Công văn 113/UBTVQH15-CTĐB năm 2022 thực hiện quy định tại Khoản 1 Điều 100 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành
Số hiệu | 113/UBTVQH15-CTĐB |
Ngày ban hành | 10/02/2022 |
Ngày có hiệu lực | 10/02/2022 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Uỷ ban Thường vụ Quốc hội |
Người ký | Nguyễn Khắc Định |
Lĩnh vực | Trách nhiệm hình sự,Thủ tục Tố tụng |
ỦY
BAN THƯỜNG VỤ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 113/UBTVQH15-CTĐB |
Hà Nội, ngày 10 tháng 02 năm 2022 |
Kính gửi: Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên,
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận được Công văn số 172/HĐND-VP ngày 23/8/2021 của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên đề nghị hướng dẫn về trình tự, thủ tục, cơ quan trình xin ý kiến Hội đồng nhân dân hoặc Thường trực Hội đồng nhân dân trong trường hợp bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Hội đồng nhân dân.
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 47/2019/QH14), Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sau khi thống nhất với Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan có liên quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến như sau:
1. Về cơ quan có thẩm quyền đề nghị Hội đồng nhân dân hoặc Thường trực Hội đồng nhân dân trong thời gian Hội đồng nhân dân không họp để xem xét việc bắt, giam, giữ, khởi tố đại biểu Hội đồng nhân dân, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
Việc bắt, giam, giữ, khởi tố đại biểu Hội đồng nhân dân, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp phải bảo đảm thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Viện kiểm sát nhân dân thụ lý vụ án là cơ quan có thẩm quyền đề nghị Hội đồng nhân dân hoặc Thường trực Hội đồng nhân dân trong thời gian Hội đồng nhân dân không họp để xem xét việc bắt, giam, giữ, khởi tố đại biểu Hội đồng nhân dân, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
2. Về thẩm quyền, trình tự, thủ tục Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân xem xét việc đồng ý hay không đồng ý bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Hội đồng nhân dân như sau:
a) Về thẩm quyền xem xét và tham mưu trả lời Viện kiểm sát nhân dân:
- Sau khi nhận được văn bản của Viện kiểm sát nhân dân, nếu trong thời gian Hội đồng nhân dân đang họp thì Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định và trả lời bằng văn bản. Trong thời gian Hội đồng nhân dân không họp thì Thường trực Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định và trả lời bằng văn bản.
- Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân thụ lý vụ án và các cơ quan có liên quan tham mưu giúp Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định và dự thảo văn bản trả lời của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân.
b) Về trình tự, thủ tục xem xét:
- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thụ lý vụ án được mời dự họp Hội đồng nhân dân hoặc Thường trực Hội đồng nhân dân trình bày công văn đề nghị Hội đồng nhân dân hoặc Thường trực Hội đồng nhân dân xem xét việc đồng ý hay không đồng ý bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Hội đồng nhân dân;
- Đại diện Ban pháp chế Hội đồng nhân dân trình bày dự thảo văn bản trả lời của Hội đồng nhân dân hoặc Thường trực Hội đồng nhân dân;
- Hội đồng nhân dân hoặc Thường trực Hội đồng nhân dân thảo luận;
- Chủ tọa phiên họp tổng hợp ý kiến phát biểu, nêu nội dung để Hội đồng nhân dân hoặc Thường trực Hội đồng nhân dân biểu quyết;
- Hội đồng nhân dân hoặc Thường trực Hội đồng nhân dân biểu quyết thông qua văn bản trả lời về việc đồng ý hay không đồng ý việc bắt, giam, giữ, khởi tố đại biểu Hội đồng nhân dân, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Hội đồng nhân dân.
Trong trường hợp Thường trực Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định thì tại kỳ họp gần nhất, Thường trực Hội đồng nhân dân báo cáo Hội đồng nhân dân biết về quyết định của mình.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan có liên quan thống nhất thực hiện.
|
TM. ỦY BAN THƯỜNG
VỤ QUỐC HỘI |