Công văn 2285/BNN-TCTS đề nghị sửa đổi danh mục loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại tại Thông tư 22/2011/TT-BTNMT Quy định tiêu chí xác định loài ngoại lai xâm hại và danh mục loài ngoại lai xâm hại do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
Số hiệu | 2285/BNN-TCTS |
Ngày ban hành | 09/08/2011 |
Ngày có hiệu lực | 09/08/2011 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Người ký | Nguyễn Thị Xuân Thu |
Lĩnh vực | Tài nguyên - Môi trường |
BỘ
NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2285/BNN-TCTS |
Hà Nội, ngày 09 tháng 08 năm 2011 |
Kính gửi: Bộ Tài nguyên và Môi trường
Thông tư số 22/2011/TT-BTNMT ngày 01/07/2011 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định tiêu chí xác định loài ngoại lai xâm hại và ban hành Danh mục loài ngoại lai xâm hại có hiệu lực từ ngày 15/8/2011. Thông tư này ra đời sẽ góp phần bảo vệ đa dạng sinh học, duy trì và bảo vệ các loài bản địa và lưu giữ nguồn gen.
Tại phần II Phụ lục Thông tư này, tôm thẻ chân trắng (Litopenaues vanamei) và hầu Thái Bình Dương (Crassostrea gigas) được xếp vào danh mục các loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại đã xuất hiện trên lãnh thổ Việt Nam. Về việc này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến như sau:
Hầu Thái Bình Dương và tôm thẻ chân trắng hiện nay đang là đối tượng nuôi của ngành thủy sản Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm chân trắng đạt 31.014 tấn và 248,4 triệu USD, tăng 37,7% về khối lượng và 72,5% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Từ năm 2007, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I phối hợp với Công ty Đầu tư và phát triển sản xuất Hạ Long - Quảng Ninh đã nhập giống hầu thái bình dương từ Đài Loan. Đối tượng này được xác định là đối tượng nuôi chủ lực đang được nuôi phổ biến tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế.
Tại các cửa khẩu nhập khẩu giống thủy sản đều có các cơ quan quản lý, cơ quan kiểm dịch để kiểm soát dịch bệnh, ngăn ngừa việc lây lan và phát tán ra ngoài. Trước khi nhập, chủ hàng hoặc chủ phương tiện vận chuyển phải có giấy chứng nhận kiểm dịch và phiếu xét nghiệm PCR đối với một số bệnh nguy hiểm như: đốm trắng, đầu vàng, Taura …. Nếu có giấy chứng nhận kiểm dịch hợp lệ, phương tiện vận chuyển, các vật dụng khác có liên quan bảo đảm vệ sinh thú y thì kiểm dịch viên xác nhận hồ sơ cho phép nhập; những trường hợp không có giấy chứng nhận kiểm dịch hoặc giấy chứng nhận kiểm dịch không hợp lệ (sai số lượng, không có phiếu xét nghiệm PCR, nghi ngờ tôm bị bệnh …) thì lô hàng sẽ được tiến hành kiểm dịch dựa vào Quyết định 456/2008 của Bộ NN&PTNT về việc ban hành một số quy định về điều kiện sản xuất giống, nuôi tôm chân trắng.
Việc để 2 đối tượng trên (tôm thẻ chân trắng và hầu Thái Bình Dương) vào danh mục các loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại có thể tác động không nhỏ đến việc phát triển sản xuất và xuất khẩu thủy sản Việt Nam.
Bên cạnh đó, khi Thông tư còn trong giai đoạn dự thảo xin ý kiến các Bộ, ngành, ngày 14/4/2011, Bộ NN&PTNT đã có văn bản số 972/BNN-TCTS V/v góp y dự thảo Thông tư ban hành danh mục các loài ngoại lai xâm hại gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong đó đã có đề xuất đưa tôm thẻ chân trắng ra khỏi danh mục các loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại và tại thời điểm đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa đưa Hầu Thái Bình Dương vào trong danh mục loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, điều chỉnh lại nội dung Thông tư 22/2011/TT-BTNMT, trước mắt đưa 02 đối tượng trên ra khỏi danh mục loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại đã xuất hiện trên lãnh thổ Việt Nam.
Trân trọng cảm ơn sự phối hợp của Quý Bộ.
Nơi nhận: |
KT.
BỘ TRƯỞNG |