Công văn 1579/BTTTT-VP trả lời kiến nghị của Sở và doanh nghiệp ngành Thông tin và Truyền thông

Số hiệu 1579/BTTTT-VP
Ngày ban hành 21/06/2012
Ngày có hiệu lực 21/06/2012
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Thông tin và Truyền thông
Người ký Nguyễn Trọng Phát
Lĩnh vực Doanh nghiệp

ưBỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1579/BTTTT-VP
V/v trả lời kiến nghị của các Sở TTTT và các doanh nghiệp ngành TTTT

Hà Nội, ngày 21 tháng 06 năm 2012

 

Kính gửi:

- Cơ quan Đại diện của Bộ tại TP. Hồ Chí Minh;
- Cơ quan Đại diện của Bộ tại Đà Nẵng;
- Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Các doanh nghiệp: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam; Tổng Công ty truyền thông đa phương tiện VTC; Công ty cổ phần viễn thông di động Toàn Cầu; Công ty Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam; Công ty cổ phần viễn thông Đông Dương; Công ty TNHH hệ thống thông tin FPT.

 

Cuối năm 2011 và 6 tháng đầu năm 2012, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận được một số kiến nghị về những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của các Sở, doanh nghiệp thông tin và truyền thông trong cả nước. Bộ đã giao cho các cơ quan chức năng nghiên cứu, trả lời. Bản tổng hợp nội dung trả lời được đăng tải trên website của Bộ tại địa chỉ: mic.gov.vn và gửi theo địa chỉ email của các Sở, các doanh nghiệp. Đề nghị các Sở, doanh nghiệp thông tin và truyền thông nghiên cứu. Nếu có vấn đề gì còn chưa rõ hoặc có những kiến nghị, đề xuất khác tiếp tục gửi về Văn phòng Bộ Thông tin và Truyền thông để tổng hợp và yêu cầu các cơ quan chức năng của Bộ xem xét, trả lời.

Trân trọng./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng và các Thứ trưởng (để b/c);
- Trung tâm thông tin (để p/h);
- Lưu: VT, VP, TKTH.

TL. BỘ TRƯỞNG
CHÁNH VĂN PHÒNG




Nguyễn Trọng Phát

 

TỔNG HỢP TRẢ LỜI KIẾN NGHỊ

CỦA SỞ TTTT CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ; CÁC DOANH NGHIỆP NGÀNH THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
(Đính kèm Công văn 1579/BTTTT-VP ngày 21 tháng 6 năm 2012)

I. Lĩnh vực Báo chí, Phát thanh truyền hình - Thông tin điện tử, Thông tin đối ngoại:

Câu hỏi 1: Đề nghị Bộ tăng cường phân cấp và uỷ quyền cho các Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) trong công tác quản lý báo chí. Đối với việc quản lý các Văn phòng đại diện, phóng viên thường trú của các cơ quan báo chí. Bộ cần có những chế tài quản lý chặt chẽ hơn dành cho các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí ở địa phương, nhằm quản lý có hiệu quả hơn, xử lý kịp thời những vi phạm xảy ra (Quảng Trị).

Trả lời:

Nội dung quản lý nhà nước (QLNN) và trách nhiệm của các cơ quan QLNN về báo chí đã được quy định tại Luật Báo chí và Nghị định 51/2002/NĐ-CP ngày 26/4/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí.

Để hướng dẫn cụ thể các nội dung QLNN, Bộ Văn hoá Thông tin trước đây, nay là Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) đã ban hành nhiều văn bản như: Thông tư 16/2010/TT-BTTTT ngày 19/7/2010 quy định chi tiết và hướng dẫn việc cấp giấy phép hoạt động báo chí in, xuất bản số phụ, xuất bản phụ trương, xuất bản đặc san; Thông tư 13/2008/TT-BTTTT ngày 31/12/2008 hướng dẫn việc thành lập và hoạt động của cơ quan đại diện, phóng viên thường trú ở trong nước của các cơ quan báo chí; Thông tư 21/2011/TT-BTTTT ngày 13/7/2011 sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư 13/2008/TT-BTTTT ngày 31/12/2008 và Quyết định 28/2002/QĐ-BVHTT ngày 21/11/2002 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin; Quyết định 53/2003/QĐ-BVHTT ngày 04/9/2003 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin ban hành Quy chế xuất bản bản tin.

Thực hiện việc rà soát, đơn giản hoá thủ tục hành chính theo Đề án 30 của Chính phủ, lĩnh vực báo chí cũng như toàn bộ các lĩnh vực của Bộ TTTT đã hoàn thành và trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về việc đơn giản hoá thủ tục hành chính của Bộ, trong đó việc cấp giấy phép trong hoạt động báo chí cũng như thẩm quyền cấp phép được thực hiện theo quy định của Luật Báo chí. Vì vậy, việc phân cấp và uỷ quyền cho các Sở TTTT trong công tác quản lý báo chí sẽ thực hiện như các quy định hiện hành.

Đối với Văn phòng đại diện, phóng viên thường trú:

Việc thành lập, hoạt động, quản lý nhà nước đối với cơ quan đại diện, phóng viên thường trú ở trong nước của các cơ quan báo chí được thực hiện theo Thông tư 13/2008/TT-BTTTT ngày 31/12/2008. Chế tài xử lý khi có các vi phạm xảy ra được thực hiện theo Nghị định 02/2011/NĐ-CP ngày 06/01/2011 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản.

Câu hỏi 2: Hiện nay, hàng tuần tại Cơ quan đại diện có cuộc giao ban báo chí vào sáng thứ tư do đồng chí Lừng, Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Cục Báo chí và Cục Quản lý PTTH và TTĐT tại TP.HCM chủ trì với sự tham dự của đại diện các báo Trung ương đóng trên địa bàn TP.HCM. Tuy nhiên, thành phần tham dự giao ban không đúng, hầu hết hiện nay là các đồng chí đã nghỉ hưu. Vì vậy, đề nghị Bộ nên thực hiện họp giao ban báo chí hàng tuần bằng phương thức trực tuyến cho đầu cầu TP.Hồ Chí Minh sẽ hợp lý và đúng tính chất, thành phần tham dự họp hơn (Cơ quan đại diện của Bộ tại TP. Hồ Chí Minh).

Trả lời:

Việc tổ chức giao ban báo chí hàng tuần được thực hiện theo quy chế phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TTTT và Hội Nhà báo Việt Nam. Tổ chức giao ban báo chí hàng tuần bằng phương thức trực tuyến là phương án cần có sự thống nhất ý kiến giữa Ban, Bộ và Hội trước khi báo cáo Ban Bí thư. Thành phần tham dự giao ban là lãnh đạo cơ quan báo chí (không có đối tượng khác), Ban tổ chức cần kiểm tra để đảm bảo đúng thành phần tham dự theo quy định.

Câu hỏi 3: Đề nghị Bộ tích cực hoàn thiện hệ thống pháp luật về Báo chí, Xuất bản để phù hợp với thực tiễn phát triển của hoạt động thông tin, báo chí trong tình hình mới. Xây dựng các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ, chức năng nhằm giúp các địa phương, đơn vị có hành lang pháp lý phục vụ cho công tác QLNN trong lĩnh vực này, ban hành quy định sửa đổi, bổ sung về việc cấp phép xuất bản bản tin (Vĩnh Phúc, Nam Định).

Trả lời:

Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật là nội dung rất quan trọng của công tác QLNN. Quá trình thực hiện Luật Báo chí năm 1999 bên cạnh mặt tích cực, còn bộc lộ hạn chế như: Chưa điều chỉnh kịp thời những vấn đề mới nảy sinh nhất là khi các loại hình báo chí phát triển nhanh chóng. Bên cạnh đó, sự phát triển và hội tụ về công nghệ giữa viễn thông, truyền thông và Internet diễn ra mạnh mẽ, nhiều quy định của Luật Báo chí hiện hành đã không còn phù hợp. Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khoá XII, Bộ TTTT đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng Luật Báo chí (sửa đổi). Năm 2009, sau khi Bộ TTTT trình Chính phủ dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi), Ban cán sự Đảng Chính phủ và Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc trình dự thảo Luật vào thời điểm thích hợp. Sau khi Luật Báo chí mới được ban hành thì sẽ xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành để hoàn thiện tổng thể hệ thống pháp luật về báo chí.

Về xuất bản bản tin hiện nay được điều chỉnh bởi quy định tại Quyết định 53/2003/QĐ-BVHTT ngày 04/9/2003 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin ban hành Quy chế xuất bản bản tin và Quyết định 3865/QĐ-BVHTT ngày 04/11/2003 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin về việc uỷ quyền cấp, thu hồi giấy phép xuất bản bản tin. Thực hiện chương trình xây dựng luật năm 2012, Bộ đang chỉ đạo xây dựng Thông tư về xuất bản bản tin để thay thế Quy chế được ban hành kèm theo quyết định 53/2003/QĐ-BVHTT cho phù hợp với thực tế tình hình hoạt động báo chí. Dự kiến thông tư sẽ được Bộ ban hành trong quý III/2012.

Câu hỏi 4: Đề nghị Bộ có chỉ đạo thống nhất, đồng bộ các giải pháp, biện pháp để khắc phục triệt để những hạn chế, tồn tại trong công tác quản lý ngành như: thông tin không đúng tôn chỉ, mục đích, không đúng đối tượng phục vụ, thông tin sai sự thật, thiếu kiểm chứng, thậm chí bịa đặt hoàn toàn... tạo điều kiện cho sở thực hiện đúng chức năng quản lý nhà nước ở địa phương trong lĩnh vực báo chí, xuất bản (TP. Hồ Chí Minh).

Trả lời:

Thực trạng thông tin không đúng tôn chỉ, mục đích, không đúng đối tượng phục vụ, thông tin sai sự thật, thiếu kiểm chứng, thậm chí bịa đặt hoàn toàn... diễn ra trong thời gian qua là những vấn đề cơ quan chỉ đạo, quản lý đặc biệt quan tâm. Những hạn chế nêu trên mặc dù đã được chấn chỉnh, xử lý nhưng vẫn chậm được khắc phục. Thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm, nhằm lập lại trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực này.

Câu hỏi 5: Đề nghị Bộ sớm giải quyết những khó khăn cho các kênh truyền hình công ích VTC10, VTC14, VTC16 (Tổng Công ty truyền thông đa phương tiện VTC).

[...]