông tin đấu thầu và đấu thầu qua mạng đã được quy định khá đầy đủ trong các văn bản như Luật Đấu thầu năm 2005, Nghị định số 58/2008/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật đấu thầu, Thông tư số 26/2009/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc cung cấp thông tin và đảm bảo khả năng truy cập thuận tiện đối với trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước và một số văn bản cấp Bộ khác.

Thực hiện các văn bản nói trên, đến cuối năm 2010 các thông tin về đấu thầu, mua sắm công và thông báo mời thầu đã được công bố rộng rãi trên trang thông tin điện tử của nhiều cơ quan Bộ ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang khẩn trương triển khai Dự án Ứng dụng thương mại điện tử vào mua sắm của Chính phủ.

Với tình hình triển khai như trên, có thể kết luận tới hết năm 2010, mục tiêu công bố các chào thầu mua sắm Chính phủ trên trang thông tin điện tử của các Bộ, ngành và ứng dụng giao dịch thương mại điện tử trong mua sắm Chính phủ đã cơ bản được hoàn thành, tạo tiền đề cho việc triển khai trên diện rộng các hoạt động đấu thầu điện tử trong mua sắm Chính phủ.

II. TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI CÁC NHÓM GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Tuyên truyền, phổ biến và đào tạo về TMĐT

Triển khai Quyết định 222, trong 5 năm qua hoạt động tuyên truyền, phổ biến về TMĐT đã được đẩy mạnh dưới nhiều hình thức, với sự tham gia tích cực của các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội – nghề nghiệp cũng như cơ quan thông tin đại chúng và doanh nghiệp. Nhiều sự kiện lớn, các cuộc thi, giải thưởng liên quan đến TMĐT được tổ chức thường xuyên như Giải Cúp vàng TMĐT của Hội Tin học Việt Nam, Giải Sao khuê của Hiệp hội phần mềm Việt Nam, Chương trình Ý tưởng số, Chương trình xếp hạng doanh nghiệp TMĐT uy tín, Diễn đàn triển lãm TMĐT Việt Nam (Ecombiz) của Bộ Công Thương phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam.

Hoạt động đào tạo cho cán bộ quản lý nhà nước và doanh nghiệp về TMĐT đã đi vào nề nếp với các chương trình hội thảo, tập huấn được tổ chức thường xuyên và rộng khắp. Từ năm 2006-2010, Bộ Công Thương phối hợp với các Sở Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và một số đơn vị khác đã tổ chức hơn 200 khóa tập huấn về quản lý nhà nước cũng như kỹ năng ứng dụng TMĐT trong kinh doanh cho các cơ quan và doanh nghiệp trên cả nước, trong đó trên 90% là cho các tỉnh, thành phố khác ngoài Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Đến nay, các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương đã có nhận thức khá tốt về lợi ích của TMĐT đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong giai đoạn 5 năm vừa qua, đã có 58/63 tỉnh và thành phố phê duyệt và triển khai kế hoạch phát triển TMĐT của địa phương. Hầu hết các Sở Công Thương trên cả nước cũng đã cử Lãnh đạo Sở phụ trách và bố trí cán bộ chuyên trách về TMĐT để giúp Sở triển khai các hoạt động trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, các sàn giao dịch TMĐT, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ TMĐT cũng tích cực hỗ trợ đào tạo các thành viên và khách hàng những kỹ năng, cách thức triển khai ứng dụng TMĐT trong doanh nghiệp.

Đào tạo chính quy về TMĐT được các cơ sở đào tạo quan tâm đẩy mạnh. Theo kết quả khảo sát năm 2010 của Bộ Công Thương, hiện có 77 cơ sở đào tạo bậc đại học và cao đẳng triển khai hoạt động đào tạo về TMĐT, trong đó 2 trường đã thành lập khoa TMĐT, 14 trường thành lập bộ môn TMĐT. Hoạt động đào tạo TMĐT cũng bắt đầu đi vào chiều sâu. Một số trường đã đầu tư và mời chuyên gia trong và ngoài nước tư vấn xây dựng chương trình đào tạo cũng như chuyển giao tài liệu, phương pháp giảng dạy. Cùng với xu thế tăng cường và phát triển các chương trình liên kết đào tạo quốc tế, một số môn học về TMĐT cũng nằm trong danh mục chương trình đào tạo đại học và sau đại học của các trường đại học quốc tế tại Việt Nam.

2. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Vào năm kết thúc triển khai Quyết định 222, khung pháp lý cho thương mại điện tử Việt Nam đã cơ bản được hoàn thiện theo đúng định hướng hỗ trợ, tạo điều kiện cho thương mại điện tử phát triển. Đến cuối năm 2010, khung pháp lý cơ bản cho giao dịch điện tử nói chung và thương mại điện tử nói riêng được hình thành quanh hai trụ cột chính là Luật Giao dịch điện tử và Luật Công nghệ thông tin, với 7 nghị định hướng dẫn Luật và 16 thông tư quy định chi tiết những khía cạnh cụ thể của giao dịch điện tử trong từng lĩnh vực ứng dụng đặc thù. Ngoài việc chi tiết hóa các quy định pháp luật về hoạt động TMĐT trên mọi phương diện của đời sống xã hội, những văn bản này còn đặt cơ sở cho nhiều chuyển biến lớn về nền tảng ứng dụng TMĐT như vấn đề quản lý Internet, công nhận giá trị pháp lý của chứng từ điện tử, và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử.

a) Quản lý dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet

Năm 2008, Nghị định số 97/2008/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet được ban hành, đánh dấu một bước tiến lớn trong việc tạo lập môi trường thông thoáng hơn cho ứng dụng TMĐT tại Việt Nam. Bước tiến lớn nhất của Nghị định số 97/2008/NĐ-CP là đã thu gọn các quy định về cấp phép trước khi đối với tất cả trang thông tin điện tử về một diện hẹp các báo điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp và trang thông tin điện tử cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến. Việc xóa bỏ rào cản về cấp phép này là một bước tiến tích cực trong việc cải thiện môi trường pháp lý cho ứng dụng Internet nói chung và TMĐT nói riêng tại Việt Nam.

Một bước tiến lớn nữa về các quy định quản lý Internet cũng được thể hiện trong vấn đề quản lý tên miền. Trước khi Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT được đưa vào triển khai, tên miền quốc gia “.vn” không được phép chuyển nhượng dưới bất kỳ hình thức nào. Năm 2009, Luật Viễn thông được ban hành đã mở ra một hướng tiếp cận hoàn toàn mới về vấn đề quản lý đối với nguồn tài nguyên quan trọng này, tiến gần hơn với xu thế chung của thế giới là phân bổ tên miền theo cơ chế thị trường. Các quy định tại Luật Viễn thông 2009 đã cho phép chuyển nhượng tên miền Internet, trừ những tên miền dành cho cơ quan Đảng và Nhà nước, đồng thời mở đường cho việc phân bổ những tài nguyên Internet có giá trị thương mại cao thông qua hình thức đấu giá.

Với sự phát triển nhanh của số lượng website TMĐT trong 5 năm qua, các vụ việc tranh chấp tên miền, đặc biệt là tên miền liên quan đến nhãn hiệu và tên thương mại cũng tăng nhanh cả về số lượng lẫn độ phức tạp. Tháng 12/2008, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư số 10/2008/TT-BTTTT “Quy định về giải quyết tranh chấp tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” làm căn cứ để các tổ chức trọng tài và tòa án tham khảo khi phân xử tranh chấp dân sự hoặc thương mại phát sinh trong quá trình sử dụng tên miền các cấp dưới tên miền quốc gia “.vn”. Việc áp dụng kết quả phân xử của tòa án và trọng tài cho các tranh chấp liên quan đến tên miền thay cho can thiệp trực tiếp của VNNIC là một thay đổi lớn về phương thức quản lý đối với nguồn tài nguyên Internet quan trọng này. Bằng cách giảm can thiệp hành chính và nâng cao vai trò của các thể chế xã hội, Quy định này sẽ giúp thiết lập một cơ chế công bằng, minh bạch trong việc phân bổ tên miền, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trên Internet và góp phần thúc đẩy phát triển TMĐT tại Việt Nam.

b) Giá trị pháp lý của chứng từ điện tử

Năm 2005, lần đầu tiên trong lịch sử, các văn bản ở dạng điện tử - hay “thông điệp dữ liệu” theo ngôn ngữ văn bản luật – được chính thức thừa nhận giá trị pháp lý tại Việt Nam. Sự thừa nhận này thể hiện một cách nhất quán và đồng bộ tại ba văn bản nền tảng của hệ thống luật dân sự và thương mại: Luật Giao dịch điện tử, Bộ luật Dân sự sửa đổi và Luật Thương mại sửa đổi, cùng được ban hành vào năm 2005.

Khi những văn bản được khởi tạo, trao đổi và lưu trữ bằng phương tiện điện tử được pháp luật chính thức thừa nhận, thì các hoạt động mua bán, quảng cáo, xúc tiến thương mại cũng như các giao dịch dân sự khác dựa trên việc trao đổi văn bản điện tử mới có thể phát triển một cách bền vững, trong khuôn khổ được pháp luật bảo vệ. Do vậy, việc thông điệp dữ liệu được thừa nhận giá trị pháp lý như văn bản và thừa nhận giá trị bản gốc khi đáp ứng các điều kiện kỹ thuật cần thiết đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc triển khai rộng rãi ứng dụng TMĐT vào các giao dịch thương mại và dân sự trong xã hội. Bên cạnh những nguyên tắc chung đưa ra trong các văn bản luật, sự thừa nhận này còn được cụ thể hóa đối với từng lĩnh vực đặc thù của hoạt động kinh tế với việc ra đời hàng loạt nghị định và văn bản dưới luật trong giai đoạn 5 năm vừa qua, đặc biệt là các văn bản về chứng từ điện tử.

[...]