Công văn 1625/BYT-BM-TE năm 2016 về phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika do Bộ Y tế ban hành
Số hiệu | 1625/BYT-BM-TE |
Ngày ban hành | 25/03/2016 |
Ngày có hiệu lực | 25/03/2016 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Y tế |
Người ký | Nguyễn Đức Vinh |
Lĩnh vực | Thể thao - Y tế |
BỘ Y TẾ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1625/BYT-BM-TE |
Hà Nội, ngày 25 tháng 03 năm 2016 |
Kính gửi: |
- Bệnh viện: Phụ sản, Đa khoa trực thuộc Bộ Y tế; |
Bệnh do virus Zika là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi Aedes truyền (muỗi này cũng truyền bệnh sốt xuất huyết). Người mắc bệnh có biểu hiện như sốt, phát ban trên da, viêm kết mạc, đau khớp, đau cơ, mệt mỏi và đau đầu; thời gian ủ bệnh từ 3 đến 12 ngày. Có 60% đến 80% các trường hợp nhiễm virus Zika không biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có mối liên quan giữa hội chứng não nhỏ ở trẻ sinh ra từ các bà mẹ nhiễm vi rút Zika trong thời kỳ mang thai. Theo thông báo của WHO, hiện đã có gần 60 quốc gia trên thế giới và vùng lãnh thổ thông báo có sự lưu hành hoặc có sự lây truyền virus Zika, trong đó có một số quốc gia gần với Việt Nam như: Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines, đặc biệt là những nước có chung đường biên giới với Việt Nam: Campuchia, Lào, Trung Quốc.
Đến nay, Việt Nam vẫn chưa ghi nhận trường hợp mắc virus Zika, tuy nhiên trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực đã ghi nhận các trường hợp mắc bệnh do vi rút Zika, nguy cơ virus Zika xâm nhập vào nước ta và bùng phát thành dịch là rất lớn.
Để dự phòng tích cực, phát hiện sớm trường hợp nhiễm vi rút Zika, nhất là ở phụ nữ có thai và sẵn sàng đáp ứng khi virus Zika xâm nhập vào Việt Nam, xử lý kịp thời không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất biến chứng do bệnh gây ra; bên cạnh việc thực hiện nghiêm túc Quyết định số 460/QĐ-BYT ngày 05/02/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế về Kế hoạch hành động phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika tại Việt Nam cũng như Quyết định số 827/QĐ-BYT ngày 11/3/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế về Kế hoạch phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2016; Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế đề nghị:
1. Các bệnh viện Phụ sản, Đa khoa trực thuộc Bộ Y tế; Cục Quân Y - Bộ Quốc phòng và Cục Y tế - Bộ Công An:
- Phổ biến, quán triệt tới toàn thể thể cán bộ làm công tác chăm sóc sản khoa về tình hình dịch bệnh do virus Zika cũng như mối liên hệ giữa phụ nữ mang thai và hội chứng đầu nhỏ; cách thức để phụ nữ tự bảo vệ tránh lây nhiễm virus Zika;
- Chỉ đạo các bộ phận như phòng khám sản khoa, khoa sản khi thực hiện việc chăm sóc, quản lý thai, khám thai... cần chú ý sàng lọc, theo dõi và phát hiện sớm hội chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh kết hợp với truyền thông, tư vấn để phụ nữ tuổi sinh đẻ, thai phụ biết cách tự bảo vệ phòng tránh lây nhiễm virus Zika;
- Chỉ đạo các khoa đẻ/phòng đẻ thực hiện nghiêm túc việc đo và ghi chép vòng đầu cho tất cả các trẻ sơ sinh vào sổ sách, hồ sơ bệnh án; trong trường hợp phát hiện trẻ sơ sinh có chứng đầu nhỏ cần lấy mẫu máu của mẹ gửi các Bệnh viện Trung ương hoặc Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur để xét nghiệm huyết thanh tìm vi rút Zika (danh sách gửi kèm);
- Khi phát hiện có nguy cơ nhiễm virus Zika, cần liên hệ ngay với các đơn vị y tế dự phòng để có thể thực hiện xét nghiệm chẩn đoán xác định và có biện pháp xử trí thích hợp.
2. Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: chỉ đạo, giao Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản làm đầu mối, phối hợp với bệnh viện sản - nhi, bệnh viện phụ sản, khoa sản bệnh viện đa khoa các tỉnh, thành phố thực hiện một số việc như sau:
- Phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng và các đơn vị liên quan trong tỉnh xây dựng Kế hoạch giám sát, phòng chống bệnh do vi rút Zika, trong đó bao gồm nội dung sàng lọc, chẩn đoán trước và sau sinh hội chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh;
- Xây dựng Kế hoạch tập huấn về sàng lọc trước sinh, phát hiện hội chứng đầu nhỏ, trình Sở Y tế phê duyệt và triển khai thực hiện;
- Chủ động báo cáo Sở Y tế bố trí kinh phí để tập huấn về sàng lọc trước sinh, phát hiện hội chứng đầu nhỏ cho tất cả cán bộ y tế làm công tác chăm sóc SKSS ở cả trong và ngoài công lập. Trong trường hợp chưa tìm được nguồn kinh phí, cần lồng ghép việc phổ biến, tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến trong các buổi họp, giao ban chuyên môn, sinh hoạt khoa học của đơn vị;
- Chỉ đạo tất cả các cơ sở chăm sóc sản khoa tại địa phương trong quá trình thực hiện quản lý thai, khám thai định kỳ cần chú ý triển khai sàng lọc trước sinh phát hiện hội chứng đầu nhỏ đối, đặc biệt là những đối tượng đi/đến/đi qua vùng có virus lưu hành; tư vấn, hướng dẫn phụ nữ đang hoặc có ý định mang thai hạn chế đi đến khu vực có dịch và cần đến ngay CSYT để được cán bộ y tế tư vấn, hướng dẫn khi nghi ngờ nhiễm vi rút Zika;
- Thực hiện nghiêm túc việc đo và ghi chép vòng đầu cho tất cả các trẻ sơ sinh vào sổ sách, hồ sơ bệnh án; trong trường hợp trẻ sơ sinh có chứng đầu nhỏ cần lấy mẫu máu của mẹ gửi các Bệnh viện Trung ương hoặc Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur để xét nghiệm huyết thanh tìm vi rút Zika (danh sách gửi kèm);
- Nếu nghi ngờ trẻ sơ sinh có vòng đầu nhỏ cần được chẩn đoán xác định, theo dõi và xử trí tiếp theo tại bệnh viện tỉnh trở lên;
- Khi phát hiện ca nghi ngờ nhiễm vi rút Zika, cần thông báo ngay cho Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh để có biện pháp xử trí thích hợp;
- Phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe và các phương tiện truyền thông đại chúng trong việc cung cấp thông tin cho người dân về các nguy cơ lây nhiễm; cách phòng chống, ngăn chặn vi rút Zika; tăng cường vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng (bọ gậy) và phòng chống muỗi đốt.
Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị báo cáo về Bộ Y tế (Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Cục Y tế dự phòng, Cục Quản lý khám chữa bệnh) để phối hợp giải quyết.
Xin trân trọng cảm ơn.
|
TL. BỘ TRƯỞNG |