Công văn 14264/BTC-CST về xử lý thuế nhập khẩu ống gang cầu của Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 14264/BTC-CST
Ngày ban hành 25/10/2011
Ngày có hiệu lực 25/10/2011
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Vũ Thị Mai
Lĩnh vực Thương mại,Thuế - Phí - Lệ Phí

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14264/BTC-CST
V/v xử lý thuế nhập khẩu ống gang cầu của Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn

Hà Nội, ngày 25 tháng 10 năm 2011

 

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ

Bộ Tài chính nhận được Phiếu chuyển số 854/PC-VPCP ngày 15/6/2011 của Văn phòng Chính phủ chuyển công văn số 143/KHĐT ngày 6/6/2011 của Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xin chủ trương xử lý thuế nhập khẩu ống gang cầu nhập khẩu năm 2000 và công văn số 4232/UBND-TM ngày 25/8/2011 của Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh có ý kiến về xử lý xóa nợ thuế nhập khẩu ống gang cầu đối với Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn. Về vấn đề này, Bộ Tài chính xin báo cáo Thủ tướng Chính phủ như sau:

1. Nội dung kiến nghị của Công ty

Tháng 9/1999 Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn ký hợp đồng với Công ty Xuất nhập khẩu máy thiết bị Tứ Xuyên- Trung Quốc để cung cấp tài chính và thiết bị phục vụ xây dựng, cơ sở hạ tầng của dự án khu dân cư Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh phục vụ cho chương trình giải toả nhà ở kênh rạch, giãn dân trong nội thành và nhà ở cho người có thu nhập thấp. Thời điểm năm 2000 Công ty nhập khẩu lô hàng ống gang 150mm, tuy nhiên lô hàng này về sau ngày 1/4/2000 (thời điểm thuế suất thuế nhập khẩu mới tăng từ 1% lên 20%) nên bị tính thuế nhập khẩu 20%. Công ty đã có văn bản giải trình và kiến nghị được áp dụng mức thuế suất cũ 1%

Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có 3 văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét cho phép Công ty được áp dụng mức thuế suất cũ 1 % Sau khi lấy ý kiến các Bộ ngành liên quan (gồm Bộ kế hoạch đầu tư Bộ Xây dựng), Bộ Tài chính đã có công văn số 9447TC/TCT ngày 3/10/2001 báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Ngày 30/11/2001 Văn phòng Chính phủ có văn bản số 5856/VPCP-KTTH trả lời: "... cho phép Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn được khoanh nợ thuế nhập khẩu lô hàng ống gang dẻo trong suốt thời kỳ thực hiện dự án đã được phê duyệt. Bộ Tài chính phối hợp với UBND thành phố HCM kiểm tra giám sát việc sử dụng lô gang dẻo này cho công trình xây dựng nhà ở nêu trên của Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn; trường hợp bị lỗ do thuế suất thuế nhập khẩu ống gang dẻo tăng thì Bộ Tài chính sẽ hỗ trợ từ ngân sách bằng cách giảm tương ứng số thuế nhập khẩu lô ống gang dẻo được khoanh nợ trên...".

Tuy nhiên do dự án gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng nên tiến độ triển khai bị kéo dài. Ngày 30/7/2007, Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã có Quyết định số 3318/QĐ-UBND thu hồi diện tích đất đã giao cho Công ty. Trong thời gian từ năm 2000 đến nay, Công ty phải chịu chi phí trả lãi mua hàng, chi phí thuê kho bãi, chi phí di dời... đối với lô ống gang, ngoài ra một số cũng đã bị hư hỏng.

Trước tình hình khó khăn trên, nhằm tạo điều kiện để Công ty sớm thu hồi vốn, giảm bớt thiệt hại, Công ty đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép Công ty được áp dụng thuế suất nhập khẩu lô ống gang với mức 1% để Công ty chào bán cho các đơn vị trong nước có nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng cho các khu dân cư và chỉnh trang đô thị.

2. Ý kiến của UBND thành phố Hồ Chí Minh

Tại công văn số 4232/UBND-TM ngày 25/8/2011 (trình kèm), Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh có ý kiến như sau: để triển khai thực hiện dự án xây dựng khu dân cư mới tại địa phương Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, vào tháng 9 năm 1999, Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn có ký hợp đồng với công ty Xuất nhập khẩu máy thiết bị Tứ Xuyên - Trung Quốc để nhập khẩu lô hàng ống gang cầu q150 mm phục vụ dự án (thời điểm này thuế nhập khẩu đối với ống gang cầu là 1%). Tuy nhiên, do lô hàng ống gang cầu q150 mm nhập khẩu về đến thành phố Hồ Chí Minh sau ngày 1 tháng 4 năm 2000 (là thời điểm thuế nhập khẩu tăng từ 1% lên 20%) nên Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn phải chịu mức thuế nhập khẩu là 20% theo quy định.

- Tuy nhiên, qua báo cáo của Công ty và ý kiến của Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh (tại công văn số 4232/UBND-TM ngày 25/8/2011), Bộ Tài chính nhận thấy việc dự án không triển khai được đã làm cho Công ty gặp nhiều khó khăn về tài chính, ảnh hưởng lớn đến đời sống của cán bộ công nhân viên. Trong suốt thời gian từ năm 2000 đến nay, Công ty phải chịu chi phí trả lãi mua hàng, chi phí thuê kho bãi, chi phí di dời do đổi kho, riêng tiền trả lãi phát sinh trong hơn 10 năm đã hơn giá trị hàng hoá ban đầu. Tổng chi phí phát sinh thêm đến năm 2011 là hơn 53 tỷ đồng (bảng tổng hợp chi phí ống gang của Công ty tính đến thời điểm 30/3/2011 kèm theo). Bên cạnh đó, từ năm 2003 đến nay, hầu hết ống cấp nước 150mm được sử dụng bằng ống nhựa. Trong khi đó toàn bộ lô hàng của Công ty là ống gang 150mm nên khó có khả năng tiêu thụ do giá ống nhập về đã cao hơn ống nhựa hiện nay, đồng thời chất lượng hàng cũng bị giảm sút do đã để hơn 10 năm.

- Tại thời điểm năm 2000 thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu được thực hiện theo qui định của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 1991, Luật sửa đổi, bổ sung năm 1993 và Luật sửa đổi bổ sung năm 1998. Theo các Luật này thì không có qui định về xóa nợ thuế, và trường hợp của Công ty cũng không thuộc đối tượng miễn giảm thuế. Văn bản pháp lý cao nhất qui định về việc xóa nợ thuế tại thời điểm này là Quyết định số 172/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý giãn nợ, khoanh nợ, xóa nợ thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước đối với những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có khó khăn do nguyên nhân khách quan. Tuy nhiên, trường hợp của Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn không thuộc các trường hợp được xoá nợ thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước quy định tại Quyết định số 172/2001/QĐ-TTg.

- Việc điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu năm 2000 (theo quyết định số 41/2000/QĐ-BTC ngày 17/3/2000 của Bộ trưởng Bộ Tài chính với hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2000) đối với những mặt hàng được loại bỏ khỏi danh mục hàng hoá nhập khẩu phải có giấy phép của Bộ Thương mại tại thời điểm đó (trong đó có mặt hàng ống gang) thực hiện theo quy định tại Điều 14 Quyết định số 242/1999/QĐ-TTg ngày 30/12/1999 của Thủ tướng Chính phủ như sau "Để từng bước loại bỏ dần các biện  pháp phi quan thuế trong điều hành xuất nhập khẩu" giao Bộ Tài chính phối hợp với Ban Vật giá Chính phủ trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 01 tháng 3 năm 2000 việc điều chỉnh nâng thuế suất thuế nhập khẩu (hoặc mức phụ thu) một cách hợp lý đối với những mặt hàng được loại bỏ khỏi danh mục hàng hoá nhập khẩu phải có giấy phép của Bộ Thương mại

- Đối với trường hợp cụ thể của Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn tại thời điểm đó là nhập khẩu ống gang để xây dựng cơ sở hạ tầng của dự án khu dân cư Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh phục vụ cho chương trình giải toả nhà ở kênh rạch, giãn dân trong nội thành và nhà ở cho người có thu nhập thấp, không phải nhập khẩu để kinh doanh thương mại. Tuy nhiên do dự án gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng nên tiến độ triển khai bị kéo dài nên không được tiếp tục triển khai, trong suốt thời gian từ năm 2000 đến nay, Công ty phải chịu chi phí trả lãi mua hàng, chi phí thuê kho bãi, chi phí di dời do đổi kho... các ống cấp nước hiện nay chủ yếu được sử dụng bằng ống nhựa (trong khi đó toàn bộ lô hàng của Công ty là ống gang) nên Công ty khó có khả năng tiêu thụ, mặt khác giá ống gang nhập về lại cao hơn ống nhựa hiện nay... Do đó, về Tài chính thống nhất với ý kiến của Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (tại công văn số 4232/UBND-TM ngày 25/8/2011) trình Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép Công ty cổ phần Địa ốc Sài gòn được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu là 1% theo mức thuế suất tại thời điểm Công ty ký kết hợp đồng (không thuộc trường hợp điều chỉnh nâng thuế suất thuế nhập khẩu để thực hiện thuế hoá hàng rào phi thuế theo Điều 14 Quyết định số 242/1999/QĐ-TTg nêu trên).

Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định./.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG





Vũ Thị Mai