Công văn 1081/BGDĐT-NGCBQLGD năm 2024 tổ chức, triển khai bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh viên chức trong các cơ sở giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 1081/BGDĐT-NGCBQLGD
Ngày ban hành 13/03/2024
Ngày có hiệu lực 13/03/2024
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Phạm Ngọc Thưởng
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1081/BGDĐT-NGCBQLGD
Về việc tổ chức, triển khai bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh viên chức trong các cơ sở giáo dục

Hà Nội, ngày 13 tháng 03 năm 2024

 

Kính gửi:

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Các cơ sở giáo dục đại học công lập, trường cao đẳng sư phạm.

Thực hiện Luật Viên chức; Nghị định số 101/2017/NĐ-CP của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức (Nghị định số 101); Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101 (Nghị định số 89) và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã ban hành các chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp (CDNN) cho viên chức[1]. Các chương trình bồi dưỡng do Bộ GDĐT ban hành đã cụ thể hóa các quy định tại Nghị định số 101 và Nghị định số 89.

Tính đến tháng 12/2023, có 56 trường đại học và cao đẳng được giao nhiệm vụ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN viên chức ngành giáo dục. Trong đó có 36 đơn vị được các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện việc giao nhiệm vụ bồi dưỡng[2].

Qua công tác kiểm tra, đánh giá việc tổ chức và triển khai bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN viên chức trong các trường được giao nhiệm vụ bồi dưỡng, Bộ GDĐT ghi nhận: Đa số các trường thực hiện công tác bồi dưỡng nghiêm túc, chất lượng; học viên tham gia bồi dưỡng đầy đủ, nghiêm túc; công tác bồi dưỡng đã góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo.

Ngoài các ưu điểm trên, việc tổ chức và triển khai công tác bồi dưỡng vẫn còn có một số hạn chế như sau: Công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý/giao nhiệm vụ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN viên chức trong các cơ sở giáo dục chưa được thực hiện thường xuyên; các điều kiện đảm bảo chất lượng trong quá trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN viên chức có trường thực hiện chưa tốt, còn để xảy ra tình trạng tiêu cực trong việc cấp phát chứng chỉ.

Để tổ chức và triển khai công tác bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN viên chức trong các cơ sở giáo dục công lập đảm bảo chất lượng và đúng quy định, Bộ GDĐT đề nghị:

1. Đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

a) Tiếp tục thực hiện việc giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN viên chức giảng dạy cho cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; cơ sở đào tạo, nghiên cứu thuộc thẩm quyền quản lý đúng quy định tại Nghị định số 101 và Nghị định số 89.

b) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện tổ chức và triển khai bồi dưỡng của các cơ sở giáo dục được giao nhiệm vụ.

2. Đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập, trường cao đẳng sư phạm:

a) Thực hiện nghiêm túc công tác tổ chức và triển khai bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN viên chức trong các cơ sở giáo dục công lập.

Rà soát điều kiện thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng theo đúng quy định; Biên soạn hoặc lựa chọn giáo trình, tài liệu bồi dưỡng tiêu chuẩn CDNN phù hợp cho từng đối tượng bồi dưỡng và cung cấp tài liệu tham khảo phục vụ giảng dạy, học tập; Xây dựng kế hoạch và tổ chức bồi dưỡng tiêu chuẩn CDNN; Quyết định danh sách học viên nhập học; quản lý quá trình học tập, đánh giá kết quả học tập và công nhận kết quả học tập của học viên; Thu, quản lý và sử dụng kinh phí bồi dưỡng, cấp và quản lý việc cấp chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn CDNN cho từng đối tượng theo đúng quy định hiện hành.

b) Phối hợp với các Sở GDĐT/Phòng GDĐT tổ chức bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN; Tuyển sinh và tổ chức lớp học đảm bảo các yêu cầu về việc bồi dưỡng đúng quy định và chất lượng bồi dưỡng.

c) Xây dựng kế hoạch tổ chức bồi dưỡng và báo cáo Bộ GDĐT (qua Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục) về công tác bồi dưỡng và cấp chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn CDNN trước ngày 30 tháng 11 hằng năm và khi có yêu cầu.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ GDĐT (qua Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục), SĐT: 024.3869.5144 (số lẻ 133) để nghiên cứu, giải quyết.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Website Bộ GDĐT;
- Lưu: VT, NGCBQLGD.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Phạm Ngọc Thưởng

 



[1] Giáo viên Mầm non (Quyết định số 2000/QĐ-BGDĐT ngày 11/07/2023); Giáo viên Tiểu học (Quyết định số 2001/QĐ-BGDĐT ngày 11/07/2023); Giáo viên Trung học cơ sở (Quyết định số 2002/QĐ- BGDĐT ngày 11/07/2023); Giáo viên Trung học phổ thông (Quyết định số 2003/QĐ-BGDĐT ngày 11/07/2023); Giảng viên cao đẳng sư phạm (Quyết định số 1078/QĐ-BGDĐT ngày 20/04/2022); Giảng viên đại học (Quyết định số 1079/QĐ-BGDĐT ngày 20/04/2022); Viên chức thiết bị, thí nghiệm (Quyết định số 2774/QĐ-BGDĐT ngày 26/09/2023); Viên chức giáo vụ (Quyết định số 2775/QĐ-BGDĐT ngày 26/09/2023).

[2] Cập nhật theo báo cáo của các địa phương gửi về Bộ GDĐT.