Công văn 13483/BTC-CST năm 2021 tăng cường miễn, giảm thay vì trì hoãn nộp một số loại thuế để hỗ trợ doanh nghiệp và kéo dài miễn, giảm nộp thuế, tiền thuê đất đến tháng 6/2022 do Bộ Tài chính ban hành
Số hiệu | 13483/BTC-CST |
Ngày ban hành | 26/11/2021 |
Ngày có hiệu lực | 26/11/2021 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Tài chính |
Người ký | Hồ Đức Phớc |
Lĩnh vực | Doanh nghiệp,Thuế - Phí - Lệ Phí |
BỘ TÀI CHÍNH |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 13483/BTC-CST |
Hà Nội, ngày 26 tháng 11 năm 2021 |
Kính gửi: Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh
Bộ Tài chính đã nhận được kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh do Ban Dân nguyện chuyển tới tại công văn số 418/BDN ngày 02/11/2021 và Văn phòng Chính phủ chuyển tới tại công văn số 8243/VPCP-QHĐP ngày 10/11/2021, nội dung kiến nghị như sau:
Nội dung kiến nghị:
Kiến nghị tăng cường miễn, giảm thay vì trì hoãn nộp một số loại thuế để hỗ trợ doanh nghiệp; nghiên cứu việc kéo dài miễn, giảm nộp thuế, tiền thuê đất đến tháng 6/2022.
Kiến nghị trình Quốc hội và Chính phủ cần phối hợp hành động nhanh và mạnh hơn nữa trong gói tài chính hỗ trợ cho doanh nghiệp (miễn, giảm và giãn các loại thuế), đặc biệt đối với các ngành bị ảnh hưởng nặng như hàng không và du lịch.
Kiến nghị Chính phủ xem xét giảm 50% thuế giá trị gia tăng đối với ngành du lịch trong thời gian 12 tháng kể từ ngày hết dịch; miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân cho toàn thể nhân viên ngành du lịch, nhà hàng, khách sạn năm 2021, năm 2022 để thu hút lực lượng lao động quay trở lại làm việc sau khi dịch kết thúc; miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp ngành du lịch, nhà hàng, khách sạn trong năm 2021, năm 2022 và giảm thuế suất giá trị gia tăng từ 10% xuống 5% ngành du lịch, nhà hàng, khách sạn trong năm 2021 và năm 2022 để ngành du lịch được mau chóng phục hồi, phát triển.
Kiến nghị cho phép các doanh nghiệp được hạch toán các khoản đóng góp từ thiện vào chi phí hợp lệ, được khấu trừ thuế, việc này sẽ khuyến khích các cá nhân và tổ chức đóng góp nhiều hơn.
Hiện nay, giữa Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội có sự khác nhau về quy định thuế suất. Nghị định số 100/2015/NĐ-CP quy định nhà ở xã hội cho thuê được ưu đãi là 3%, còn Luật Thuế giá trị gia tăng lại quy định chung nhà ở xã hội là 5%. Kiến nghị sửa đổi theo hướng hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Bộ Tài chính xin trả lời như sau:
1. Về các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
Trong năm 2020, để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân ứng phó với ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 phù hợp với bối cảnh, điều kiện của đất nước, đồng thời tiếp tục thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020 theo chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định cũng như ban hành theo thẩm quyền các chính sách thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất: Thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế (thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân) và tiền thuê đất cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19; Giảm thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác; tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025; Nâng mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân qua đó giảm nghĩa vụ thuế của cá nhân; Giảm tiền thuê đất phải nộp của năm 2020 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; Giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết ngày 31/12/2020; Giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết ngày 31/12/2020; Thực hiện miễn thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng để phục vụ việc phòng chống dịch bệnh như khẩu trang y tế, nguyên liệu để sản xuất khẩu trang, nước rửa tay sát trùng...; Giảm thuế nhập khẩu đối với một số nhóm mặt hàng nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thúc đẩy phát triển các ngành nông nghiệp, cơ khí, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ô tô...; Giảm mức thu hơn 30 khoản phí, lệ phí với mức giảm cao. Tổng giá trị hỗ trợ khoảng 129 nghìn tỷ đồng, trong đó: số tiền được gia hạn khoảng 97,5 nghìn tỷ đồng; số tiền được miễn, giảm khoảng 31,5 nghìn tỷ đồng.
Bước sang năm 2021, nhận định hoạt động của doanh nghiệp, người dân vân đang phải đối mặt với không ít thách thức, trong đó có diễn biến hết sức phức tạp của dịch Covid-19 và để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn và thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành và tiếp tục thực hiện một số giải pháp hỗ trợ: Tiếp tục thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất trong năm 2021 cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19; Tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong năm 2021; Thực hiện tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19; Tiếp tục giảm mức thu 30 loại phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 từ ngày 01/01/2021 đến hết ngày 31/12/2021. Dự kiến tổng giá trị hỗ trợ khoảng 118 nghìn tỷ đồng, trong đó: số tiền được gia hạn khoảng 115 nghìn tỷ đồng; số tiền được miễn, giảm trên 3 nghìn tỷ đồng.
Vừa qua, trước tình hình diễn biến hết sức phức tạp của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 đã và đang tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng, nặng nề tới hoạt động của doanh nghiệp, người dân, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ động bám sát tình hình thực tế để nghiên cứu, đánh giá, xây dựng một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Bộ Tài chính đã khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 27/2021/QĐ-TTg ngày 25/9/2021 giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2021 cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, qua đó giảm nghĩa vụ cho doanh nghiệp, tổ chức khoảng 700 tỷ đồng; trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 ngày 19/10/2021, trong đó quy định 04 giải pháp về miễn, giảm thuế gồm: (i) Giảm thuế TNDN phải nộp của năm 2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức có doanh thu không quá 200 tỷ đồng và doanh thu năm 2021 giảm so với năm 2019; (ii) Miễn thuế (thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác) trong quý III và quý IV của năm 2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các địa bàn cấp huyện chịu tác động của dịch Covid-19 trong năm 2021; (iii) Giảm mức thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ trong nhiều ngành nghề; (iv) Miễn tiền chậm nộp phát sinh trong các năm 2020, 2021 đối với các doanh nghiệp, tổ chức phát sinh lỗ trong năm 2020. Nghị quyết có hiệu lực ngay kể từ ngày ký (ngày 19/10/2021).
Để các giải pháp vừa được ban hành nhanh chóng đi vào cuộc sống, đến ngay với các đối tượng gặp khó khăn cần hỗ trợ, Bộ Tài chính cũng đã khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định số 92/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 nêu trên và có hiệu lực cùng với thời điểm có hiệu lực của Nghị quyết, đảm bảo bám sát và hướng dẫn cụ thể các nội dung được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ hướng dẫn thi hành để thực hiện được ngay; thống nhất, đồng bộ với pháp luật thuế và pháp luật chuyên ngành có liên quan; đơn giản, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, giảm thủ tục hành chính và phù hợp với thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người dân.
Như vậy, tính chung các giải pháp đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính thực hiện theo thẩm quyền, số tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân năm 2021 là khoảng 138 nghìn tỷ đồng, trong đó: nhóm giải pháp gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đã ban hành là hơn 118 nghìn tỷ đồng; nhóm giải pháp miễn giảm thuế, miễn tiền chậm nộp theo các nội dung của Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 và Nghị định số 92/2021/NĐ-CP cùng giải pháp giảm 30% tiền thuê đất theo Quyết định số 27/2021/QĐ-TTg nêu trên là hơn 20 nghìn tỷ đồng.
Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến và điều kiện thực tế; tổng kết, đánh giá hiệu quả các chính sách đã thực hiện; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan để tham mưu, báo cáo cấp có thẩm quyền các giải pháp phù hợp nhằm hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế trong thời gian tới.
2. Về thuế GTGT đối với nhà ở xã hội
Theo quy định của Luật Thuế GTGT thì thuế GTGT gồm 3 mức thuế suất: thuế suất 0% chỉ áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; thuế suất 5% chỉ áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và là mức thuế suất ưu đãi so với mức thuế suất phổ thông; mức thuế suất phổ thông là 10% áp dụng đối với tất cả hàng hóa, dịch vụ chịu thuế còn lại và không có quy định miễn, giảm thuế GTGT.
Tại khoản 3 Điều 1 của Luật số 31/2013/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT ngày 19/6/2013 quy định về đối tượng chịu thuế suất thuế GTGT 5% gồm có: “q) Bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội theo quy định của Luật nhà ở”.
Bộ Tài chính đề nghị thực hiện chính sách thuế GTGT theo quy định tại pháp luật về thuế GTGT hiện hành.
Trên đây là trả lời của Bộ Tài chính đối với kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh, trân trọng gửi tới Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh để trả lời cử tri./.
|
BỘ TRƯỞNG |