Công văn 1851TCT/NV1 về giải đáp chính sách thuế do Tổng cục Thuế ban hành

Số hiệu 1851TCT/NV1
Ngày ban hành 24/05/2001
Ngày có hiệu lực 24/05/2001
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tổng cục Thuế
Người ký Phạm Văn Huyến
Lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1851 TCT/NV1
V/v giải đáp chính sách thuế

Hà Nội, ngày 24 tháng 5 năm 2001

 

Kính gửi: Cục thuế tỉnh Long An

Trả lời công văn số 178/CT.NV ngày 1/3/2001 của Cục thuế tỉnh Long An về một số chính sách thuế; Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

1- Theo quy định tại điểm 7a Phần Đ Thông tư số 122/2000/TT-BTC ngày 29/12/2000 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 79/2000/NĐ-CP ngày 29/12/2000 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế GTGT thì hộ kinh doanh vừa và nhỏ nộp thuế theo mức ổn định trong từng thời gian, nếu trong thời gian đó có thay đổi về ngành nghề, kinh doanh dẫn đến thay đổi số thuế phải nộp so với mức đã ấn định trước đây cơ quan thuế phải điều chỉnh mức thuế đã ấn định; nếu trong thời gian ấn định thuế thực tế có tháng kinh doanh doanh thu tăng hoặc giảm so với mức doanh thu ấn định để tính thuế thì không điều chỉnh từng tháng.

Theo quy định tại điềm 1 Mục III Phần C Thông tư số 122/2000/TT-BTC ngày 29/12/2000 của Bộ Tài chính nêu trên thì: “Đối với cá nhân (hộ) kinh doanh nộp thuế tính theo mức ấn định trên doanh thu, cơ quan thuế căn cứ vào mức thuế đã được xác định để ra thông báo nộp thuế, thời gian thông báo nộp thuế của tháng đối với các hộ kinh doanh do cơ quan thuế xác định phù hợp với từng ngành nghề và địa bàn nhưng chậm nhất không quá ngày 25 của tháng tiếp sau. Thời hạn nộp thuế là ngày ấn định ghi trên thông báo thuế”. Như vậy ngày ấn định nộp thuế do cơ quan thuế ấn định phù hợp với ngành nghề, địa bàn và không quá ngày 25 của tháng tiếp sau (không nhất thiết phải là ngày 25); nhưng ngày tính phạt chậm nộp thống nhất tính từ ngày 26 của tháng tiếp sau.

2- Tổng cục Thuế đã có công văn số 654/TCT/NV7 ngày 2/3/2001 về việc khấu trừ thuế GTGT đối với mặt hàng gạo, đề nghị Cục thuế nghiên cứu áp dụng.

3- Về cách ghi hóa đơn điều chỉnh tăng giảm giá, hàng trả lại... thực hiện theo quy định tại điểm 5.8 Mục III Phần B Thông tư số 122/2000/TT-BTC ngày 29/12/2000 quy định đối với hàng hóa đã bán và lập hóa đơn, nhưng do không đúng quy cách, chất lượng..., hàng hóa bị trả lại toàn bộ hay một phần thì cơ sở phải lập hóa đơn để điều chỉnh. Hóa đơn điều chỉnh này làm căn cứ điều chỉnh hạch toán doanh số và thuế GTGT. Đề nghị Cục thuế Long An nghiên cứu áp dụng.

4- Theo quy định tại điểm 6 Mục IV Phần B Thông tư số 122/2000/TT-BTC ngày 29/12/2000 của Bộ Tài chính quy định đối với đơn vị, cá nhân hành chính, sự nghiệp có sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT phát sinh không thường xuyên có nhu cầu sử dụng hóa đơn thì được cơ quan thuế cung cấp hóa đơn lẻ để sử dụng cho từng trường hợp. Cơ quan thuế bán hóa đơn lẻ cho người mua, hóa đơn được lập tại cơ quan thuế. Liên 1, liên 1 giao cho người mua, liên 3 lưu tại quyển hóa đơn (không xé rời) của cơ quan thuế. Hóa đơn lập phải ghi đầy đủ nội dung các chỉ tiêu theo quy định về lập hóa đơn.

Về giá của hóa đơn lẻ: Thực hiện trên nguyên tắc lấy tổng giá của quyển hóa đơn chia cho số hóa đơn trong quyển (có thể làm tròn số khi chia).

Về quản lý thu thuế đối với doanh thu của các hóa đơn lẻ: Thực hiện theo phương pháp tính thuế trực tiếp trên GTGT quy định tại điểm 2.3 Mục IV Phần B Thông tư số 122/2000/TT-BTC ngày 29/12/2000 của Bộ Tài chính và thu thuế TNDN theo mức ấn định đối với từng hoạt động, ngành nghề.

5- Việc giảm thuế GTGT: Tại điểm 1 Mục II Phần H Thông tư số 122/2000/TT-BTC ngày 29/12/2000 của Bộ Tài chính quy định: “Những cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc đối tượng nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ trong những năm đầu áp dụng thuế GTGT mà bị lỗ do thuế GTGT phải nộp lớn hơn số thuế tính theo mức thuế doanh thu trước đây thì được xét giảm thuế GTGT phải nộp. Cơ sở được xét giảm thuế GTGT trong trường hợp này là cơ sở kinh doanh hạch toán và xác định được kết quả kinh doanh, là đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Mức thuế doanh thu để so sánh là mức % tính trên doanh thu. Trường hợp doanh nghiệp thuộc đối tượng được miễn thuế doanh thu thì số thuế doanh thu để so sánh bằng không”.

Theo quy định trên đây thì cơ sở vận tải, ăn uống, du lịch, dịch vụ nộp thuế theo quy định khấu trừ mà bị lỗ do thuế GTGT phải nộp lớn hơn số thuế tính theo mức thuế doanh thu trước đây thì thuộc đối tượng xét giảm thuế GTGT.

Về mức thuế GTGT được xét giảm và thời gian xét giảm quy định tại điểm 2, điểm 3 Mục II Phần H Thông tư số 122/2000/TT-BTC nêu trên.

6- Về mẫu quyết toán thuế: Tổng cục Thuế sẽ nghiên cứu bổ sung mẫu quyết toán thuế để áp dụng đối với hộ nộp thuế theo phương pháp trực tiếp.

7- Căn cứ quy định tại điểm 2, điểm 3.17 Mục II Phần B Thông tư số 122/2000/TT-BTC ngày 29/12/2000 của Bộ Tài chính hướng dẫn thì các loại cồn công nghiệp và cồn do các nhà máy đường sản xuất bán ra áp dụng thuế suất thuế GTGT là 10%.

Tổng cục Thuế trả lời để Cục thuế tỉnh Long An biết, thực hiện./.

 

 

KT/ TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC THUẾ
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Phạm Văn Huyến