BỘ TÀI CHÍNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 12491/BTC-CST
V/v tổng hợp các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ
khó khăn đối với các doanh nghiệp bị thiệt hại
|
Hà Nội, ngày 06
tháng 09 năm 2014
|
Kính gửi:
|
- Ủy ban
nhân dân các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Hà
Tĩnh,
- Cục Thuế, cục Hải quan các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Hà Tĩnh;
- Sở Tài chính, Kho bạc nhà nước các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Hà Tĩnh.
|
Nhằm giúp đỡ, hỗ trợ các doanh nghiệp khắc phục thiệt
hại, sớm trở lại sản xuất kinh doanh, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo tại các văn bản của Văn phòng
Chính phủ:
- Thông báo số 207/TB-VPCP ngày 20/5/2014;
- Công văn số
3758/VPCP-KTTH ngày 26/5/2014;
- Công văn số 1202/VPCP-QHQT ngày 7/7/2014;
- Công văn số 1320/VPCP-KTTH ngày 24/7/2014;
- Công văn số 6003/VPCP-KTTH ngày 6/8/2014;
- Thông báo số 300/TB-VPCP
ngày 30/7/2014;
- Thông báo số 327/TB-VPCP ngày 14/8/2014.
Bộ Tài chính đã có một số công văn hướng dẫn các giải
pháp hỗ trợ doanh nghiệp bị thiệt hại bao gồm:
+ Công văn số 6642/BTC-CST ngày 21/5/2014 về việc
hướng dẫn các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bị tổn thất;
+ Cong văn số 7175/BTC-CST ngày 30/5/2014 về việc
hướng dẫn một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục thiệt hại;
+ Công văn số 8306/BTC-TCHQ ngày 23/6/2014 về việc
trả lời vướng mắc của hải quan Bình Dương;
+ Công văn số 8695/BTC-TCHQ ngày 30/6/2014 về việc
hỗ trợ doanh nghiệp bị thiệt hại tại Bình Dương;
+ Công văn số 478/BTC-CST ngày 29/7/2014 về việc giải
quyết các kiến nghị của phía Đài Loan đối với doanh nghiệp bị thiệt hại;
+ Công văn số 495/BTC-CST ngày 4/8/2014 về việc hỗ
trợ doanh nghiệp bị thiệt hại;
+ Công văn số 502/BTC-CST ngày 7/8/2014 về việc xử
lý kiến nghị của văn phòng KT-VH Đài Bắc.
Nhằm tạo thuận lợi trong việc thực hiện các giải
pháp hỗ trợ đối với các doanh nghiệp bị thiệt hại, tổn thất mà Bộ Tài chính đã
hướng dẫn tại các công văn nêu trên và đồng thời bổ sung thêm nội dung hướng dẫn
mới theo thông báo số 300/TB-VPCP ngày 30/7/2014 và thông báo số 327/TB-VPCP
ngày 14/8/2014 của Văn phòng Chính phủ về kết
luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng
Trung Hải về việc đánh giá kết quả triển khai hỗ trợ các doanh nghiệp FDI và
các giải pháp tiếp theo, Bộ Tài chính tổng hợp chung các giải pháp hỗ trợ doanh
nghiệp bị thiệt hại, tổn thất như sau:
I. Giải pháp hỗ trợ về chính sách thuế và quản
lý thuế đối với các doanh nghiệp bị thiệt hại
1. Giải pháp hỗ trợ về thuế xuất khẩu, thuế nhập
khẩu
a) Đối với
hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bị thiệt hại:
Miễn, giảm, hoàn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bị thiệt hại (theo
chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông
báo 207/TB-VPCP và Bộ Tài chính đã hướng dẫn tại công văn số 6642/BTC-CST ngày
21/5/2014):
- Số thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu được miễn, giảm
tương ứng số thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bị thiệt hại. Trường hợp doanh nghiệp đã
nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với hàng hóa
bị thiệt hại thì được hoàn tiền thuế đã nộp của hàng hóa bị thiệt hại.
- Hàng hóa bị
thiệt hại bao gồm cả máy móc, thiết bị, nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu
bị thiệt hại (nội dung đã được hướng dẫn tại công văn số 478/BTC-CST ngày
29/7/2014)
- Hồ sơ miễn, giảm và hoàn thuế thuế xuất khẩu, thuế
nhập khẩu gồm có:
+ Công văn đề nghị miễn, giảm và hoàn thuế nhập khẩu
cho hàng hóa nhập khẩu bị thiệt hại, trong đó nêu rõ giá trị hàng hóa bị thiệt hại và số tiền thuế đề nghị được
miễn, giảm và hoàn.
+ Biên bản kiểm kê, đánh giá giá trị vật chất thiệt
hại do doanh nghiệp hoặc người đại diện hợp
pháp của doanh nghiệp lập có xác nhận của Bộ phận đầu mối tiếp nhận (bản chụp).
Trường hợp chưa có Biên bản kiểm kê xác nhận giá trị thiệt hại thì căn cứ vào
cam kết của doanh nghiệp về giá trị thiệt hại để xác định số thuế được gia hạn.
+ Hồ sơ hải quan theo quy
định tại Điều 12 Thông tư số 128/2013/TT-BTC ngày
10/9/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải
quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (Thông tư số
128/2013/TT-BTC): 01 bản chụp.
Trường hợp hồ sơ chứng từ, sổ sách kế toán...bị cháy, thất lạc thì sử dụng hồ sơ lưu tại cơ quan hải quan hoặc dựa trên cam kết của
doanh nghiệp để làm cơ sở xét miễn, giảm
thuế cho doanh nghiệp.
- Thẩm quyền miễn, giảm thuế: Cục trưởng Cục Hải
quan tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa thực hiện miễn, giảm
thuế nhập khẩu. Trường hợp nơi doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa khác nơi xảy ra
tổn thất thì cơ quan hải quan nơi xảy ra tổn thất có trách nhiệm phối hợp với cơ
quan hải quan nơi nhập khẩu để thực hiện miễn, giảm thuế nhập khẩu.
Sau khi ra quyết định miễn thuế cơ quan hải quan thực
hiện hoàn thuế nhập khẩu đã nộp cho doanh nghiệp tương ứng với số thuế nhập khẩu
được miễn hoặc thực hiện bù trừ tiền thuế theo yêu cầu của doanh nghiệp.
b) Đối với hàng hóa
nhập khẩu để sửa chữa, thay thế:
b.1) Miễn thuế nhập khẩu, không thu thuế giá trị
gia tăng (GTGT) hàng hóa nhập khẩu để sửa chữa, thay thế cho máy móc, thiết bị,
linh kiện bị hư hại, tổn thất (theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 3758/VPCP-KTTH và Bộ Tài chính đã
hướng dẫn tại công văn số 7175/BTC-CST
ngày 30/5/2014).
- Về lập và đăng ký Danh mục hàng hóa miễn thuế nhập khẩu, không thu thuế GTGT
hàng nhập khẩu: Cục Hải quan tỉnh, thành phố
nơi doanh nghiệp bị thiệt hại đóng trụ sở hướng dẫn doanh nghiệp bị thiệt hại
căn cứ Biên bản kiểm kê, đánh giá giá trị vật chất
thiệt hại do doanh nghiệp lập và đăng ký Danh mục hàng hóa được miễn thuế nhập khẩu, không thu thuế GTGT hàng nhập khẩu
để phục vụ sửa chữa, thay thế máy móc, thiết bị, linh kiện bị thiệt hại, tổn thất
kèm theo Phiếu theo dõi trừ lùi. Trường hợp
chưa có Biên bản kiểm kê xác nhận giá trị thiệt hại thì căn cứ vào cam kết của
doanh nghiệp để thực hiện việc lập và đăng ký Danh mục.
- Thời điểm đăng ký
Danh mục: Trước khi đăng ký tờ khai nhập khẩu đầu tiên của hàng hóa nhập khẩu để sửa chữa, thay thế máy móc,
thiết bị, linh kiện bị thiệt hại, tổn thất thuộc Danh mục.
- Hồ sơ miễn thuế nhập khẩu, không thu thuế GTGT
hàng nhập khẩu trong trường hợp này gồm có:
+ Danh mục hàng hóa
được miễn thuế nhập khẩu phục vụ thay thế máy móc, thiết bị, linh kiện bị thiệt
hại, tổn thất kèm theo Phiếu theo dõi đăng ký trừ lùi đã được đăng ký với cơ
quan Hải quan.
+ Các hồ sơ thủ tục khác theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 12 Thông tư số
128/2013/TT-BTC.
- Thẩm quyền miễn thuế nhập khẩu, không thu thuế
GTGT hàng nhập khẩu: Cơ quan Hải quan nơi doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa thực hiện miễn thuế nhập khẩu, không thu
thuế GTGT hàng nhập khẩu thuộc Danh mục
đã đăng ký. Trường hợp nơi doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa khác nơi xảy ra tổn thất thì cơ quan hải quan nơi xảy ra tổn
thất có trách nhiệm phối hợp với cơ quan hải quan nơi nhập khẩu để thực hiện việc
miễn thuế nhập khẩu, không thu thuế GTGT hàng nhập khẩu.
- Không khống chế về trị giá máy móc nhưng máy móc,
thiết bị nhập khẩu để sửa chữa, thay thế phải có số
lượng, công suất, chủng loại phù hợp với số máy móc, thiết bị thiệt hại và phù hợp với lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp
đã được ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (nội dung đã được hướng
dẫn tại công văn số 8306/BTC-TCHQ ngày 23/6/2014)
b.2) Miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên vật liệu, linh kiện, phụ tùng, bán thành
phẩm để thay thế cho số lượng nguyên vật liệu, linh kiện, phụ tùng, bán thành
phẩm bị mất hoặc hư hỏng thiệt hại (bổ sung hướng dẫn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 327/TB-VPCP ngày 14/8/2014).
- Hồ sơ, thủ tục miễn thuế nhập khẩu thực hiện
tương tự như nội dung hướng dẫn về hồ sơ, thủ tục miễn thuế nhập khẩu đối với
hàng hóa nhập khẩu để sửa chữa, thay thế cho máy móc, thiết bị, linh kiện bị hư
hại, tổn thất nêu tại điểm b.1 khoản b công văn này.
- Nguyên tắc thực hiện miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nêu tại điểm b.2 khoản
này: Tổng trị giá của hàng hóa nhập khẩu để thay thế nhỏ hơn hoặc bằng tổng giá
trị hàng hóa là nguyên vật liệu, linh kiện,
phụ tùng, bán thành phẩm bị thiệt hại của Doanh nghiệp.
- Giao Cục trưởng Cục Hải quan làm việc với từng
doanh nghiệp bị thiệt hại, chưa khôi phục sản xuất sau ngày 01/7/2014 để xác định
và thực hiện miễn thuế nhập khẩu đối với
nguyên vật liệu, linh kiện, phụ tùng, bán thành phẩm để thay thế cho số lượng
nguyên vật liệu, linh kiện, phụ tùng, bán thành phẩm bị mất hoặc hư hỏng thiệt
hại. Đồng thời gửi báo cáo về Bộ Tài chính về số lượng, chủng loại, tên cụ thể
nguyên vật liệu, linh kiện, phụ tùng, bán thành phẩm đã miễn thuế nhập khẩu, số
thuế nhập khẩu đã thực hiện miễn của từng doanh nghiệp (nội dung này thay thế
cho nội dung đã hướng dẫn tại công văn số 502/BTC-CST ngày 7/8/2014).
c) Miễn thuế nhập khẩu đối với thành phẩm hoặc bán
thành phẩm nhập khẩu để bán vào thị trường Việt Nam (nội dung đã được hướng
dẫn tại công văn số 478/BTC-CST ngày 29/7/2014)
- Các doanh nghiệp bị thiệt hại nặng, chưa khôi phục
sản xuất sau ngày 01/7/2014 và có kinh doanh tiêu thụ nội địa, được miễn thuế
nhập khẩu đối với thành phẩm hoặc bán thành phẩm để bán vào trường Việt Nam với
một khối lượng hàng hóa hợp lý, cần thiết
kể từ ngày bị thiệt hại đến hết ngày 31/12/2014.
- Giao Cục trưởng Cục Hải quan làm việc với từng
doanh nghiệp thuộc đối tượng nêu trên căn
cứ mức độ thiệt hại, các khoản hỗ trợ
doanh nghiệp đã và sẽ nhận được hỗ trợ để xác định thêm mức hỗ trợ từ giải pháp
này, báo cáo Bộ Tài chính về số lượng, chủng loại, tên cụ thể thành phẩm hoặc
bán thành phẩm cần thiết nhập khẩu, mức thuế nhập khẩu được xem xét miễn trong khoảng
thời gian từ ngày 01/7/2014 đến ngày 31/12/2014 của Bộ Tài chính để báo cáo Thủ
tướng Chính phủ xem xét, quyết định miễn thuế nhập khẩu.
2. Giải pháp hỗ trợ về thuế giá trị gia tăng
(GTGT)
a) Khấu trừ, hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào của
hàng hóa, dịch vụ bị thiệt hại (nội
dung đã được hướng dẫn tại công văn số
6642/BTC-CST):
Thực hiện việc khấu trừ hoặc hoàn thuế GTGT đầu vào
của hàng hóa, dịch vụ bị thiệt hại mà không được bồi thường bảo hiểm. Trường hợp
doanh nghiệp không còn chứng từ, hóa đơn, cơ quan thuế thực hiện sử dụng chứng
từ, tờ khai có liên quan lưu giữ ở cơ quan thuế để giải quyết cho doanh nghiệp.
- Đối với trường hợp hóa đơn, chứng từ doanh nghiệp
đã kê khai, gửi cơ quan thuế: Cơ quan thuế căn cứ trên tờ khai thuế GTGT (kèm Bảng
kê hóa đơn hàng hóa, dịch vụ mua vào) để giải quyết khấu trừ, hoàn thuế GTGT
cho doanh nghiệp theo quy định.
- Đối với trường hợp hóa đơn, chứng từ mua vào chưa
kê khai nhưng bị mất, cháy, hỏng:
+ Doanh nghiệp lập bảng kê những đơn vị (bên bán) cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho
doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp chưa kê khai khấu trừ đầu vào mà bị mất, cháy,
hỏng hóa đơn. Doanh nghiệp cam kết về tính chính xác của các thông tin tại bảng
kê.
+ Cơ quan thuế hỗ trợ doanh nghiệp đề nghị các đơn
vị bán hàng (trong nước) cung cấp bản chụp
các hóa đơn này gửi doanh nghiệp để doanh
nghiệp kê khai, khấu trừ. Đối với chứng từ nộp thuế ở khâu nhập khẩu bị mất,
cháy, hỏng, doanh nghiệp đề nghị cơ quan Hải quan cung cấp bản chụp hoặc xác nhận
số thuế đã nộp làm căn cứ kê khai, khấu trừ.
+ Cơ quan thuế quản lý trực tiếp liên hệ với cơ
quan thuế quản lý bên bán để xác định nếu bên bán đã kê khai đầu ra đối với những
hóa đơn này thì doanh nghiệp được kê khai đầu vào tương ứng để khấu trừ, hoàn
thuế theo quy định.
b) Hàng hóa
nhập khẩu là thành phẩm, bán thành phẩm nhập khẩu để kinh doanh của các doanh
nghiệp bị thiệt hại thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng theo quy định hiện
hành (nội dung đã được hướng dẫn tại công văn số 478/BTC-CST);
c) Nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm, thành phẩm
cần thiết nhập khẩu để thay thế nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm, thành phẩm
bị thiệt hại (bị trộm, cướp, đốt cháy hoàn toàn) thực hiện theo quy định của Luật
thuế giá trị gia tăng và các văn bản hướng dẫn thi hành (nội dung đã được hướng
dẫn tại công văn số 502/BTC-CST ngày 7/8/2014).
3. Giải pháp hỗ trợ về thuế thu nhập doanh
nghiệp (TNDN)
a) Nội dung đã hướng dẫn tại công văn số
6642/BTC-CST: Doanh nghiệp được kê khai vào chi phí được trừ khi xác định thu
nhập tính thuế TNDN đối với phần giá trị
thiệt hại không được bồi thường hoặc không thuộc phạm vi bồi thường và phần trả
lãi vay góp vốn điều lệ cho việc khắc phục hậu quả thiệt hại. Đối với phần chi
phí thiệt hại không được bồi thường hoặc không thuộc phạm vi bồi thường, thực
hiện cụ thể như sau:
- Căn cứ trên giá trị thiệt hại do đơn vị bảo hiểm
xác nhận (hoặc Bộ phận đầu mối trong trường hợp không có bảo hiểm) sau khi trừ
đi phần được bảo hiểm bồi thường (nếu có) và giá trị thu hồi (nếu có), doanh
nghiệp tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập tính thuế TNDN. Riêng đối
với tài sản cố định (TSCĐ) bị hư hỏng, đã được sửa chữa để sử dụng tiếp thì chi phí doanh nghiệp chi ra để
sửa chữa TSCĐ được phản ánh tăng nguyên giá của TSCĐ đó để trích khấu hao
(không tính vào chi phí được trừ).
- Hồ sơ xác định giá trị thiệt hại bao gồm:
+ Biên bản kiểm kê, đánh giá giá trị vật chất thiệt
hại do doanh nghiệp hoặc người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp lập có xác nhận
của Bộ phận đầu mối tiếp nhận (bản chụp). Trường hợp chưa có Biên bản kiểm kê
xác nhận giá trị thiệt hại thì căn cứ vào cam kết của doanh nghiệp.
+ Hồ sơ bồi thường thiệt hại được cơ quan bảo hiểm
chấp nhận bồi thường (nếu có).
+ Hồ sơ quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân
phải bồi thường (nếu có).
b) Nội dung đã hướng dẫn tại công văn số 7175/BTC-CST: Doanh nghiệp bị thiệt hại, tổn
thất được kê khai vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập tính thuế TNDN đối
với phần chi trả tiền lương, tiền công cho người lao động phải nghỉ việc trong
các trường hợp sau:
- Trường hợp doanh nghiệp đã trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh trước ngày 25/5/2014 mà có
chi trả tiền lương, tiền công cho người lao động trong thời gian phải nghỉ việc
từ ngày 12/5/2014 đến khi trở lại làm việc, doanh nghiệp được tính vào chi phí
được trừ khi xác định thu nhập tính thuế TNDN đối với phần chi trả tiền lương,
tiền công nêu trên.
- Trường hợp doanh nghiệp bị thiệt hại trở lại hoạt
động sản xuất kinh doanh trong tháng 6/2014 mà người lao động của doanh nghiệp
đã được ngân sách ứng trước tiền lương, tiền công của tháng 4/2014 và những
ngày đầu tháng 5/2014: doanh nghiệp thực hiện trả lại ngân sách số tiền ứng trước
nêu trên và hạch toán số tiền này vào chi
phí được trừ khi xác định thu nhập tính thuế TNDN.
c) Về việc hỗ trợ tiền lương trả cho người lao động
trong thời gian nghỉ việc (theo chỉ đạo
của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại Thông báo số
300/TB-VPCP)
Tiền lương trả cho người lao động trong thời gian
nghỉ việc của các doanh nghiệp bị thiệt hại được hỗ trợ tối đa 70% tiền lương.
Việc hạch toán nộp khoản thuế thu nhập doanh nghiệp vào ngân sách nhà nước và
thực hiện sử dụng dự phòng ngân sách hạch toán khoản hỗ trợ này được thực hiện
như sau:
- Doanh nghiệp thực hiện chi trả lương cho người
lao động trong thời gian ngừng hoạt động theo đúng quy định, có chứng từ hợp lệ.
- Căn cứ chứng từ chi trả tiền lương cho người lao
động trong khoảng thời gian các doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động do sự cố tháng
5/2014, cơ quan thuế kiểm tra (với chức năng kiểm tra chi phí hợp lý trước khi
tính thuế thu nhập doanh nghiệp), đồng thời
có văn bản thông báo xác nhận số tiền doanh nghiệp đã chi trả tiền lương cho
công nhân trong thời gian có sự cố và nêu rõ phần 70% được hỗ trợ, gửi doanh
nghiệp, Kho bạc nhà nước nơi doanh nghiệp nộp thuế và cơ quan tài chính đồng cấp.
Việc thực hiện ghi thu, ghi chi như sau:
Trong kỳ có phát sinh thuế thu nhập doanh nghiệp,
Kho bạc nhà nước nơi doanh nghiệp nộp thuế căn cứ văn bản cơ quan thuế, hạch
toán: thu thuế thu nhập doanh nghiệp, hạch toán Tiểu mục 1052, Chương tương ứng
của doanh nghiệp, điều tiết các cấp theo
quy định; đồng thời hạch toán chi khác ngân sách nhà nước, chi tiết từng cấp ngân sách tương ứng số tiền
ngân sách từng cấp được hưởng, hạch toán vào Tiểu mục 7758 - chi hỗ trợ khác;
Chương các quan hệ khác của cấp ngân sách tương ứng; Khoản 369- Quan hệ tài
chính khác.
Trường hợp thuế thu nhập doanh nghiệp có phát sinh
nhưng nhỏ hơn số 70% được hỗ trợ, thì thực hiện ghi thu, ghi chi tương ứng số
thuế thu nhập doanh nghiệp phát sinh, phần chênh lệch chuyển sang thực hiện kỳ
sau.
4. Giải pháp hỗ trợ về thuế tiêu thụ đặc biệt
Giảm thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) của hàng hóa bị thiệt hại (đã được hướng dẫn tại công
văn số 6642/BTC-CST): Thực hiện giảm 30% số thuế TTĐB phải nộp trong năm
2014 nhưng không vượt quá giá trị tài sản bị thiệt hại sau khi được bồi thường.
- Số thuế TTĐB phải nộp của năm 2014 để làm căn cứ
xác định số thuế được giảm là số thuế TTĐB của hàng hóa chịu thuế TTĐB bị thiệt
hại đã kê khai thuế TTĐB.
- Hồ sơ đề nghị giảm thuế thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 46 Thông tư số
156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ
Tài chính. Biên bản xác định mức độ, giá trị thiệt hại do đơn vị bảo hiểm xác
nhận (hoặc Bộ phận đầu mối trong trường hợp
không có bảo hiểm). Trường hợp chưa có Biên bản xác nhận thiệt hại thì căn cứ
cam kết của doanh nghiệp để thực hiện việc giảm thuế TTĐB và thực hiện hậu kiểm
sau khi có Biên bản xác nhận thiệt hại.
5. Giải pháp hỗ trợ về miễn, giảm tiền thuê đất,
thuê hạ tầng
a) Về miễn, giảm tiền thuê đất, thuê hạ tầng đối với doanh nghiệp bị thiệt hại (nội dung
đã được hướng dẫn tại công văn số 6642/BTC-CST)
Trên cơ sở Biên bản xác nhận thiệt hại, Cục Thuế phối
hợp với cơ quan chức năng tại địa phương
tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành
phố trực thuộc trung ương quyết định việc miễn, giảm tiền thuê đất đối với doanh nghiệp bị thiệt hại.
Trường hợp
doanh nghiệp bị thiệt hại thuê hạ tầng gắn với quyền sử dụng đất thì Cục Thuế
làm việc với công ty kinh doanh hạ tầng, doanh nghiệp bị thiệt hại để xác định
số tiền thuế hạ tầng mà doanh nghiệp bị thiệt hại phải trả cho công ty kinh
doanh hạ tầng; số tiền thuê đất được miễn, giảm của công ty kinh doanh hạ tầng
tương ứng với số tiền thuê hạ tầng mà doanh nghiệp bị thiệt hại được miễn, giảm.
Công ty kinh doanh hạ tầng có trách nhiệm khấu trừ
số tiền thuê hạ tầng của doanh nghiệp bị thiệt hại tương ứng với số tiền thuê đất được miễn, giảm.
b) Về miễn, giảm tiền thuê đất, thuê hạ tầng đối với
doanh nghiệp bị thiệt hại (nội dung đã được hướng dẫn tại công văn số
7175/BTC-CST)
- Đối với doanh nghiệp bị thiệt hại nói chung và
công ty kinh doanh hạ tầng bị thiệt hại, căn cứ mức độ thiệt hại của doanh nghiệp,
Cục Thuế báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh,
thành phố thực hiện miễn, giảm tiền thuê đất, tiền thuê hạ tầng theo hướng dẫn
tại điểm a khoản này.
- Công ty kinh doanh hạ tầng miễn, giảm phí sử dụng
hạ tầng cho doanh nghiệp bị thiệt hại và chi phí này doanh nghiệp được trừ vào
tiền thuê đất và không bị loại trừ khi xác định thu nhập tính thuế TNDN.
- Cục Thuế tỉnh,
thành phố nơi có doanh nghiệp bị thiệt hại phối hợp với Sở Tài chính và các cơ
quan liên quan thực hiện rà soát các trường hợp doanh nghiệp bị thiệt hại nặng,
phải ngừng sản xuất kinh doanh để đầu tư khôi phục hoạt động trở lại, bao gồm cả
trường hợp doanh nghiệp phải thuê đất, thuê cơ sở vật chất ở địa điểm mới để đầu
tư khôi phục sản xuất; trên cơ sở mức độ thiệt
hại của từng doanh nghiệp và mức độ hỗ trợ theo các giải pháp về thuế tại công
văn số 6642/BTC-CST của Bộ Tài chính báo cáo với Ủy
ban nhân dân tỉnh, thành phố quyết định việc miễn tiền thuê đất cho
doanh nghiệp kể từ năm 2014. Trường hợp
sau khi thực hiện việc miễn tiền thuê đất trên mà doanh nghiệp vẫn còn khó khăn
thì tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh
trên cơ sở cân đối nguồn của ngân sách địa
phương để quyết định việc hỗ trợ bằng phương pháp ngân sách hoàn trả tiền thuê
đất mà doanh nghiệp đã nộp trước khi phải ngừng sản xuất kinh doanh. Tổng số miễn,
hoàn và các giải pháp khác không quá số tiền doanh nghiệp bị thiệt hại.
II. Giải pháp hỗ trợ
về quản lý thuế
1. Về gia hạn thời hạn nộp hồ sơ khai thuế,
gia hạn thời hạn nộp thuế và các khoản phải nộp NSNN của doanh nghiệp bị thiệt
hại (nội dung đã được hướng dẫn tại công văn số 6642/BTC-CST)
a) Về số thuế được gia hạn nộp thuế:
- Số thuế được
gia hạn: là toàn bộ số tiền thuế phát
sinh đến thời điểm 30/4/2014 chưa nộp ngân sách của doanh nghiệp liên quan đến
cơ sở bị thiệt hại nhưng không vượt quá
giá trị thiệt hại. Trường hợp chưa xác định được giá trị thiệt hại thì căn cứ
vào cam kết của doanh nghiệp để thực hiện
việc gia hạn nộp thuế.
- Thời gian gia hạn nộp thuế là hai năm kể từ ngày hết
thời hạn nộp thuế. Trong thời gian được gia hạn nộp thuế không tính tiền chậm nộp
tiền thuế đối với số tiền thuế được gia hạn.
b) Hồ sơ đề nghị gia hạn gồm có:
- Văn bản đề nghị gia hạn nộp thuế của doanh nghiệp;
- Biên bản kiểm kê, đánh giá giá trị vật chất thiệt
hại do doanh nghiệp hoặc người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp lập có xác nhận
của Bộ phận đầu mối (bản chụp). Trường hợp chưa có Biên bản kiểm kê xác nhận
giá trị thiệt hại thì căn cứ vào cam kết của doanh nghiệp về giá trị thiệt hại
để xác định số thuế được gia hạn.
c) Về thời gian nộp hồ sơ gia hạn nộp hồ sơ khai
thuế, khai hải quan:
- Đối với các hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế
tháng 4/2014 thực hiện gia hạn thời hạn nộp hồ sơ đến hết ngày 20/6/2014.
Căn cứ danh sách các doanh nghiệp bị thiệt hại do Bộ
phận đầu mối tiếp nhận cung cấp, cơ quan thuế xác định các doanh nghiệp thuộc đối
tượng được gia hạn nộp hồ sơ khai thuế và thông báo cho doanh nghiệp, không yêu
cầu doanh nghiệp phải làm văn bản đề nghị.
- Thực hiện gia hạn thời hạn nộp hồ sơ thanh khoản
đối với hợp đồng gia công, hồ sơ không thu thuế hàng sản xuất xuất khẩu, tạm nhập
- tái xuất đã đến hạn thanh khoản của các doanh nghiệp bị thiệt hại. Cục trưởng
Cục Hải quan căn cứ thực tế từng trường hợp quyết định thời gian gia hạn nộp hồ
sơ thanh khoản 90 ngày kể từ ngày đến thời hạn thanh khoản.
d) Thẩm quyền gia hạn nộp thuế: Thủ trưởng cơ quan thuế quản lý trực tiếp người
nộp thuế ban hành quyết định gia hạn nộp thuế.
Thời hạn giải quyết: Chậm nhất không quá 2 ngày làm
việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị của doanh nghiệp bị thiệt hại, cơ quan
thuế quản lý trực tiếp ban hành Quyết định về việc gia hạn nộp thuế theo mẫu số
02/GHAN ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ
Tài chính.
2. Về thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (nội dung đã được hướng dẫn tại
công văn số 6642/BTC-CST)
Cơ quan Hải quan thực hiện việc thông quan đối với
các lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp bị thiệt hại đang có nợ thuế.
Trường hợp chưa có Biên bản xác nhận thiệt
hại thì căn cứ cam kết của doanh nghiệp để cho thông quan.
III. Xử lý đối với một số kiến nghị cụ thể khác
(nội dung đã được hướng dẫn tại công văn số
478/BTC-CST)
1. Về kiến nghị: Doanh nghiệp bị thiệt
hại phải đầu tư lại từ đầu, đề nghị coi như đầu tư mới để cho hưởng ưu đãi như
đầu tư lần đầu.
Bộ Tài chính có ý kiến như sau: Đối với dự án của
doanh nghiệp bị thiệt hại nặng phải đầu tư lại mà đủ điều kiện hưởng ưu đãi về
thuế thu nhập doanh nghiệp, Cục Thuế có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản
lý nhà nước có liên quan hướng dẫn doanh nghiệp có văn bản gửi cơ quan có thẩm
quyền xem xét cấp Giấy chứng nhận đầu tư mới đối với những dự án phải đầu tư lại
để làm căn cứ thực hiện chính sách ưu đãi về thuế theo quy định.
2. Về kiến nghị: Xác định giá trị
thiệt hại thực hiện theo nguyên tắc: (i) Việc giám định giá trị bị tổn thất căn
cứ vào chi phí tái thiết cộng với tổn thất
kinh doanh (tổn thất về thị trường, vi phạm hợp đồng,... do phải ngừng hoạt động)
theo nguyên tắc "khôi phục nguyên trạng" trong bồi thường của quốc tế.
(ii) Căn cứ vào giá trị máy móc thiết bị trước khi bị tổn thất chứ không chỉ dựa
vào giá trị tài sản bị tổn thất.
Bộ Tài chính có ý kiến như sau:
- Về nguyên tắc xác định giá trị thiệt hại, bao
gồm cả tổn thất vô hình (tổn thất về thị trường, vi phạm hợp đồng,...): Thực
tế, thiệt hại của doanh nghiệp là đa dạng, có nhiều loại thiệt hại khác nhau
(như thiệt hại về hồ sơ, thiệt hại về máy móc, thiết bị cháy, hư hỏng hoặc bị tổn
thất, thiệt hại về nhà xưởng,...). Cách xác định thiệt hại cũng khác nhau theo mục
đích như để xác định trách nhiệm bồi thường bảo hiểm, để áp dụng các giải pháp
hỗ trợ... Giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ cho doanh nghiệp bị thiệt hại cần theo
nguyên tắc doanh nghiệp và Nhà nước cùng chia sẻ vì đây là rủi ro không mong muốn.
Mặt khác có những thiệt hại vô hình không thể xác định được (thiệt hại mất cơ hội
kinh doanh, mất hợp đồng...). Theo đó, việc xác định giá trị thiệt hại rất khó
thực hiện theo nguyên tắc “khôi phục nguyên trạng” mà phải xác định theo giá trị
còn lại tại thời điểm bị thiệt hại và giá trị thực tế nguyên liệu, thành phẩm,
bán thành phẩm bị thiệt hại.
- Về xác định tổn thất căn cứ vào giá trị máy
móc thiết bị trước khi bị tổn thất chứ không chỉ dựa vào giá trị tài sản bị tổn
thất: Doanh nghiệp được nhập khẩu hoặc mua trong nước máy móc, thiết bị để
khôi phục sản xuất tương đương công suất trước khi bị thiệt hại, không căn cứ
vào giá trị còn lại của máy móc thiết bị để xác định thiệt hại nhằm xác định
giá trị tài sản cố định mua thay thế.
3. Về kiến nghị: Lao động nước
ngoài tại các doanh nghiệp bị thiệt hại phải về nước: chi phí phát sinh liên
quan (y tế, vé máy bay,...) do phía Việt Nam chi trả theo chứng từ, hóa đơn hoặc
khấu trừ tổn thất thiệt hại vào thuế thu nhập cá nhân.
Bộ Tài chính có ý kiến như sau: Đối với các chi phí về giao thông, ăn ở, vé máy
bay,... của người lao động nước ngoài phải đi lại trong nước, phải tự túc khi điều
trị y tế, hoặc phải về nước ngày 12, 13, 14/5/2014 doanh nghiệp chi cho người
lao động, khoản chi này được trừ vào thu nhập chịu thuế khi xác định thuế thu
nhập doanh nghiệp; đối với cá nhân người
lao động không xác định các khoản này là thu nhập cá nhân khi xác định thuế thu
nhập cá nhân. Ngoài ra, đề nghị Ủy ban
nhân dân tỉnh chỉ đạo Cục Thuế, phối hợp các cơ quan liên quan làm việc với từng
doanh nghiệp bị thiệt hại nặng, xác định cụ thể những khoản doanh nghiệp đã thực
chi, phải chi để hỗ trợ y tế đối với lao động, hỗ trợ người lao động đi lại
trong nước trong những ngày 12, 13, 14/5/2014 khi sự việc xảy ra đối với doanh
nghiệp để báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh
chi ngân sách tỉnh hỗ trợ theo quy định.
4. Về kiến nghị: Cho phép tiền
lương cho người lao động trong thời gian nghỉ việc thì được trừ trực tiếp vào
thuế thu nhập doanh nghiệp. Hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị thiệt hại bằng cách
miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân.
- Bộ Tài chính đề nghị Cục Thuế hướng dẫn doanh
nghiệp thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo kết luận
của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 207/TB-VPCP ngày 20/5/2014 của Văn
phòng Chính phủ và thực hiện nộp ngân sách nhà nước sau khi hết thời gian được
gia hạn. Đồng thời Cục Thuế phối hợp với cơ quan liên quan làm việc với từng
doanh nghiệp bị thiệt hại nặng, đến ngày 01/7/2014 chưa khôi phục được sản xuất
kinh doanh xác định số tiền lương phải trả cho người lao động trong thời gian
ngừng sản xuất (mà không được cơ quan bảo
hiểm chi trả) báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Tài chính, đồng thời báo cáo về
mức thiệt hại, số các khoản hỗ trợ doanh nghiệp được nhận, các khoản đền bù bảo
hiểm... để Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
- Bộ Tài chính đề nghị Cục Thuế triển khai thực hiện
nội dung này và báo cáo Bộ Tài chính trước ngày 15/8/2014 để báo cáo Thủ tướng
Chính phủ xem xét quyết định theo ý kiến
chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại công văn số 1320/VPCP-QHQT (nội
dung đã được hướng dẫn tại công văn số
495/BTC-CST).
5. Về kiến nghị: Với doanh nghiệp
mà nhà xưởng bị đốt cháy phải đi thuê địa điểm, đề nghị nhà nước Việt Nam chi
trả các chi phí thuê nhà xưởng, kho hàng để khôi phục sản xuất hoặc trừ vào thuế
thu nhập doanh nghiệp.
Bộ Tài chính đề nghị Cục Thuế hướng dẫn doanh nghiệp
thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số
207/TB-VPCP ngày 20/5/2014 của Văn phòng Chính phủ và thực hiện nộp ngân sách
nhà nước sau khi hết thời gian được gia hạn. Đồng thời Cục Thuế phối hợp với cơ
quan liên quan làm việc với từng doanh nghiệp bị thiệt hại nặng, đến ngày
01/7/2014 chưa khôi phục được sản xuất kinh doanh xác định chi phí thuê nhà xưởng,
kho hàng để khôi phục sản xuất, báo cáo Ủy ban
nhân dân tỉnh, Bộ Tài chính, đồng thời báo cáo về mức thiệt hại, số các khoản hỗ
trợ doanh nghiệp được nhận, các khoản đền bù bảo hiểm... để Bộ Tài chính báo
cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
6. Về kiến nghị: cho phép các
doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại nặng, thiệt hại lớn được nhập khẩu
máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất đã qua sử dụng còn lại từ 90% đến 95% có xuất
xứ từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Nội dung đã được hướng dẫn tại công văn số
8695/BTC-TCHQ ngày 30/6/2014)
Bộ Tài chính có ý kiến như sau: Đối với máy móc,
thiết bị phục vụ sản xuất đã qua sử dụng giá trị còn lại từ 90% đến 95% có xuất
xứ từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan không thuộc diện điều chỉnh của Thông báo số
2527/TB-BKHCN ngày 6/9/2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ, các doanh nghiệp thực
hiện thủ tục hải quan nhập khẩu như đối với hàng hóa
thông thường, không cần có văn bản xác nhận của Bộ Khoa học và công nghệ (nội
dung đã được hướng dẫn tại công văn số 8695/BTC-TCHQ).
7. Về kiến nghị: Đề nghị hỗ trợ
doanh nghiệp bị thiệt hại làm thủ tục xuất nhập khẩu theo công văn số
1365/HQBD-VP ngày 6/6/2014 (nội dung đã được hướng dẫn tại công văn số
8306/BTC-TCHQ ngày 23/6/2014).
a) Về việc kiến nghị được hiểu thống nhất quy định
tại điểm c khoản 2 công văn số 6642/BTC-CST ngày 21/5/2014 “thời
gian gia hạn nộp hồ sơ thanh khoản 90 ngày kể từ ngày đến thời hạn thanh khoản”
được tính từ ngày cơ quan hải quan hỗ trợ doanh nghiệp sao lục đủ hồ sơ bị
cháy, thất lạc:
- Đối với trường hợp doanh nghiệp bị cháy, thất lạc
hồ sơ, tài liệu liên quan đến hồ sơ thanh khoản: Đồng ý với đề xuất của Cục Hải quan tỉnh Bình Dương.
- Đối với các trường hợp doanh nghiệp bị thiệt hại,
tổn thất về tài sản, hàng hóa nhưng không
bị cháy, thất lạc hồ sơ, tài liệu liên quan đến hồ sơ thanh khoản: Đề nghị Cục
Hải quan Bình Dương hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện theo điểm
c khoản 2 công văn số 6642/BTC-CST ngày 21/5/2014 của Bộ Tài chính.
b) Về kiến nghị áp dụng cho cả phần vượt số lượng, trị giá để phục vụ sửa chữa,
thay thế máy móc, thiết bị, linh kiện mà hàng hóa này hiện đại và công nghệ
tiên tiến hơn:
Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhập khẩu máy
móc, thiết bị thay thế khôi phục vụ sản xuất, đề nghị Cục Hải quan Bình Dương
thực hiện theo hướng dẫn tại điểm 1 công văn số 3758/VPCP-KTTH
ngày 26/5/2014 của Văn Phòng Chính phủ, điểm 1 công văn số 7175/BTC-CST ngày 30/5/2014 của Bộ Tài
chính, không khống chế về trị giá máy móc, nhưng máy móc thiết bị nhập khẩu để
sửa chữa, thay thế phải có số lượng, công suất, chủng
loại phù hợp với số máy móc, thiết bị thiệt
hại và phù hợp với lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp đã được ghi trong giấy
chứng nhận đăng ký kinh doanh.
c) Về kiến nghị áp dụng chính sách ân hạn thuế nhập
khẩu, thuế GTGT đối với hàng hóa là nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để phục vụ sản
xuất của các doanh nghiệp bị cháy, tổn thất nặng:
Bộ Tài chính ghi nhận kiến nghị của Cục Hải quan
Bình Dương để nghiên cứu kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giải pháp hỗ trợ doanh
nghiệp bổ sung.
d) Về đề nghị không áp dụng biện pháp phạt chậm nộp,
phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp xử lý chậm nộp theo các văn bản
chỉ đạo hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Tài
chính:
- Về xử phạt vi phạm hành chính:
+ Điều 11 Luật Xử lý vi phạm hành
chính và khoản 1 Điều 5 Nghị định 127/2013/NĐ-CP ngày
15/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt
vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải
quan quy định không xử phạt vi phạm hành chính đối
với trường hợp thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất khả
kháng.
+ Khoản 14 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm
hành chính quy định “sự kiện bất khả kháng là
sự kiện xảy ra mội cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc
phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”.
Ngày 06/6/2014, Tổng cục Hải quan đã có công văn số
6696/TCHQ-PC gửi Cục Hải quan các tỉnh, thành phố, xem xét không xử phạt vi phạm
hành chính đối với các hành vi vi phạm phát sinh do hồ sơ hải quan, hàng hóa
lưu giữ tại doanh nghiệp bị cháy, đề nghị Cục Hải quan Bình Dương nghiên cứu
quy định nêu trên và văn bản hướng dẫn của Tổng cục Hải quan để thực hiện; nếu
tiếp tục phát sinh vướng mắc có báo cáo về
Tổng cục Hải quan để có hướng dẫn xử lý kịp
thời.
- Về chậm nộp thuế:
Theo quy định tại điểm a khoản 2
công văn số 6642/BTC-CST ngày 21/5/2014
của Bộ Tài chính thì toàn bộ số thuế của các doanh nghiệp bị thiệt hại phát
sinh đến thời điểm 30/4/2014 chưa nộp ngân sách của doanh nghiệp liên quan đến
cơ sở bị thiệt hại (không quá giá trị thiệt hại) được gia hạn là 2 năm kể từ
ngày hết thời hạn nộp thuế. Trong thời gian gia hạn không tính tiền chậm nộp
thuế đối với số tiền thuế được gia hạn.
Như vậy đã có quy định không tính tiền chậm nộp thuế
đối với toàn bộ số thuế của các doanh nghiệp bị thiệt hại phát sinh đến thời điểm 30/4/2014 chưa nộp ngân sách của doanh
nghiệp (bao gồm số nợ thuế của các loại
hình KD, SXXK,...). Do vậy trường hợp Cục HQ Bình Dương phát sinh vướng mắc
khác đề nghị có báo cáo cụ thể sự việc về Tổng
cục Hải quan để có hướng dẫn thực hiện.
IV. Về tổ chức thực hiện
Giao Cục thuế các
tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Hà Tĩnh làm đầu
mối tổng hợp chung các thiệt hại của doanh nghiệp, cân đối chung các giải pháp
hỗ trợ đã thực hiện đối với các doanh nghiệp bị thiệt hại trong thời gian qua
trên cơ sở đó, đề xuất mức hỗ trợ cho từng doanh nghiệp bị thiệt hại, tổn thất
đảm bảo đúng nguyên tắc tổng trị giá các giải pháp hỗ trợ nhỏ hơn hoặc bằng tổng
giá trị thiệt hại của doanh nghiệp.
Bộ Tài chính hướng dẫn để Ủy ban nhân dân tỉnh, Cục Thuế, Cục Hải quan và các cơ quan liên
quan được biết, hướng dẫn các doanh nghiệp bị thiệt hại thực hiện những nội
dung nêu trên; trong quá trình thực hiện phát sinh vướng mắc khó khăn đề nghị
báo cáo Bộ Tài chính để được giải quyết hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết
kịp thời ./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- TCHQ, TCT;
- Cục QLGS BH; Cục QLCS;
- Vụ PC, Vụ NSNN;
- Lưu: VT, Vụ CST (P.XNK).
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Đỗ Hoàng Anh Tuấn
|