Công văn 2411/BTP-PLDSKT năm 2017 về xử lý trách nhiệm cơ quan đại diện chủ sở hữu theo quy định tại Nghị định 87/2015/NĐ-CP do Bộ Tư pháp ban hành
Số hiệu | 2411/BTP-PLDSKT |
Ngày ban hành | 11/07/2017 |
Ngày có hiệu lực | 11/07/2017 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Tư pháp |
Người ký | Phan Chí Hiếu |
Lĩnh vực | Doanh nghiệp,Tài chính nhà nước |
BỘ TƯ PHÁP |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2411/BTP-PLDSKT |
Hà Nội, ngày 11 tháng 7 năm 2017 |
Kính gửi: Văn phòng Chính phủ
Trả lời Công văn số 6234/VPCP-ĐMDN ngày 16 tháng 6 năm 2017 của Văn phòng Chính phủ đề nghị cho ý kiến về việc xử lý trách nhiệm cơ quan đại diện chủ sở hữu theo quy định tại Nghị định số 87/2015/NĐ-CP (theo Công văn số 7646/BTC-TCDN ngày 09 tháng 6 năm 2017 của Bộ Tài chính), căn cứ vào thông tin được cung cấp, Bộ Tư pháp có ý kiến như sau:
Bộ Tư pháp cơ bản nhất trí với nội dung báo cáo của Bộ Tài chính về việc đề xuất xử lý trách nhiệm cơ quan đại diện chủ sở hữu theo quy định tại Nghị định số 87/2015/NĐ-CP ngày 06/10/2015 Chính phủ về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước. Hiện nay, điểm a khoản 3 Điều 67 Nghị định số 87/2015/NĐ-CP đã quy định cơ quan đại diện chủ sở hữu, cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định các hình thức kỷ luật đối với cá nhân, tổ chức liên quan có vi phạm theo quy định của Luật Công chức, Luật Viên chức. Vì vậy, với vai trò giúp Chính phủ thực hiện giám sát tài chính đối với doanh nghiệp, Bộ Tài chính có trách nhiệm báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân có vi phạm theo quy định của pháp luật, trong đó, có thể đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giao cơ quan đại diện chủ sở hữu, cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định các hình thức kỷ luật đối với cá nhân, tổ chức liên quan có vi phạm theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức.
Tuy nhiên, theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức thì việc xem xét, quyết định các hình thức kỷ luật chỉ áp dụng đối với cá nhân, không áp dụng đối với tổ chức gây vướng mắc trong việc xem xét, xử lý vi phạm. Vì vậy, đề nghị Bộ Tài chính sớm rà soát, báo cáo Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định số 87/2015/NĐ-CP theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Công văn số 8518/VPCP-ĐMDN ngày 07/10/2016 của Văn phòng Chính phủ, trong đó, cần xem xét việc quy định cụ thể các hình thức xử lý đối với tổ chức có vi phạm các quy định liên quan đến giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Ngoài ra, Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước đã đề ra chủ trương chậm nhất đến năm 2018 thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và cổ phần, vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp. Vì vậy, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan đưa nội dung này vào Đề án và Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 87/2015/NĐ-CP.
Trên đây là ý kiến của Bộ Tư pháp về việc xử lý trách nhiệm cơ quan đại diện chủ sở hữu theo quy định tại Nghị định số 87/2015/NĐ-CP, xin gửi Văn phòng Chính phủ tổng hợp./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG |