Công văn 2176/TCHQ-GSQL năm 2020 vướng mắc trong việc thực hiện các quy định, thủ tục hành chính do Tổng cục Hải quan ban hành
Số hiệu | 2176/TCHQ-GSQL |
Ngày ban hành | 03/04/2020 |
Ngày có hiệu lực | 03/04/2020 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Tổng cục Hải quan |
Người ký | Mai Xuân Thành |
Lĩnh vực | Xuất nhập khẩu |
BỘ TÀI CHÍNH |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2176/TCHQ-GSQL |
Hà Nội, ngày 03 tháng 4 năm 2020 |
Kính gửi: Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam
Trả lời công văn số 52/HHD ngày 05/12/2019 của Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam phản ánh một số vướng mắc và đề xuất một số kiến nghị trong việc thực hiện các quy định, thủ tục hành chính, liên quan đến các nội dung nêu tại điểm B công văn, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:
1. Về kiến nghị bỏ nhóm kháng sinh ra khỏi phụ lục VII Thông tư số 20/2017/TT-BYT ngày 20/5/2017 và Thông tư số 06/2018/TT-BYT ngày 06/04/2018 của Bộ Y tế tại điểm a mục 2:
Việc quản lý sản phẩm là thuốc, nguyên liệu làm thuốc thuộc thẩm quyền quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế, đề nghị Hiệp hội kiến nghị Bộ Y tế bổ sung hoặc đưa ra khỏi danh mục hàng hóa thuộc quản lý chuyên ngành. Tổng cục Hải quan sẽ phối hợp áp mã số HS khi có yêu cầu.
2. Về kiến nghị sửa đổi quy định về thuế suất trong xuất nhập khẩu nguyên liệu và bao bì dùng trong dược phẩm tại điểm a mục 3:
- Đối với nguyên liệu dùng trong dược phẩm: do nội dung kiến nghị của Hiệp hội không nêu cụ thể là nguyên liệu dùng trong dược phẩm là loại nào, do vậy, Tổng cục Hải quan không có cơ sở trả lời vướng mắc của Hiệp hội.
- Đối với bao bì dùng trong dược phẩm:
Để đảm bảo ưu đãi thuế được áp dụng cho đúng mặt hàng, tránh phát sinh gian lận thuế đối với mặt hàng bao bì dùng trong dược phẩm khi điều chỉnh giảm thuế suất xuống 0% phải có tiêu chí kỹ thuật cụ thể đối với mặt hàng này. Tuy nhiên tại công văn, Hiệp hội không đưa ra được các tiêu chí cụ thể và nêu ý kiến của Bộ Y tế (tại công văn số 6080/BYT-KHTC ngày 15/10/2019) là bao bì, tá dược có nhiều chủng loại, việc xây dựng tiêu chí kỹ thuật cho từng loại tá dược, bao bì rất phức tạp, việc mô tả hàng hóa sẽ không thể bao gồm hết các loại tá dược, bao bì. Do vậy, kiến nghị của Hiệp hội đề nghị sửa đổi mức thuế suất 0% dành cho bao bì đạt các tiêu chuẩn dùng cho sản xuất dược phẩm mà Việt Nam chưa sản xuất được là không có cơ sở. Trường hợp đề xuất bằng biện pháp quản lý phi thuế (như căn cứ vào giấy phép nhập khẩu của Bộ Y tế) thì cần cân nhắc kỹ để không bị đi ngược lại chủ trương giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí của doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
3. Về kiến nghị sửa đổi thuế suất trong nhập khẩu nguyên liệu, nguyên liệu phối hợp, thành phẩm phối hợp làm thuốc, thuốc thành phẩm tại điểm b mục 3:
- Về thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN): Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan được quy định theo nguyên tắc ban hành biểu thuế, thuế suất tại Điều 10 Luật số 107/2016/QH13 “Khuyến khích nhập khẩu nguyên liệu, vật liệu, ưu tiên loại trong nước chưa đáp ứng nhu cầu... phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước và các cam kết về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu trong các điều ước quốc tế...”. Theo đó, thuế nhập khẩu các mặt hàng nguyên liệu, nguyên liệu phối hợp, thành phẩm phối hợp làm thuốc, thuốc thành phẩm đã được quy định theo nguyên tắc nêu trên.
Theo Thông tư số 01/2018/BKHĐT ngày 30/03/2018 của Bộ Kế hoạch đầu tư thì hoạt chất sản xuất thuốc kháng sinh (Amoxilin, Ampicilin) thuộc phân nhóm 2941.10 là nguyên liệu trong nước đã sản xuất được. Theo đó, các mặt hàng Amoxicillin và muối của nó (mã HS 2941.10.11, 2941.10.19) quy định mức thuế nhập khẩu MFN là 10% bằng cam kết WTO; Ampicillin và muối của nó (HS 2941.10.20) quy định mức thuế suất MFN là 5% bằng cam kết WTO; các loại thuốc chứa Amoxcillin và Ampicillin thuộc mã hàng 3004.10.16 được quy định mức thuế suất 8% bằng cam kết WTO do đây là các mặt hàng trong nước đã sản xuất được.
Các mã hàng 2941.10.90 - loại khác, 2941090.00 - Loại khác, 3004.10.19 - Loại khác được quy định mức thuế suất 0% bằng cam kết WTO.
Như vậy, việc quy định về mức thuế như hiện nay đã đảm bảo đúng với cam kết WTO, đồng thời đây là những mặt hàng trong nước đã sản xuất được, do vậy kiến nghị việc xem xét điều chỉnh HS quy định mức thuế các nguyên liệu, nguyên liệu phối hợp, thành phẩm, thành phẩm phối hợp của các dược chất và thuốc về mức thuế hợp lý của Hiệp hội Dược là chưa phù hợp.
4. Về kiến nghị xem xét áp giá hàng hóa tại điểm a mục 4:
Căn cứ quy định tại Điều 3 Thông tư 39/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 1 Thông tư số 60/2019/TT-BTC ngày 30/8/2019 của Bộ Tài chính; căn cứ quy định tại Điều 25 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 14 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính thì cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra trị giá hải quan trên cơ sở quy định về phương pháp xác định trị giá hải quan. Trường hợp có nghi vấn về trị giá khai báo thì thực hiện tham vấn theo quy định. Nếu cơ quan hải quan có đủ cơ sở bác bỏ trị giá khai báo sau tham vấn (các trường hợp đủ cơ sở bác bỏ trị giá quy định tại tiết 3 khoản 14 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC dẫn trên) thì cơ quan hải quan ban hành Thông báo trị giá hải quan và đề nghị người khai hải quan khai bổ sung trong thời hạn tối đa 5 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc tham vấn. Quá thời hạn mà người khai hải quan không khai bổ sung theo Thông báo trị giá hải quan thì cơ quan hải quan thực hiện ấn định thuế theo quy định của Luật quản lý thuế và xử lý vi phạm theo quy định (nếu có).
Cơ quan hải quan thực hiện xác định trị giá hải quan theo trình tự, nguyên tắc quy định tại Điều 5 Thông tư số 39/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại khoản 4 Điều 1 Thông tư số 60/2019/TT-BTC nêu trên. Trường hợp người khai hải quan không đồng ý với mức giá xác định của cơ quan hải quan thì có quyền yêu cầu cơ quan hải quan giải thích, khiếu nại, hoặc khởi kiện về việc ấn định thuế theo quy định của pháp luật về khiếu nại, khởi kiện.
5. Về vướng mắc liên quan đến nội dung cấp xác nhận Giấy phép nhập khẩu trên Cổng thông tin một cửa quốc gia để phục vụ cho việc theo dõi trừ lùi của cơ quan hải quan tại điểm b mục 4:
Tại khoản 17 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 sửa đổi bổ sung Điều khoản 2 Điều 28 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính quy định đối với trường hợp giấy phép sử dụng cho nhiều lần xuất khẩu, nhập khẩu mà hệ thống dữ liệu điện tử hải quan chưa hỗ trợ theo dõi trừ lùi thì Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan căn cứ văn bản xác nhận lượng hàng hóa đã được cấp phép (đối với giấy phép được cấp trên Cổng thông tin một cửa quốc gia) của Tổng cục Hải quan hoặc giấy phép bản chính dưới dạng giấy để lập Phiếu theo dõi trừ lùi theo mẫu số 05/TDTL/GSQL Phụ lục V ban hành kèm Thông tư này và thực hiện việc trừ lùi đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Hiện tại, việc theo dõi trừ lùi giấy phép của cơ quan hải quan đã được thực hiện tự động trên Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan, Tổng cục Hải quan đã hướng dẫn thực hiện nội dung này tại công văn số 8175/TCHQ-GSQL ngày 31/12/2019. Theo đó, doanh nghiệp không phải thực hiện việc cấp xác nhận giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu qua Tổng cục Hải quan mà thực hiện việc trừ lùi ngay tại Chi cục hải quan nơi đăng ký tờ khai đối với các giấy phép được Bộ Y tế cấp trên Cổng thông tin một cửa quốc gia từ ngày 01/01/2020.
Trên đây là một số ý kiến của Tổng cục Hải quan về vướng mắc, kiến nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam, Tổng cục Hải quan kính gửi để Hiệp hội được biết./.
|
KT. TỔNG CỤC
TRƯỞNG |