Công văn 2399/BHXH-TCCB năm 2013 thực hiện kiểm tra sát hạch trước khi bổ nhiệm cán bộ quản lý do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành
Số hiệu | 2399/BHXH-TCCB |
Ngày ban hành | 28/06/2013 |
Ngày có hiệu lực | 28/06/2013 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bảo hiểm xã hội Việt Nam |
Người ký | Lê Bạch Hồng |
Lĩnh vực | Bảo hiểm,Lao động - Tiền lương |
BẢO HIỂM XÃ HỘI
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2399/BHXH-TCCB |
Hà Nội, ngày 28 tháng 06 năm 2013 |
Kính gửi: Các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam
Thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/BCS ngày 10/8/2012 của Ban Cán sự đảng Bảo hiểm xã hội Việt Nam về công tác cán bộ và để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn việc kiểm tra, sát hạch trước khi bổ nhiệm cán bộ quản lý cấp phòng các đơn vị thuộc Cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam như sau:
1. Đối tượng kiểm tra sát hạch
a) Viên chức dự kiến bổ nhiệm vào các chức vụ quản lý cấp phòng phải thực hiện kiểm tra sát hạch trước khi xem xét, bổ nhiệm, bao gồm:
- Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng của các tổ chức giúp việc Tổng Giám đốc và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc BHXH Việt Nam;
- Kế toán trưởng các tổ chức giúp việc Tổng Giám đốc và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc BHXH Việt Nam;
- Trưởng Khoa, Phó Trưởng khoa Trường Đào tạo nghiệp vụ bảo hiểm xã hội;
- Phó Giám đốc các Ban Quản lý dự án;
b) Cán bộ quản lý cấp phòng khi bổ nhiệm lại, điều động bổ nhiệm ngang chức hoặc giao phụ trách đơn vị thì không phải kiểm tra sát hạch.
2. Hình thức, nội dung, thời gian kiểm tra, sát hạch
a) Hình thức kiểm tra sát hạch: Thi viết.
b) Nội dung kiểm tra sát hạch: Viên chức dự kiến bổ nhiệm làm bài kiểm tra sát hạch theo nội dung các câu hỏi được công khai trên mạng nội bộ của Ngành (hệ thống các câu hỏi kiểm tra sát hạch kèm theo).
c) Thời gian kiểm tra sát hạch: 45 - 60 phút.
3. Tổ chức kiểm tra sát hạch
a) Đề kiểm tra, sát hạch: Do Tổng Giám đốc trực tiếp lựa chọn trong các câu hỏi kiểm tra sát hạch đã thông báo trên mạng nội bộ của Ngành.
b) Khi thực hiện kiểm tra sát hạch, Ban Tổ chức cán bộ cử Tổ cán bộ coi thi và thực hiện nghiêm túc các quy định của việc kiểm tra sát hạch.
c) Chấm bài kiểm tra, sát hạch: Trưởng Ban Tổ chức cán bộ đề xuất 02 cán bộ tham gia chấm bài kiểm tra sát hạch; trao đổi để thống nhất đáp án, thang điểm chi tiết trước khi chấm bài; tổng hợp kết quả bài kiểm tra sát hạch, bàn giao biên bản và kết quả chấm bài kiểm tra sát hạch cho Ban Tổ chức cán bộ.
4. Xác định điểm kiểm tra sát hạch được yêu cầu
a) Cách tính điểm: Bài kiểm tra sát hạch được chấm theo tổng số điểm tối đa được ghi trong các câu hỏi kiểm tra sát hạch.
b) Viên chức đạt kết quả trong đợt kiểm tra sát hạch khi đạt từ 55% tổng số điểm của câu hỏi kiểm tra sát hạch trở lên.
5. Tổ chức thực hiện
Ban Tổ chức cán bộ là bộ phận thường trực, giúp Tổng Giám đốc thực hiện các nhiệm vụ:
- Trình Tổng Giám đốc ngày tổ chức kiểm tra sát hạch; thông báo cho viên chức dự kiểm tra sát hạch biết ngày, địa điểm kiểm tra sát hạch.
- Tổ chức việc coi thi, đề xuất việc chấm bài kiểm tra sát hạch đối với viên chức dự kiến bổ nhiệm theo đúng quy định;
- Tổng hợp điểm kiểm tra sát hạch của viên chức dự kiến bổ nhiệm trình Tổng Giám đốc xem xét, quyết định công nhận kết quả kiểm tra sát hạch.
- Giải quyết khiếu nại, tố cáo trong việc kiểm tra sát hạch.
- Thực hiện các công việc khác có liên quan.
Trên đây là quy định về việc tổ chức kiểm tra, sát hạch đối với viên chức dự kiến được bổ nhiệm giữ các chức vụ quản lý cấp phòng của các đơn vị thuộc cơ quan BHXH Việt Nam. BHXH Việt Nam yêu cầu các đơn vị triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc phản ánh về BHXH Việt Nam (qua Ban Tổ chức cán bộ) để xem xét, giải quyết./.