Công văn 1345/BNN-VPĐP năm 2018 về hướng dẫn xây dựng và triển khai kế hoạch xét, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2018-2020 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
Số hiệu | 1345/BNN-VPĐP |
Ngày ban hành | 08/02/2018 |
Ngày có hiệu lực | 08/02/2018 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Người ký | Trần Thanh Nam |
Lĩnh vực | Văn hóa - Xã hội |
BỘ
NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1345/BNN-VPĐP |
Hà Nội, ngày 08 tháng 02 năm 2018 |
Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ (tại Công văn số 521/VPCP-NN ngày 15/01/2018 của Văn phòng Chính phủ về việc ban hành nội dung trọng tâm xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, điều kiện, tiêu chí xét, công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2018-2020, định hướng chỉ đạo xây dựng tiêu chí huyện nông thôn mới kiểu mẫu), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch xét, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2018-2020 đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, cụ thể như sau:
1. Quan điểm chỉ đạo
a) Đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 và Quyết định số 342/QĐ-TTg ngày 20/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ, trước hết phải tập trung rà soát, chỉ đạo thực hiện để đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 (quy định tại Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ).
b) Các xã sau khi đã đáp ứng đầy đủ yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2018-2020, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, đảm bảo sự tăng trưởng và phát triển bền vững.
c) Trung ương ban hành nội dung định hướng nâng cao, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành tiêu chí, chỉ tiêu cụ thể để xét, công nhận, công bố xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
2. Mục tiêu và yêu cầu của kế hoạch xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2018-2020
a) Mục tiêu: Xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao nhằm đảm bảo xây dựng nông thôn mới là quá trình thường xuyên, liên tục, hướng tới mục tiêu phát triển nông thôn bền vững.
b) Yêu cầu:
- Xác định rõ nội dung công việc, giải pháp, lộ trình thực hiện và phân công trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan trong tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2018-2020.
- Phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nhu cầu của người dân.
3. Một số nội dung trọng tâm của kế hoạch xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2018-2020
a) Lĩnh vực Hạ tầng kinh tế - xã hội:
- Có hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, phù hợp với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo các yêu cầu về phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.
- Thực hiện quản lý, sử dụng, duy tu, bảo trì, nâng cấp đảm bảo hiệu quả sử dụng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội đã được đầu tư.
b) Lĩnh vực Phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân:
- Thực hiện hiệu quả quy hoạch, kế hoạch phát triển sản xuất hàng hóa chủ lực của xã gắn với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Có ít nhất 01 hợp tác xã thành lập theo Luật Hợp tác xã năm 2012 hoạt động hiệu quả và được nhân rộng; thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa đối với sản phẩm chủ lực của xã đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và gắn với định hướng phát triển dịch vụ, du lịch... của địa phương.
- Thực hiện cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp đối với cây trồng chủ lực; có mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và chế biến sản phẩm an toàn, sạch, hoặc mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ.
- Giải quyết việc làm cho lao động nông thôn thông qua các mô hình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn và tổ chức lại sản xuất.
- Đảm bảo thu nhập bình quân đầu người tại thời điểm xét, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao phải cao gấp 1,2 lần trở lên so với thu nhập bình quân đầu người của xã tại thời điểm được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm từ 0,5 lần trở xuống so với mức quy định đối với vùng (trừ các trường hợp thuộc diện bảo trợ xã hội theo quy định, hoặc do tai nạn rủi ro bất khả kháng, hoặc do bệnh hiểm nghèo).
c) Lĩnh vực Giáo dục - Y tế - Văn hóa:
- Nâng cao trình độ dân trí của người dân: đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; đạt chuẩn và duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở mức độ 3; tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo đạt từ 65% trở lên.
- Có 100% số lao động nông thôn trong độ tuổi lao động thường trú ở địa phương có khả năng tham gia lao động được tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học, công nghệ, rủi ro thiên tai, cơ chế, chính sách của Nhà nước và được cung cấp thông tin để phát triển sản xuất, kinh doanh hoặc chuyển đổi cách thức làm ăn phù hợp.
- Chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu và mức hưởng thụ các dịch vụ y tế ban đầu cho người dân được bảo đảm; thực hiện hiệu quả công tác kiểm soát các bệnh truyền nhiễm và bệnh gây dịch; không có tình trạng ngộ độc thực phẩm đông người.
- Chất lượng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao được bảo đảm, thu hút nhiều người dân tham gia; bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp văn hóa truyền thống địa phương; xây dựng cộng đồng dân cư văn minh, dân chủ, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau, thực hiện tốt các hoạt động nhân đạo từ thiện.
d) Lĩnh vực Cảnh quan - Môi trường:
- Có hệ thống cung cấp nước sinh hoạt tập trung đảm bảo cung cấp nước sạch cho 100% số hộ dân trên địa bàn toàn xã. Cảnh quan, không gian nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, giữ gìn được bản sắc văn hóa tốt đẹp của địa phương trên địa bàn toàn xã; có mô hình phân loại rác tại nguồn.