Công văn số 1992/BNN-LN về việc hướng dẫn các phương thức kỹ thuật trồng rừng phòng hộ dự án 661 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 1992/BNN-LN
Ngày ban hành 11/07/2008
Ngày có hiệu lực 11/07/2008
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Hứa Đức Nhị
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------

Số: 1992/BNN-LN
V/v Hướng dẫn các phương thức kỹ thuật trồng rừng phòng hộ dự án 661

Hà Nội, ngày 11 tháng 7 năm 2008

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

Trong những năm qua, việc trồng rừng phòng hộ của dự án trồng mới 5 triệu ha rừng ở tất cả các địa phương đã áp dụng duy nhất một phương thức kỹ thuật trồng rừng hỗn giao ngay từ đầu giữa cây phù trợ và cây bản địa, trong khi điều kiện lập địa ở mỗi vùng miền rất khác nhau, thậm chí ngay trong một khu vực nhỏ cũng có những biến đổi rất lớn. Điều này đã dẫn đến kết quả trồng rừng không đạt được như mong đợi, ở phần lớn diện tích đã trồng các cây phù trợ sinh trưởng tốt còn cây bản địa bị lấn át hoặc không có khả năng phát triển thành rừng. Từ những kinh nghiệm của thực tế sản xuất và tổng kết của một số đề tài khoa học thuộc dự án 661, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số phương thức kỹ thuật cho trồng rừng phòng hộ, đặc dụng trong dự án 661 để các địa phương, đơn vị căn cứ vào điều kiện cụ thể về khí hậu, đất đai, địa hình, loài cây trồng… áp dụng cho phù hợp nhằm đạt được hiệu quả về kinh tế và kỹ thuật.

1- Đối với trồng mới rừng phòng hộ

Căn cứ vào điều kiện cụ thể về tự nhiên và kinh tế-xã hội của từng địa bàn trồng rừng có thể áp dụng một trong các phương thức kỹ thuật trồng rừng sau đây:

1.1. Trồng rừng với mật độ ban đầu bằng mật độ khi thành rừng (khoảng 400 – 600 cây/ha): phương thức kỹ thuật này được áp dụng ở những nơi đã xác định chắc chắn được loài cây trồng phù hợp với điều kiện lập địa nơi trồng, địa phương hoặc đơn vị có kinh nghiệm về kỹ thuật đảm bảo trồng rừng thành công, cây giống được tạo có chất lượng cao, chăm sóc rừng đúng kỹ thuật. Khuyến khích trồng nông lâm kết hợp trong những năm đầu để tăng độ che phủ đất, cải tạo đất và tạo thêm thu nhập cho người trồng rừng.

1.2. Trồng rừng ban đầu thuần loài bằng loài cây mọc nhanh, có tác dụng cải tạo đất sau một chu kỳ sẽ trồng thay thế bằng loài cây chính có tác dụng phòng hộ lâu dài: phương thức kỹ thuật này được áp dụng chủ yếu ở những nơi đất đai đã bị thoái hóa, nghèo xấu nên cần được cải tạo bằng những loài cây mọc nhanh có tác dụng cải tạo đất (chủ yếu là các loài Keo) với mật độ trồng từ 1000 - 1600 cây/ha, sau một chu kỳ (từ 7-8 năm) có thể chặt theo băng rộng (50-60 m) để trồng các loài cây chính cho phòng hộ lâu dài với mật độ từ 300 – 500 cây/ha (có thể là cây bản địa hoặc cây nhập nội nhưng phải đảm bảo chắc chắn thành rừng). Kinh phí trồng cây chính được lấy từ bán sản phẩm khai thác rừng trồng cây mọc nhanh sau khi trừ chi phí hợp lý theo quy định hiện hành.

1.3. Trồng rừng thuần loài: phương thức kỹ thuật trồng rừng này có thể được áp dụng trong 2 trường hợp sau:

- Trong những vùng phòng hộ có điều kiện lập địa đặc thù như vùng đất ngập mặn, đất ngập phèn, đất cát ven biển, vùng đất ngập nước ven sông và một số dạng lập địa đặc thù khác (như núi đá vôi) với loài cây trồng chỉ phù hợp với điều kiện lập địa này. Mật độ trồng rừng theo quy trình do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp tỉnh ban hành phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương nơi trồng rừng.

- Trong những vùng phòng hộ có điều kiện lập địa bình thường đã trồng rừng thành công với những loài cây có nhiều kinh nghiệm lâu năm (như các loài Thông, các loài Keo...), nhưng với điều kiện tạo cây con cho trồng rừng phải là cây thực sinh, các giống của các loài cây trồng rừng đã được chọn lọc và lấy từ các nguồn giống được công nhận có phẩm chất tốt (như các giống Keo không bị rỗng ruột khi tuổi cao) để đảm bảo rừng phát triển lâu dài có khả năng phòng hộ và kỹ thuật nuôi dưỡng rừng (chủ yếu là chặt tỉa thưa đúng thời gian, đúng cường độ...) phải được thực hiện nghiêm ngặt để đảm bảo thành rừng gỗ lớn có tác dụng phòng hộ lâu dài.

2- Đối với nuôi dưỡng rừng trồng phòng hộ, đặc dụng

Sau khi kết thúc thời kỳ chăm sóc rừng trồng theo quy trình kỹ thuật được áp dụng, nhất thiết phải tiến hành tỉa thưa rừng trồng theo quy trình nuôi dưỡng rừng trồng của từng loài cây do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp tỉnh ban hành (có thể tham khảo các quy trình kỹ thuật do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành để cụ thể hóa quy trình kỹ thuật của địa phương cho sát với điều kiện thực tế).

Đối với những khu rừng trồng hỗn loài theo dự án trồng mới 5 triệu ha rừng từ những năm trước đây cần thiết phải tiến hành đánh giá tình hình sinh trưởng của các loài cây bản địa và thiết kế tỉa thưa ngay ở những nơi cây bản địa có khả năng sinh trưởng nhưng do bị các cây phù trợ đang chèn ép. Đối với những khu rừng trồng thuần loài (như rừng Thông) hoặc rừng hỗn loài nhưng cây trồng chính không còn khả năng sinh trưởng hoặc đã chết cũng tiến hành tỉa thưa để đảm bảo rừng đạt chất lượng và người nhận khoán trồng rừng được hưởng lợi theo quy định. Cường độ tỉa thưa thực hiện theo quy trình đã ban hành.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh chỉ đạo các Sở, Ban ngành liên quan triển khai thực hiện hướng dẫn này căn cứ vào những điều kiện cụ thể về tự nhiên, loài cây trồng phù hợp và điều kiện kinh tế-xã hội của địa phương và ban hành những quy định cụ thể áp dụng phương thức kỹ thuật trồng rừng phù hợp với địa phương theo hướng dẫn này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Các Bộ, ngành tham gia DA661;
- Kho bạc Nhà nước TƯ;       
- Các Sở NN và PTNT tỉnh;
- Các Chi cục LN, KL tỉnh;
- Các đơn vị trực thuộc Bộ;
- Lưu VP, Cục LN (5b).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Hứa Đức Nhị