Công văn 1159/TCQLĐĐ-CĐKTK hướng dẫn xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính do Tổng cục Quản lý đất đai ban hành

Số hiệu 1159/TCQLĐĐ-CĐKTK
Ngày ban hành 21/09/2011
Ngày có hiệu lực 21/09/2011
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tổng cục Quản lý đất đai
Người ký Lê Văn Lịch
Lĩnh vực Bất động sản

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ
MÔI TRƯỜNG
TỔNG CỤC QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1159/TCQLĐĐ-CĐKTK
V/v Hướng dẫn xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính

Hà Nội, ngày 21 tháng 09 năm 2011

 

Kính gửi: Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính là yêu cầu cơ bản để xây dựng hệ thống quản lý đất đai hiện đại. Trong nhiều năm qua, các địa phương đã quan tâm, tổ chức triển khai thực hiện ở nhiều địa bàn gắn với đo đạc lập bản đồ địa chính, đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Một số tỉnh (điển hình như Đồng Nai, An Giang) và một số quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh khác (thuộc thành phố Hải Phòng, các tỉnh Nam Định, Thừa Thiên - Huế, Bình Thuận, thành phố Hồ Chí Minh) đã cơ bản xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính và đã tổ chức quản lý, vận hành phục vụ yêu cầu khai thác sử dụng rất hiệu quả và được cập nhật biến động thường xuyên ở các cấp tỉnh, huyện. Tuy nhiên, nhiều địa phương còn lại việc xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính mới chỉ dừng lại ở việc lập bản đồ địa chính và hồ sơ địa chính dành số cho riêng từng xã ở một số địa bàn mà chưa được kết nối, xây dựng thành cơ sở dữ liệu địa chính hoàn chỉnh nên chưa được khai thác sử dụng hiệu quả và không cập nhật biến động thường xuyên. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên đây là do sự nhận thức về cơ sở dữ liệu địa chính hiện nay chưa đầy đủ; việc đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính ở các địa phương chưa đồng bộ và các bước thực hiện chưa phù hợp.

Để khắc phục tình hình trên đây, Tổng cục Quản lý đất đai gửi kèm theo Công văn này bản Hướng dẫn xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính để các địa phương có cơ sở rà soát, hoàn thiện dự án tổng thể và các thiết kế kỹ thuật - dự toán về đo đạc lập bản đồ địa chính và đăng ký, cấp Giấy chứng nhận gắn với xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính của địa phương cho phù hợp; đồng thời có kế hoạch, bước đi phù hợp, đầu tư đồng bộ và chỉ đạo thực hiện đầy đủ nhằm đạt được mục tiêu xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính theo đúng chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các địa phương phản ánh về Tổng cục Quản lý đất đai để hướng dẫn thực hiện thống nhất.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển (để b/c);
- Lãnh đạo Tổng cục QLĐĐ;
- Các vụ: KH, TC (Bộ TNMT);
- Cục CNTT;
- Các đơn vị trực thuộc TCQLĐĐ;
- Lưu VT, VP(TH).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Lê Văn Lịch

 

HƯỚNG DẪN

XÂY DỰNG CƠ SỞ DỮ LIỆU ĐỊA CHÍNH
(Ban hành kèm theo Công văn số 1159/TCQLĐĐ-CĐKTK ngày 21/09/2011 của Tổng cục Quản lý đất đai)

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi điều chỉnh

Văn bản này hướng dẫn quy trình thực hiện và những yêu cầu cơ bản của việc xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính các cấp tỉnh, huyện.

2. Giải thích thuật ngữ

2.1. Phương tiện điện tử: là phương tiện hoạt động dựa trên công nghệ điện, điện tử, kỹ thuật số, từ tính, truyền dẫn không dây, quang học, điện từ hoặc công nghệ tương tự.

2.2. Cơ sở dữ liệu địa chính: là tập hợp thông tin có cấu trúc của dữ liệu địa chính (gồm dữ liệu không gian địa chính, dữ liệu thuộc tính địa chính và các dữ liệu khác có liên quan) được sắp xếp, tổ chức để truy cập, khai thác, quản lý và cập nhật thường xuyên bằng phương tiện điện tử.

2.3. Dữ liệu: là thông tin dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự

2.4. Hệ thống thông tin: là hệ thống tổng hợp các yếu tố (gồm hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, phần mềm, con người, dữ liệu và quy trình, thủ tục) cho phép thu thập, cập nhật, xử lý, tổng hợp và cung cấp thông tin. Là sự kết hợp của công nghệ thông tin và các hoạt động của con người liên quan vận hành, quản lý của hệ thống để hỗ trợ ra quyết định.

2.5. Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin: là tập hợp thiết bị tính toán (máy chủ, máy trạm), thiết bị kết nối mạng, thiết bị an ninh an toàn, thiết bị ngoại vi và thiết bị phụ trợ, mạng nội bộ, mạng diện rộng.

2.6. Hệ thống thông tin đất đai: là hệ thống thông tin được xây dựng để thu thập, lưu trữ, cập nhật, xử lý phân tích, tổng hợp và truy xuất các thông tin đất đai và thông tin khác có liên quan đến đất đai.

Thành phần cơ bản của hệ thống thông tin đất đai bao gồm:

- Cơ sở dữ liệu đất đai gồm có các cơ sở dữ liệu thành phần:

+ Cơ sở dữ liệu địa chính;

+ Cơ sở dữ liệu quy hoạch;

+ Cơ sở dữ liệu giá đất;

+ Cơ sở dữ liệu hiện trạng sử dụng đất;

+ Cơ sở dữ liệu chất lượng đất;

+ Các cơ sở dữ liệu liên quan khác.

Cơ sở dữ liệu địa chính (CSDLĐC) là thành phần cơ bản của CSDL đất đai, làm cơ sở để xây dựng các CSDL thành phần khác.

[...]