Công văn 11081/BTC-TCHQ năm 2017 về chính sách thuế đối với hàng hóa xuất khẩu để gia công theo quy định tại Nghị định 134/2016/NĐ-CP do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 11081/BTC-TCHQ
Ngày ban hành 18/08/2017
Ngày có hiệu lực 18/08/2017
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Nguyễn Dương Thái
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Xuất nhập khẩu,Thuế - Phí - Lệ Phí

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11081/BTC-TCHQ
V/v chính sách thuế đối với hàng hóa xuất khẩu để gia công theo quy định tại Nghị định 134/2016/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 18 tháng 8 năm 2017

 

Kính gửi: Các Cục Hải quan tỉnh, thành phố.

Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ, Bộ Tài chính nhận được phản ánh của một số Cục Hải quan tỉnh, thành phố và doanh nghiệp liên quan đến chính sách thuế đối với hàng hóa xuất khẩu để gia công, cụ thể như sau:

1. Một số doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu mặt hàng vỏ lon nhôm, thép phế liệu và đồng phế liệu (phế liệu, phế phẩm kim loại) để gia công kiến nghị, theo quy định tại khoản 6 Điều 16 Luật Thuế XK, thuế NK số 107/2016/QH13 thì doanh nghiệp được miễn thuế xuất khẩu và khi nhập khẩu sản phẩm gia công về Việt Nam được miễn thuế nhập khẩu tính trên phần trị giá của nguyên vật liệu xuất khẩu cấu thành sản phẩm gia công.

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 11 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP thì phế liệu, phế phẩm kim loại xuất khẩu để gia công không được miễn thuế xuất khẩu do phế liệu, phế phẩm kim loại thuộc đối tượng chịu thuế và có mức thuế suất thuế xuất khẩu từ 15-22%. Các doanh nghiệp cho rằng việc thu thuế xuất khẩu đối với phế liệu, phế phẩm kim loại xuất khẩu để gia công là chưa phù hợp và đang gây ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp, vì vậy các doanh nghiệp đề nghị làm rõ nội dung hướng dẫn tại khoản 1 Điều 11 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP.

2. Trên cơ sở vướng mắc của các doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã tiến hành các chuyên đề thanh tra, kiểm tra hoạt động xuất khẩu phế liệu, phế phẩm kim loại ra nước ngoài để gia công, bước đầu phát hiện tình trạng một số doanh nghiệp lợi dụng chính sách ưu đãi về thuế xuất khẩu, nhập khẩu đối với loại hình này, tập trung vào nhóm hàng phế liệu, phế phẩm kim loại bao gồm: nhôm phế liệu, thép phế liệu và đồng phế liệu.

Kết quả thanh tra, kiểm tra cho thấy việc gia công phế liệu, phế phẩm kim loại ở nước ngoài theo các hợp đồng của doanh nghiệp là đơn giản, không đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật và trình độ cao, trong nước có thể thực hiện được, về bản chất đây là hoạt động mua bán hàng hóa thông thường, bán nguyên liệu là phế liệu, phế phẩm kim loại cho nước ngoài dưới hình thức thuê gia công và mua lại thành phẩm là kim loại thành phẩm được chế biến giản đơn, doanh nghiệp tránh được việc phải nộp thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu. Đối với loại hình xuất khẩu để gia công, chỉ tính riêng đối với mặt hàng nhôm phế liệu trong khoảng thời gian từ tháng 01/2015 đến tháng 8/2016: trị giá xuất gia công là 2.800 tỷ đồng (số thuế xuất khẩu không phải nộp khoảng 616 tỷ đồng), trị giá tính thuế hàng nhập khẩu là 1.380 tỷ đồng (số thuế nhập khẩu không phải nộp là 84 tỷ đồng).

Ngoài ra, Bộ Tài chính đã phát hiện tình trạng gian lận của một số doanh nghiệp đối với loại hình xuất khẩu để gia công qua các hình thức: Gian lận về số lượng, chủng loại nguyên vật liệu đã và đang xuất khẩu đặt gia công ở nước ngoài, giả mạo hồ sơ đặt gia công ở nước ngoài nhưng thực tế không có hoạt động gia công ở nước ngoài.

3. Trước thực tế trên, Bộ Tài chính nhận thấy việc quản lý, kiểm soát hoạt động xuất khẩu phế liệu, phế phẩm kim loại là hết sức cần thiết, đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đang phải nhập khẩu một lượng lớn phế liệu kim loại để phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước. Theo số liệu thống kê năm 2016, Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 920 triệu USD phế liệu, phế phẩm kim loại từ nước ngoài. Để xử lý kiến nghị của các doanh nghiệp nêu trên, Bộ Tài chính đã có công văn số 5159/BTC-TCHQ ngày 21/4/2017 lấy ý kiến các Bộ, Ngành có liên quan về chính sách thuế đối với hàng hóa xuất khẩu để gia công. Theo đó, các Bộ, Ngành đều thống nhất cần tăng cường quản lý nhà nước, kiểm soát hoạt động xuất khẩu phế liệu, phế phẩm kim loại nhằm hạn chế gian lận thương mại (Bộ Tư pháp công văn số 1513/BTC-PLQT ngày 08/5/2017, Bộ Công Thương công văn số 4139/BCT- XNK ngày 11/5/2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường công văn số 2936/BTNMT- KHTC ngày 09/6/2017, Bộ Ngoại giao công văn số 1617/BNG-LPQT ngày 05/5/2017, Bộ Khoa học và Công nghệ công văn số 1374/BKHCN-TĐC ngày 04/5/2017).

4. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các Bộ, Ngành, xuất phát từ nhu cầu quản lý và kiểm soát đối với phế liệu, phế phẩm kim loại, Bộ Tài chính hướng dẫn:

Doanh nghiệp xuất khẩu phế liệu, phế phẩm kim loại để gia công, thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 11 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP, theo đó phế liệu, phế phẩm kim loại thuộc đối tượng chịu thuế xuất khẩu thì không được miễn thuế xuất khẩu.

Giao Tổng cục Hải quan tiếp tục điều tra, xác minh làm rõ dấu hiệu vi phạm, trốn thuế của một số doanh nghiệp; thực hiện thu đủ thuế và xử lý theo quy định của pháp luật.

Bộ Tài chính thông báo để các Cục Hải quan tỉnh, thành phố biết và thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng, Thứ trưởng Vũ Thị Mai (để b/c);
- VPCP (Cổng thông tin điện tử - để trả lời);
- Tổng cục trưởng (để biết);
- Các Bộ (Công Thương, Tư pháp, Ngoại giao, Khoa học và công nghệ, Tài nguyên và môi trường) (để biết);
- Vụ (Chính sách Thuế, Pháp chế), Thanh tra - BTC (để biết);
- Cục (Điều tra chống buôn lậu, Kiểm tra sau thông quan), Thanh tra-TCHQ (để ph/h);
- Các doanh nghiệp theo danh sách đính kèm (thay trả lời);
- Lưu: VT, TCHQ.

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Dương Thái

 

DANH SÁCH

CÁC DOANH NGHIỆP CÓ KIẾN NGHỊ VỀ CHÍNH SÁCH THUẾ ĐỐI VỚI HÀNG HÓA XK ĐỂ GIA CÔNG
(Đính kèm công văn số 11081/BTC-TCHQ ngày 18/8/2017)

TT

TÊN VÀ ĐỊA CHỈ CÔNG TY

1.

Công ty liên doanh TNHH Crown Đồng Nai (KCN Tam Phước, TP. Biên Hòa, Đồng Nai)

2.

Công ty liên doanh TNHH Crown Sài Gòn (xa lộ Hà Nội, P. Hiệp Phú, Q.9, TP. Hồ Chí Minh)

3.

Công ty liên doanh TNHH Crown Hà Nội (km 24 quốc lộ 1, xã Quất Động, huyện Thường Tín, TP. Hà Nội)

4.

Công ty TNHH khuôn đúc Tsukuba Việt Nam (lô A6 đường CN4 KCN Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội)

5.

Công ty TNHH Novelis Việt Nam (số 3, VSIP II-A, đường 19, KCN VSIP Il-A, TX. Tân Uyên, Bình Dương)

6.

Công ty TNHH Baostell can making Việt Nam (số 2 VSIP II-A, đường 15, KCN VSIP II-A, TX. Tân Uyên, Bình Dương)

7.

Công ty TNHH lon nước giải khát TBC-Ball Việt Nam (số 2 VSIP II-A, đường 18, KCN VSIP II-A, TX. Tân Uyên, Bình Dương)

8.

Công ty TNHH MTV Hồng Á (số 5/10 khu phố Bình Đức, P. Bình Hòa, TX. Thuận An, Bình Dương)

9.

Công ty TNHH Kim loại Việt Phong (lô Q12, 13, 14, 15, 16, 17- Q29, 30, 31, 32, 33, 34, khu TTCN, đường Tân Nhựt, Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh)

 

5
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ