Công văn 1715/BGDĐT-GDTC về tăng cường giải pháp phòng, chống tai nạn đuối nước dịp hè năm 2020 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
Số hiệu | 1715/BGDĐT-GDTC |
Ngày ban hành | 18/05/2020 |
Ngày có hiệu lực | 18/05/2020 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Giáo dục và Đào tạo |
Người ký | Nguyễn Hữu Độ |
Lĩnh vực | Giáo dục |
BỘ GIÁO DỤC
VÀ ĐÀO TẠO |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1715/BGDĐT-GDTC |
Hà Nội, ngày 18 tháng 05 năm 2020 |
Kính gửi: |
- Các Sở Giáo dục và Đào tạo; |
Trong những năm qua, công tác phòng, chống tai nạn đuối nước (PCTNĐN) cho trẻ em học sinh, sinh viên, học viên (gọi chung là người học) đã được sự quan tâm của Đảng, nhà nước và cơ quan quản lý giáo dục các cấp, các cơ sở giáo dục chủ động, tích cực phối hợp triển khai nhiều giải pháp, từng bước đạt được kết quả thiết thực trong việc giảm thiểu tỷ lệ tử vong do đuối nước đối với người học.
Để tăng cường hiệu quả công tác phòng tránh, giảm thiểu tối đa tai nạn đuối nước và đảm bảo an toàn tính mạng cho người học, đặc biệt là thời gian nghỉ hè năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo, các Đại học, Học viện, các Trường Đại học, Cao đẳng sư phạm, Trung cấp sư phạm thực hiện một số nội dung, cụ thể như sau:
1. Tiếp tục, quán triệt và triển khai có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về PCTNĐN đối với người học, nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
2. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức cho người học trong việc tuân thủ các quy định về an toàn khi tham gia các hoạt động xã hội trong đời sống hằng ngày; nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, nhà giáo, nhân viên trong việc tổ chức hướng dẫn kỹ năng PCTNĐN cho người học.
3. Đối với các Sở Giáo dục và Đào tạo, cơ sở giáo dục phổ thông.
- Chỉ đạo giáo viên ở các tiết học cuối trước khi học sinh tan trường, thường xuyên việc nhắc nhở, khuyến cáo người học không được chơi, đùa nghịch gần ao, hồ, sông, suối, kênh, rạch, hố công trình, nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước; không tự ý hoặc rủ nhau đi tắm, đi bơi khi không có người lớn đi cùng, đặc biệt khoảng thời gian đi trên đường từ nhà đến trường, từ trường về nhà và thời gian được nghỉ học, nghỉ hè;
- Chủ động phối hợp với các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể tại địa phương hướng dẫn các em tham gia các hoạt động vui chơi lành mạnh; tổ chức các lớp học bơi, học kỹ năng an toàn PCTNĐN trong thời gian các em nghỉ hè. Kịp thời có phương án ứng phó trước hiện tượng thời tiết bất thường, thiên tai bão, lũ, lụt…, nhằm đảm bảo an toàn phòng, chống đuối nước.
4. Đối với các Đại học, Học viện, các Trường Đại học, Cao đẳng sư phạm, Trung cấp sư phạm: Thường xuyên tổ chức hướng dẫn người học kỹ năng đảm bảo an toàn khi tham gia các hoạt động thực tế, dã ngoại, tránh những nơi có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước.
5. Phối hợp với các cấp chính quyền địa phương kiểm tra, giám sát, phát hiện các điểm nóng có nguy cơ cao xảy ra tai nạn đuối nước và tổ chức cảnh báo kịp thời. Xử lý, khắc phục, giải quyết khi có sự việc xảy ra và kịp thời báo cáo về Bộ Giáo dục và Đào tạo.
6. Giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc các Đại học, Học viện, hiệu trưởng các Trường Đại học, Cao đẳng sư phạm, Trung cấp sư phạm thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện PCTNĐN tại các nhà trường, cơ sở giáo dục, các đơn vị thuộc phạm vi quản lý và có biện pháp xử lý đối với các đơn vị không thực hiện nghiêm túc công tác này.
Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu thủ trưởng các đơn vị tổ chức quán triệt nội dung văn bản này đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và người học trong nhà trường, cơ sở giáo dục nghiêm túc thực hiện.
Nơi nhận: |
KT. BỘ
TRƯỞNG |