Công văn 157/BTP-PBGDPL năm 2018 về hướng dẫn tuyên truyền, phổ biến các Luật, Nghị quyết được thông qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV do Bộ Tư pháp ban hành
Số hiệu | 157/BTP-PBGDPL |
Ngày ban hành | 16/01/2018 |
Ngày có hiệu lực | 16/01/2018 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Tư pháp |
Người ký | Phan Chí Hiếu |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
BỘ
TƯ PHÁP |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 157/BTP-PBGDPL |
Hà Nội, ngày 16 tháng 01 năm 2018 |
Kính gửi: |
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan
thuộc Chính phủ; |
Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV đã thông qua 06 luật (Luật quản lý nợ công (sửa đổi); Luật lâm nghiệp; Luật thủy sản (sửa đổi); Luật quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng và một số Nghị quyết quan trọng (Phụ lục kèm theo Công văn). Để thực hiện đầy đủ trách nhiệm được giao theo Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo đảm quyền được thông tin về pháp luật của công dân, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp trân trọng đề nghị Quý cơ quan, tổ chức thực hiện các công việc sau đây:
1. Đối với các Bộ chủ trì soạn thảo các luật, nghị quyết:
a) Thực hiện đăng tải, cập nhật toàn văn nội dung văn bản luật do cơ quan chủ trì soạn thảo trên Cổng Thông tin điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật và các hình thức thích hợp khác để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân dễ dàng tiếp cận, khai thác và sử dụng khi có nhu cầu.
b) Tổ chức biên soạn tài liệu tập huấn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật chuyên sâu; kịp thời quán triệt, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu nội dung và tinh thần của văn bản luật cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp được giao nhiệm vụ triển khai thi hành văn bản luật; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật quy định mới cho đội ngũ Báo cáo viên pháp luật của Bộ, ngành về nội dung của văn bản luật để tham gia tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho Nhân dân; giải thích, cung cấp đầy đủ quy định của văn bản luật liên quan trực tiếp đến vụ việc đang giải quyết hoặc hướng dẫn tìm kiếm, tra cứu trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật khi công dân có yêu cầu trong quá trình xem xét, giải quyết vụ việc của công dân.
c) Chỉ đạo, hướng dẫn, xác định nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến văn bản luật phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn; biên soạn, đăng tải, phát hành rộng rãi tài liệu giới thiệu, phổ biến nội dung, tinh thần văn bản và phối hợp với Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật để cập nhật trên Trang thông tin về phổ biến, giáo dục pháp luật, Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp (tại địa chỉ: http://pbgdpl.moj.gov.vn; chuyên mục Tủ sách pháp luật); chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan, đơn vị, cơ quan thông tin, truyền thông, báo chí, các nhà trường thuộc phạm vi quản lý tăng cường thông tin, truyền thông, quán triệt, phổ biến rộng rãi văn bản cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý và Nhân dân bằng hình thức phù hợp, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin để triển khai thực hiện qua Cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của Cơ quan, đơn vị; tập huấn, tư vấn pháp luật trực tuyến; thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến; các chương trình đối thoại chính sách pháp luật, các phương tiện thông tin, truyền thông, hệ thống loa truyền thanh cơ sở...; bố trí đủ nguồn lực (nhân lực, kinh phí, cơ sở vật chất) thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến văn bản luật theo quy định của Luật phổ biến, giáo dục pháp luật.
2. Đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn các Cơ quan thông tin, báo chí tăng cường thông tin, truyền thông, tuyên truyền, phổ biến về nội dung cơ bản, nhất là những điểm mới trong các văn bản luật.
3. Đề nghị Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, các Cơ quan báo chí tăng cường thời lượng, lồng ghép, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, thường xuyên các văn bản luật mới trên chuyên trang, chuyên mục của báo, đài để mọi người cùng biết và thực hiện.
4. Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương phối hợp với ngành Tư pháp trong chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường, cơ sở giáo dục trực thuộc rà soát, chỉnh lý nội dung, chương trình, biên soạn sách giáo khoa, giáo trình, tài liệu tham khảo phục vụ việc dạy và học pháp luật trong các nhà trường đảm bảo phù hợp với các quy định mới.
5. Đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Văn phòng Quốc hội, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các Bộ, ngành, đoàn thể có văn bản hướng dẫn, tổ chức quán triệt, tập huấn chuyên sâu, tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu nội dung, tinh thần của các văn bản luật có liên quan trong toàn ngành và trong phạm vi quản lý; có chỉ đạo, yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý tự giác học tập, tìm hiểu, tuân thủ và chấp hành các quy định mới ban hành trong quá trình thực thi công vụ và tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật cho Nhân dân.
6. Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu các văn bản luật liên quan cho hội viên, thành viên của tổ chức mình và tham gia tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho Nhân dân; tích cực vận động hội viên, đoàn viên và Nhân dân tự giác học tập, tìm hiểu, tuân thủ và chấp hành pháp luật, tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật.
7. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ hướng dẫn tại Công văn này, hướng dẫn của Bộ, ngành, Mặt trận, đoàn thể Trung ương và nhu cầu, điều kiện thực tiễn địa phương, có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến nội dung và tinh thần của các văn bản luật với hình thức, nội dung phù hợp; tổ chức quán triệt, tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật; chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, tổ chức thực hiện đảm bảo hiệu quả, thực chất; đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện và tổng hợp kết quả gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Chính phủ.
Tổ chức pháp chế Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, Sở Tư pháp có trách nhiệm tham mưu, giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, người đứng đầu các ngành, đoàn thể Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các nhiệm vụ nói trên.
Trên đây là hướng dẫn việc tuyên truyền, phổ biến các văn bản luật được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Bộ Tư pháp trân trọng đề nghị Quý cơ quan, tổ chức kịp thời triển khai thực hiện, tổng hợp báo cáo kết quả trong báo cáo công tác tư pháp hằng năm (lĩnh vực phổ biến, giáo dục pháp luật) và gửi về Bộ Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Chính phủ. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Tư pháp (qua Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật) để phối hợp tháo gỡ kịp thời./.
|
KT.
BỘ TRƯỞNG |
DANH SÁCH
CƠ QUAN CHỦ TRÌ SOẠN THẢO CÁC LUẬT ĐƯỢC THÔNG QUA TẠI KỲ HỌP THỨ 4, QUỐC HỘI KHÓA XIV
STT |
Tên văn bản |
Cơ quan chủ trì |
1 |
Luật quản lý nợ công (sửa đổi) |
Bộ Tài chính |
2 |
Luật lâm nghiệp |
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
3 |
Luật thủy sản (sửa đổi) |
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
4 |
Luật quy hoạch |
Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
5 |
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài |
Bộ Ngoại giao |
6 |
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng |
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam |