Công văn số 1009/BLĐTBXH-LĐTL về việc tiền lương tối thiểu làm cơ sở đóng bảo hiểm xã hội do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

Số hiệu 1009/BLĐTBXH-LĐTL
Ngày ban hành 31/03/2008
Ngày có hiệu lực 31/03/2008
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
Người ký Phạm Minh Huân
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH
VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do- Hạnh phúc
--------------

Số: 1009/BLĐTBXH-LĐTL
V/v tiền lương tối thiểu làm cơ sở đóng bảo hiểm xã hội

Hà Nội, ngày 31 tháng 03 năm 2008

 

Kính gửi: Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh

Trả lời Công văn số 305/BQL-KCN-HCM ngày 25 tháng 02 năm 2008 của Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh về việc ghi tại trích yếu, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có ý kiến như sau:

1. Đối với doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp mà áp dụng thang lương, bảng lương và chế độ phụ cấp lương do Nhà nước quy định đối với công ty nhà nước tại Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ, khi đăng ký thang lương, bảng lương với cơ quan quản lý nhà nước phải đăng ký kèm theo mức lương tối thiểu chung và mức lương tối thiểu vùng:

- Mức lương tối thiểu chung làm cơ sở để đóng hưởng bảo hiểm xã hội cho người lao động theo Nghị định số 166/2007/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2007 của Chính phủ;

- Mức lương tối thiểu vùng làm căn cứ để ký kết hợp đồng lao động và trả lương đối với người lao động làm công việc giản đơn theo Nghị định số 167/2007/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2007 của Chính phủ; doanh nghiệp không được trả lương đối với người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

2. Đối với công ty cổ phần (chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước) tự xây dựng thang lương, bảng lương theo quy định tại Thông tư số 13/2003/TT-BLĐTBXH ngày 30/5/2003 và Thông tư số 28/2007/TT-BLĐTBXH ngày 05/12/2007 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (không áp dụng hệ thống thang lương, bảng lương theo Nghị định 205/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ) thì mức lương tối thiểu vùng làm căn cứ để xác định mức đóng, hưởng bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 5, mục III Thông tư 30/2007/TT-BLĐTBXH ngày 05/12/2007.

3. Trường hợp công ty cổ phần áp dụng theo thang lương, bảng lương và chế độ phụ cấp lương do Nhà nước quy định đối với công ty nhà nước tại Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ thì chế độ nâng bậc lương được thực hiện theo Thông tư 12/2003/TT-BLĐTBXH ngày 30 tháng 5 năm 2003 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và quy chế nâng bậc lương do công ty xây dựng.

- Điều kiện để xét nâng bậc lương hàng năm thực hiện theo điểm c, khoản 1, mục VI của Thông tư số 12/2003/TT-BLĐTBXH nêu trên.

Riêng đối với các viên chức chuyên môn, nghiệp vụ có thời gian giữ bậc lương hiện hưởng tại doanh nghiệp ít nhất 2 năm (đủ 24 tháng) đối với các ngạch có hệ số mức lương khởi điểm (bậc 1) thấp hơn 1,78 (nay là 2,34), có ít nhất 3 năm (đủ 36 tháng) đối với các ngạch có hệ số mức lương khởi điểm (bậc 1) từ 1,78 (nay là 2,34) trở lên; đối với nhân viên trực tiếp sản xuất, kinh doanh đạt kết quả thi nâng bậc theo tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật ứng với công việc đảm nhận.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời để Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh biết và thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu VP, Vụ LĐ-TL

TL. BỘ TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG VỤ LAO ĐỘNG – TIỀN LƯƠNG




Phạm Minh Huân