Công văn 1078/TCT-PC năm 2024 vướng mắc về xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn do Tổng cục Thuế ban hành

Số hiệu 1078/TCT-PC
Ngày ban hành 20/03/2024
Ngày có hiệu lực 20/03/2024
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tổng cục Thuế
Người ký Thành Xuân Lý
Lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí,Kế toán - Kiểm toán,Vi phạm hành chính

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1078/TCT-PC
V/v vướng mắc về xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn

Hà Nội, ngày 20 tháng 3 năm 2024

 

Kính gửi: Cục Thuế tỉnh Vĩnh Long.

Tổng cục Thuế nhận được Công văn số 1015/CTVLO-TTHT ngày 19/7/2023 của Cục Thuế tỉnh Vĩnh Long vướng mắc về xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn. Tại Công văn không kèm theo hồ sơ cụ thể về hành vi vi phạm của người nộp thuế nên Tổng cục Thuế trả lời theo nguyên tắc như sau:

1. Về trường hợp người nộp thuế chậm gửi thông báo hủy hóa đơn:

Căn cứ quy định tại Khoản 3 Điều 15, Điều 27 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, kể từ thời điểm cơ quan thuế chấp nhận đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định này thì người nộp thuế phải tiêu hủy hóa đơn giấy đã phát hành nhưng chưa sử dụng và thời hạn tiêu hủy hóa đơn chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày thông báo với cơ quan thuế, thông báo kết quả tiêu hủy hóa đơn (Mẫu số 02/HUY-HĐG Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP) được lập thành 02 bản, một bản lưu, một bản gửi đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp chậm nhất không quá 05 ngày kể từ ngày thực hiện tiêu hủy hóa đơn. Trường hợp người nộp thuế chậm gửi thông báo kết quả tiêu hủy hóa đơn (Mẫu số 02/HUY-HĐG) đến cơ quan thuế thì bị xem xét, xử phạt theo quy định tại Điều 29 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP. Nghị định số 123/2020/NĐ-CP không có quy định về thông báo hủy hóa đơn gửi cơ quan thuế trước khi thực hiện tiêu hủy hóa đơn.

2. Về trường hợp người nộp thuế sử dụng phiếu xuất kho theo quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP và Thông tư số 39/2014/TT-BTC:

- Căn cứ Khoản 9 Điều 3, Khoản 6 Điều 8 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định:

"Điều 3. Giải thích từ ngữ

9. Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp là việc sử dụng hóa đơn, chứng từ giả; sử dụng hóa đơn, chứng từ chưa có giá trị sử dụng, hết giá trị sử dụng; sử dụng hóa đơn bị ngừng sử dụng trong thời gian bị cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn, trừ trường hợp được phép sử dụng theo thông báo của cơ quan thuế; sử dụng hóa đơn điện tử không đăng ký sử dụng với cơ quan thuế; sử dụng hóa đơn điện tử chưa có mã của cơ quan thuế đối với trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế; sử dụng hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ có ngày lập trên hóa đơn từ ngày cơ quan thuế xác định bên bán không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; sử dụng hóa đơn, chứng từ mua hàng hóa, dịch vụ có ngày lập trên hóa đơn, chứng từ trước ngày xác định bên lập hóa đơn, chứng từ không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc chưa có thông báo của cơ quan thuế về việc bên lập hóa đơn, chứng từ không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền nhưng cơ quan thuế hoặc cơ quan công an hoặc các cơ quan chức năng khác đã có kết luận đó là hóa đơn, chứng từ không hợp pháp.”

"Điều 8. Loại hóa đơn

Hóa đơn quy định tại Nghị định này gồm các loại sau:

6. Các chứng từ được in, phát hành, sử dụng và quản lý như hóa đơn gồm phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ, phiếu xuất kho hàng gửi bán đại lý.”

- Căn cứ Điểm d Khoản 1 Điều 16, điểm đ Khoản 1 Điều 17 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP quy định:

“Điều 16. Xử phạt hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn

1. Phạt 20% số tiền thuế khai thiếu hoặc số tiền thuế đã được miễn, giảm, hoàn cao hơn so với quy định đối với một trong các hành vi sau đây:

đ) Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để hạch toán giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm nhưng khi cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra phát hiện, người mua chứng minh được lỗi vi phạm sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp thuộc về bên bán hàng và người mua đã hạch toán kế toán đầy đủ theo quy định.”

“ Điều 17. Xử phạt hành vi trốn thuế

1. Phạt tiền 1 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế có từ một tình tiết giảm nhẹ trở lên khi thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

đ) Sử dụng chứng từ không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp chứng từ; sử dụng chứng từ, tài liệu không phản ánh đúng bản chất giao dịch hoặc giá trị giao dịch thực tế để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được miễn, giảm, số tiền thuế được hoàn; lập thủ tục, hồ sơ hủy vật tư, hàng hóa không đúng thực tế làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn, được miễn, giảm; ”

Căn cứ các quy định pháp luật nêu trên, trường hợp người nộp thuế đã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP nhưng người nộp thuế vẫn sử dụng phiếu xuất kho theo quy định tại Thông tư số 39/2014/TT-BTC sau ngày 30/6/2022 thì phiếu xuất kho này là chứng từ được lập không đúng theo quy định. Trường hợp người nộp thuế sử dụng chứng từ này khi khai thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm thì tùy vào tình huống cụ thể người nộp thuế bị xem xét xử phạt theo quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 16 hoặc điểm đ Khoản 1 Điều 17 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP.

Đề nghị Cục Thuế tỉnh Vĩnh Long căn cứ các quy định nêu trên và tình hình thực tế của người nộp thuế để xử phạt vi phạm hành chính theo đúng quy định pháp luật.

Tổng cục Thuế trả lời để Cục Thuế được biết./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- PTCT Mai Sơn (để b/c);
- Vụ CS, Vụ KK&KTT;
- Lưu: VT, PC(2b).

TL. TỔNG CỤC TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG VỤ PHÁP CHẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Thành Xuân Lý