Công văn 1750/BGTVT-CQLXD năm 2022 triển khai Nghị quyết 18/NQ-CP về Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 do Bộ Giao thông vận tải ban hành

Số hiệu 1750/BGTVT-CQLXD
Ngày ban hành 24/02/2022
Ngày có hiệu lực 24/02/2022
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Nguyễn Văn Thể
Lĩnh vực Đầu tư,Xây dựng - Đô thị,Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1750/BGTVT-CQLXD
V/v triển khai Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11/02/2022 của Chính phủ về Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025

Hà Nội, ngày 24 tháng 02 năm 2022

 

Kính gửi:

- Các Vụ: Kế hoạch - Đầu tư, Đối tác công - tư, Khoa học và công nghệ, Tài chính, Kết cấu hạ tầng giao thông, Môi trường; Văn phòng Bộ, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng CTGT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục quản lý chuyên ngành;
- Các Ban Quản lý dự án: 2, 6, 7, 85, Thăng Long, Đường Hồ Chí Minh, Mỹ Thuận.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11 tháng 02 năm 2022 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 18/NQ-CP) triển khai Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11 tháng 01 năm 2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (sau đây gọi tắt là Dự án). Để triển khai có hiệu quả Nghị quyết của Chính phủ, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật, tiến độ, chất lượng công trình, quản lý chặt chẽ và sử dụng vốn tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương, nghiêm túc triển khai, thực hiện một số nội dung sau:

1. Các cơ quan tham mưu của Bộ Giao thông vận tải

1.1. Vụ Kế hoạch - Đầu tư: Phối hợp với các cơ quan có liên quan của Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ để bố trí vốn thực hiện dự án đáp ứng tiến độ yêu cầu.

1.2. Vụ Đối tác công - tư: (1) Chỉ đạo các Ban quản lý dự án, các đơn vị có liên quan lập, hoàn chỉnh hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng; xác định nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng và đất trồng lúa nước hai vụ trở lên của dự án, hoàn thành trước ngày 20 tháng 3 năm 2022. (2) Phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương tổ chức thẩm định hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 10 tháng 4 năm 2022. (3) Phối hợp với các đơn vị liên quan Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng và đất trồng lúa nước hai vụ trở lên, tổng hợp ý kiến thẩm định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về chuyển mục đích sử dụng rừng để Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 20 tháng 4 năm 2022. (4) Chủ trì, phối hợp với Vụ Tài chính, Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông tham mưu cho Bộ Giao thông vận tải xây dựng phương án tổ chức thực hiện thu hồi vốn đầu tư dự án, hoàn trả vào ngân sách trung ương, sau khi được cấp có thẩm quyền chấp thuận về cơ chế thu. (5) Chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng CTGT tham mưu Bộ Giao thông vận tải các nội dung liên quan đến các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư khi triển khai dự án. (6) Phối hợp với Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng CTGT tổ chức lập, thẩm tra, phê duyệt khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các dự án thành phần thu hồi đất liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

1.3. Vụ Môi trường: (1) Chủ trì chỉ đạo các Ban quản lý dự án khẩn trương hoàn thành báo cáo đánh giá tác động môi trường cho từng dự án thành phần trước ngày 18 tháng 4 năm 2022. (2) Phối hợp với các cơ quan liên quan của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong quá trình thẩm định, quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường cho từng dự án thành phần đáp ứng tiến độ phê duyệt trước ngày 15 tháng 5 năm 2022. (3) Phối hợp với Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng CTGT trong việc tham mưu thực hiện các công việc liên quan đến công tác lập, thẩm tra, phê duyệt khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các dự án thành phần thu hồi đất liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

1.4. Vụ Khoa học và Công nghệ: (1) Chủ trì tham mưu, trình Bộ Giao thông vận tải phê duyệt danh mục tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho dự án, hoàn thành trước ngày 30 tháng 3 năm 2022. (2) Chủ trì phối hợp với Viện Khoa học và công nghệ GTVT, Ban QLDA Mỹ Thuận và các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sử dụng cát biển, tro xỉ làm vật liệu đắp nền đường. (3) Chủ trì rà soát và khẩn trương thực hiện việc chuyển đổi các tiêu chuẩn ngành đã hết hiệu lực. (4) Chủ trì thẩm định thiết kế cơ sở hệ thống giao thông thông minh (ITS) và hệ thống thu phí điện tử không dừng (ETC), đảm bảo tính thống nhất, kết nối liên thông trên toàn dự án. (5) Phối hợp với Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng CTGT trong việc xác định các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ Dự án; đánh giá chất lượng vật liệu xây dựng đảm bảo phù hợp tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho Dự án.

1.5. Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông: (1) Chủ trì, phối hợp các cơ quan có liên quan tham mưu trình Bộ Giao thông vận tải phê duyệt phương án tổ chức giao thông trên đường cao tốc, trên cơ sở báo cáo thẩm định của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. (2) Chủ trì thẩm định, xác định vị trí, quy mô xây dựng trạm dừng nghỉ của Dự án. (3) Phối hợp với Vụ Đối tác công - tư tham mưu cho Bộ Giao thông vận tải xây dựng phương án thu hồi vốn đầu tư dự án sau khi được cấp có thẩm quyền chấp thuận về cơ chế thu.

1.6. Vụ Tài chính: (1) Tham mưu cho Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ xem xét quyết định, trình cấp có thẩm quyền thông qua cơ chế thu hồi vốn đầu tư dự án. (2) Chủ trì tham mưu cho Bộ Giao thông vận tải giải quyết hoặc đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn các nội dung liên quan về thuế, phí, lệ phí liên quan đến Dự án. (3) Phối hợp với Vụ Đối tác công - tư tham mưu cho Bộ Giao thông vận tải xây dựng các phương án để triển khai thu hồi vốn đầu tư dự án sau khi được cấp có thẩm quyền chấp thuận về cơ chế thu.

1.7. Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng CTGT

a) Về công tác lựa chọn nhà thầu: (1) Chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu cho Bộ Giao thông vận tải thực hiện công tác lựa chọn nhà thầu, đảm bảo khởi công Dự án trước ngày 31 tháng 12 năm 2022; đối với các gói thầu thuận lợi về kỹ thuật và giải phóng mặt bằng, khởi công trước ngày 30 tháng 11 năm 2022. (2) Phối hợp với các đơn vị có liên quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chấp thuận các nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 18/NQ-CP.

b) Chỉ đạo các Ban quản lý dự án, tư vấn và các đơn vị có liên quan khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi và các thủ tục cần thiết; chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan1 tổ chức thẩm định, trình Bộ Giao thông vận tải phê duyệt 12 dự án thành phần, hoàn thành trước ngày 30 tháng 6 năm 2022 và thực hiện các công việc tiếp theo đảm bảo khởi công trước ngày 31 tháng 12 năm 2022; triển khai thi công đồng loạt trước ngày 31 tháng 3 năm 2023, cơ bản hoàn thành Dự án năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.

c) Chỉ đạo các Ban quản lý dự án, tư vấn phối hợp với các địa phương, tổ chức khảo sát, lập hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ Dự án. Xác định vị trí, diện tích các bãi đổ chất thải rắn xây dựng đáp ứng nhu cầu của Dự án; thực hiện các công việc liên quan như đánh giá tác động môi trường, giải phóng mặt bằng các bãi đổ chất thải rắn xây dựng (nếu có) đảm bảo tiến độ thi công.

d) Chủ trì, phối hợp với Vụ Đối tác công - tư, Vụ Môi trường chỉ đạo các Ban quản lý dự án thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác lập, thẩm tra, phê duyệt khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các dự án thành phần thu hồi đất liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với các mốc tiến độ: Hoàn thành khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các dự án thành phần trước ngày 08 tháng 4 năm 2022; Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm tra, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 05 tháng 5 năm 2022.

e) Phối hợp với các đơn vị có liên quan của Bộ Xây dựng để hướng dẫn, giải quyết, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc liên quan đến quản lý dự án, quản lý chi phí, định mức xây dựng, vật liệu xây dựng, quản lý chất lượng thi công và hợp đồng xây dựng.

f) Phối hợp với các cơ quan liên quan của Bộ Giao thông vận tải trong việc triển khai toàn bộ công việc liên quan đến dự án (bố trí vốn thực hiện dự án, chuyển mục đích sử dụng đất rừng và đất trồng lúa nước hai vụ trở lên, đánh giá tác động môi trường, sử dụng cát biển, tro xỉ làm vật liệu, hệ thống giao thông thông minh,…).

1.8. Văn phòng Bộ chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng CTGT và các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc xây dựng, triển khai kế hoạch truyền thông của dự án; thường xuyên theo dõi, tổng hợp thông tin và kịp thời cung cấp thông tin, định hướng thông tin liên quan đến dự án nhằm tạo sự đồng thuận của dư luận xã hội và nhân dân về dự án.

1.9. Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục quản lý chuyên ngành, sau khi nhận hồ sơ, tài liệu cần thiết do các Ban quản lý dự án, tư vấn gửi đề nghị thỏa thuận về kết nối hạ tầng, tĩnh không đường bộ, đường sắt, thông thuyền, độ cao công trình theo quy định về quản lý độ cao chướng ngại vật hàng không, các nội dung khác có liên quan, khẩn trương xử lý, với mục tiêu rút ngắn tối đa thời gian thỏa thuận, nhằm đáp ứng tiến độ yêu cầu của dự án.

2. Các Ban Quản lý dự án

Giám đốc các Ban Quản lý dự án tập trung chỉ đạo các nội dung công việc để thực hiện các dự án thành phần được giao quản lý, đảm bảo tiến độ, chất lượng yêu cầu và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về kết quả thực hiện nhiệm vụ; với các nhiệm vụ chính sau:

2.1. Tổ chức thực hiện việc lập hồ sơ xác định nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng và đất trồng lúa nước hai vụ trở lên để thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 68 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18 tháng 12 năm 2020; hoàn thành trước ngày 20 tháng 3 năm 2022 (Ban quản lý dự án 6 tổng hợp chung) gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định.

2.2. Khẩn trương tổ chức thực hiện các thủ tục liên quan để chỉ định thầu tư vấn giai đoạn chuẩn bị dự án (chủ đầu tư bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu và tổ chức lựa chọn nhà thầu) đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu, đáp ứng tiến độ yêu cầu. Tổ chức thực hiện các thủ tục liên quan để lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư từ ngày 31 tháng 5 năm 2022 đến ngày 30 tháng 6 năm 2022. Chỉ đạo tư vấn khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, lập khung chính sách giải phóng mặt bằng và triển khai các công việc liên quan đáp ứng tiến độ yêu cầu. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong việc thẩm định, thẩm tra, lấy ý kiến thỏa thuận, thống nhất về các nội dung liên quan làm cơ sở phê duyệt dự án đầu tư tuân thủ quy định. Kiểm soát chặt chẽ tiến độ lập dự án đầu tư, chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương điều chỉnh, bổ sung nhân sự, thiết bị trong trường hợp chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra.

2.3. Tổ chức lập, phê duyệt, bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng cho các địa phương theo từng giai đoạn (tùy thuộc mức độ phức tạp về kỹ thuật của từng đoạn tuyến); thực hiện công tác bàn giao hồ sơ cắm cọc giải phóng mặt bằng cho các địa phương: (1) Giai đoạn 1: Các đoạn tuyến có yếu tố địa hình thuận lợi, hoàn thành trước ngày 15 tháng 3 năm 2022; (2) Giai đoạn 2: Các đoạn tuyến có yếu tố địa hình, địa chất, thủy văn phức tạp hơn (trừ các đoạn đặc biệt khó khăn) hoàn thành trước ngày 30 tháng 4 năm 2022; (3) Giai đoạn 3: Các đoạn còn lại, hoàn thành trước ngày 30 tháng 6 năm 2022. Hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng sẽ được cập nhật đảm bảo phù hợp dự án đầu tư được duyệt. Trên cơ sở hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng, các Ban Quản lý dự án, tư vấn phối hợp với các địa phương trong việc xác định sơ bộ nhu cầu tái định cư, rà soát quỹ đất, quỹ nhà tái định cư để xác định địa điểm, hình thức tái định cư; tổ chức lập dự án đầu tư xây dựng các khu tái định cư; triển khai thực hiện việc giải phóng mặt bằng khu tái định cư (nếu có).

2.4. Tổ chức thực hiện việc xác định vị trí, diện tích các bãi đổ chất thải rắn xây dựng đáp ứng nhu cầu của dự án; phối hợp với địa phương thực hiện các công việc liên quan như đánh giá tác động môi trường, giải phóng mặt bằng các bãi đổ chất thải rắn xây dựng (nếu có) đảm bảo tiến độ thi công.

2.5. Tổ chức lập hồ sơ khảo sát mỏ vật liệu xây dựng thông thường sử dụng cho Dự án đảm bảo các yêu cầu về chất lượng, trữ lượng, phù hợp với quy định tại khoản 5 Điều 1 Nghị quyết số 18/NQ-CP.

2.6. Tổ chức lập báo cáo đánh giá tác động của dự án đến các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, thỏa thuận với các nhà đầu tư có liên quan đến dự án, hoàn thành trước ngày 15 tháng 5 năm 2022.

2.7. Phối hợp với chính quyền địa phương và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố để có báo cáo giám sát đầu tư cộng đồng, hoàn thành trước ngày 15 tháng 5 năm 2022.

2.8. Phối hợp với các đơn vị có liên quan của Bộ Quốc phòng để các đơn vị trực thuộc sớm thỏa thuận các nội dung và thực hiện công tác giải phóng mặt bằng các khu vực liên quan đến đất quốc phòng đảm bảo tiến độ dự án và khẩn trương thực hiện công tác rà, phá bom, mìn, vật nổ đảm bảo tiến độ bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công xây dựng, hoàn thành trước ngày 08 tháng 11 năm 2022.

[...]