Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Công văn 2372/BGDĐT-GDTrH năm 2013 sử dụng sách, tài liệu tham khảo trong trường phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 2372/BGDĐT-GDTrH
Ngày ban hành 11/04/2013
Ngày có hiệu lực 11/04/2013
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Nguyễn Vinh Hiển
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2372/BGDĐT-GDTrH
V/v: Sử dụng sách, tài liệu tham khảo trong trường phổ thông

Hà Nội, ngày 11 tháng 4 năm 2013

 

Kính gửi: Các Sở Giáo dục và Đào tạo

Ngày 25 tháng 7 năm 2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã ban hành công văn số 6631/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn sử dụng sách giáo khoa (SGK) phổ thông và tài liệu giảng dạy, học tập. Nhằm tiếp tục tăng cường công tác quản lý sử dụng sách, tài liệu tham khảo (STK) phục vụ giảng dạy, học tập trong trường phổ thông theo quy định của Luật Giáo dục, Bộ GDĐT hướng dẫn như sau:

1. Về sử dụng sách giáo khoa, sách giáo viên, sách bài tập, tài liệu giáo dục địa phương và sách tham khảo khác

1.1. Sách giáo khoa

a) Sách giáo khoa do Bộ trưởng Bộ GDĐT ban hành. Từ lớp 1 đến lớp 12 có một bộ SGK thống nhất trên cả nước; hầu hết các môn học ở mỗi lớp đều có SGK. Trên SGK có ghi tên Bộ GDĐT, tên của tổng chủ biên (chủ biên) và các tác giả.

Riêng cấp trung học phổ thông (THPT) đối với 8 môn học phân hóa (Toán, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Ngoại ngữ) có loại SGK biên soạn theo chương trình chuẩn và loại SGK biên soạn theo chương trình nâng cao (SGK nâng cao có ghi là loại nâng cao kèm theo tên sách). Cùng với SGK còn có tài liệu chủ đề tự chọn nâng cao do Bộ GDĐT ban hành để dùng cho giáo viên và học sinh. Đối với môn học nâng cao của ban cơ bản, có thể dạy học theo SGK nâng cao hoặc SGK chương trình chuẩn kết hợp với sử dụng tài liệu chủ đề tự chọn nâng cao.

b) Sách giáo khoa là tài liệu chính để giáo viên sử dụng trong quá trình dạy học, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh và là tài liệu chính để học sinh học tập.

Khi sử dụng SGK để chuẩn bị bài dạy, giáo viên cần dựa theo chuẩn kiến thức, kỹ năng quy định trong chương trình môn học, xác định trọng tâm của bài học để thiết kế bài dạy phù hợp với khả năng tiếp thu của học sinh.

Khi tiến hành kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh, giáo viên cần dựa theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình môn học để biên soạn câu hỏi, xây dựng đề kiểm tra theo định hướng yêu cầu học sinh nắm vững kiến thức, kỹ năng; hiểu và vận dụng kiến thức, kỹ năng để giải quyết vấn đề; hạn chế đến mức thấp nhất yêu cầu học sinh phải học thuộc máy móc theo SGK.

c) Giáo viên, học sinh khi sử dụng SGK nếu gặp tình huống có các cách hiểu khác nhau về một nội dung nào đó giữa SGK và chương trình giáo dục phổ thông thì lấy chương trình giáo dục phổ thông làm căn cứ để dạy học.

1.2. Sách giáo viên

a) Sách giáo viên (SGV) do Bộ trưởng Bộ GDĐT ban hành. Mỗi môn học ở mỗi lớp có một loại SGV (riêng 8 môn học phân hóa ở cấp THPT có 2 loại SGV). Trên SGV có ghi tên Bộ GDĐT, tên tổng chủ biên (chủ biên) và các tác giả.

Đối với một số môn học ở cấp tiểu học và môn Thể dục, Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, Hoạt động giáo dục hướng nghiệp ở cấp trung học cơ sở (THCS) và cấp THPT, Bộ GDĐT không ban hành SGK mà chỉ ban hành SGV.

b) Sách giáo viên là một trong các tài liệu dùng để hỗ trợ giáo viên nghiên cứu thiết kế bài dạy; hướng dẫn vận dụng hình thức, phương pháp dạy học tích cực và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh.

c) Khi sử dụng SGV nếu gặp tình huống có các cách hiểu khác nhau về một nội dung nào đó giữa SGK và SGV thì lấy SGK làm căn cứ để dạy học.

1.3. Sách bài tập

a) Sách bài tập (SBT) do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức biên soạn dựa theo SGK, được Bộ GDĐT thẩm định, cho phép xuất bản, in và phát hành. Trên SBT có ghi tên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và tên các tác giả.

b) Giáo viên có thể tham khảo SBT sau khi đã xem xét sự phù hợp của nội dung bài tập với nội dung bài dạy; học sinh có thể tham khảo SBT để củng cố, mở rộng kiến thức, kỹ năng đã được học trên lớp.

c) Giáo viên, học sinh khi sử dụng SBT nếu gặp tình huống có cách hiểu khác nhau về một nội dung nào đó giữa SBT và SGK thì lấy SGK làm căn cứ để giảng dạy, học tập.

1.4. Tài liệu giáo dục địa phương

Thực hiện theo hướng dẫn tại công văn số 5977/BGDĐT-GDTrH ngày 07 tháng 7 năm 2008 và công văn số 5982/BGDĐT-GDTH ngày 07 tháng 7 năm 2008 của Bộ GDĐT về thực hiện nội dung giáo dục địa phương ở các cấp học phổ thông từ năm học 2008-2009.

1.5. Sách tham khảo khác

a) Các nguồn tài liệu (cả kênh chữ, kênh hình, kênh tiếng) có nội dung liên quan đến một số môn học, hoạt động giáo dục trong các cơ sở giáo dục phổ thông do giáo viên và học sinh tự lựa chọn để tham khảo trong giảng dạy, học tập được gọi chung là sách tham khảo khác; STK do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam hoặc các nhà xuất bản khác phát hành.

b) Giáo viên có thể sử dụng STK để hỗ trợ thiết kế bài dạy, thực hiện đánh giá kết quả học tập của học sinh; đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá; tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; nghiên cứu khoa học;…Học sinh có thể sử dụng STK để củng cố, mở rộng và nâng cao kiến thức, kỹ năng trong chuẩn chương trình giáo dục phổ thông; hỗ trợ việc tự học, tự đánh giá bản thân; nghiên cứu khoa học;…

c) Giáo viên, học sinh khi sử dụng STK nếu gặp tình huống có cách hiểu khác nhau về một nội dung nào đó giữa STK và SGK thì phải lấy SGK làm căn cứ để giảng dạy, học tập.

2. Trách nhiệm của cơ quan quản lý giáo dục các cấp

2.1. Đối với sở GDĐT, phòng GDĐT

a) Chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra đối với cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn về thực hiện các nội dung nêu tại văn bản này.

[...]