Công văn số 1783/TM-XNK ngày 15/10/2002 của Bộ Thương mại về việc sửa đổi, bổ sung khung thuế suất thuế nhập khẩu một số nhóm mặt hàng

Số hiệu 1783/TM-XNK
Ngày ban hành 15/10/2002
Ngày có hiệu lực 15/10/2002
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Thương mại
Người ký Mai Văn Dâu
Lĩnh vực Thương mại

BỘ THƯƠNG MẠI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1783/TM-XNK
V/v sửa đổi, bổ sung khung thuế suất thuế nhập khẩu một số nhóm mặt hàng

Hà Nội, ngày 15 tháng 10 năm 2002

 

Kính gửi: Bộ Tài chính

Trả lời công văn số 10303 TC/TCT ngày 23/9/2002 của Bộ Tài chính về việc tham gia ý kiến sửa đổi, bổ sung khung thuế suất thuế nhập khẩu một số nhóm mặt hàng, Bộ Thương mại có ý kiến như sau:

1. Đối với những nhóm hàng cần sửa đổi khung do bỏ thu chênh lệch giá, đề nghị áp dụng nguyên tắc mức thuế tối đa dự kiến bằng mức thuế tối đa hiện hành cộng với mức thu chênh lệch giá đang áp dụng, không nên cao hơn (ví dụ như giấy, kính, gạch ốp lát thuộc danh mục II).

2. Những mặt hàng đã được chuyển sang điều tiết bằng thuế và thu chênh lệch giá từ năm 2000 thì không nên sửa khung để chính thức hóa việc thu chênh lệch giá bởi những mặt hàng này đã được bảo hộ ở mức rất cao trong 3 năm qua chưa kể những năm trước đó. Nên xem xét giảm dần mức bảo hộ này để phù hợp với chủ trương nâng cao sức cạnh tranh, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.

3. Những mặt hàng chủ yếu nhập khẩu từ ASEAN (như giấy, xi măng, clinker) cũng nên xem xét lại việc mở khung bởi kể từ ngày 1/1/2003 gần như toàn bộ hàng hóa của ta đã tham gia CEPT. Việc mở khung sẽ chỉ có ý nghĩa rất hạn chế.

4. Đối với các mặt hàng liên quan tới dầu mỏ (2709, 2713, 2714, 2715) chưa nên nâng mức thuế tối đa vì khả năng đáp ứng nhu cầu trong nước của các dự án là chưa rõ ràng (các dự án này đều chưa triển khai hoặc chưa đi vào sản xuất).

5. Những mặt hàng từ trước đến nay đã quen với cạnh tranh (như 8414, 8202, 8301), thậm chí đã có xuất khẩu (8544, 2922, 7408) và những mặt hàng phụ thuộc nặng nề vào nguyên liệu ngoại (9612, 8425, 4908), giá trị gia tăng thấp thì cũng nên xem xét kỹ việc mở khung bởi làm như vậy có thể tạo thêm sức ỳ ở các doanh nghiệp.

Nhìn chung, Bộ Thương mại ủng hộ việc mở trần thuế suất để hỗ trợ cho một số mặt hàng hiện đang còn quản lý bằng các biện pháp phi thuế. Việc mở trần cũng là cần thiết cho việc áp dụng hạn ngạch thuế quan. Với những mặt hàng khác,do đã được bảo hộ quá sâu và quá lâu, cần có sự xem xét phù hợp hơn. Đặc biệt, không nên đưa ra mục tiêu "mở trần để tăng thu cho Ngân sách" hoặc "mở trần để bắt đầu bảo hộ". Ngoài ra, đề án sửa đổi Biểu khung cũng cần tính toán thêm về tính khả thi trong điều kiện hội nhập,  về sự mất cân đối giữa bảo hộ nông nghiệp và bảo hộ công nghiệp (trong gần 80 nhóm hàng dự kiến mở khung, chỉ có khoảng 5 nhóm là liên quan đến sản xuất nông nghiệp, sự mất cân đối là rất lớn).

Xin gửi Bộ Tài chính tổng hợp.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI
THỨ TRƯỞNG




Mai Văn Dâu