Công văn 10009/BCT-CNĐP về việc triển khai thực hiện Quy chế quản lý cụm công nghiệp do Bộ Công thương ban hành
Số hiệu | 10009/BCT-CNĐP |
Ngày ban hành | 08/10/2009 |
Ngày có hiệu lực | 08/10/2009 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Công thương |
Người ký | Lê Dương Quang |
Lĩnh vực | Doanh nghiệp |
BỘ
CÔNG THƯƠNG |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10009/BCT-CNĐP |
Hà Nội, ngày 08 tháng 10 năm 2009 |
Kính gửi: |
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương; |
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với các cụm công nghiệp trong phạm vi cả nước, ngày 19 tháng 8 năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ban hành Quy chế quản lý cụm công nghiệp (dưới đây gọi tắt là Quy chế). Đây là văn bản có ý nghĩa quan trọng trong việc hình thành khung pháp lý thống nhất từ trung ương đến địa phương đối với công tác quy hoạch; đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp; đầu tư sản xuất, kinh doanh và dịch vụ trong cụm công nghiệp và quản lý nhà nước đối với cụm công nghiệp. Để triển khai thực hiện tốt Quy chế, Bộ Công thương đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi tắt là UBND cấp tỉnh), các Tập đoàn, Tổng công ty 91, 90, các Công ty, đơn vị trực thuộc Bộ Công thương quan tâm thực hiện các việc sau:
1. Trong phạm vi chức năng nhiệm vụ được giao, tổ chức nghiên cứu, quán triệt và triển khai thực hiện các quy định của Quy chế liên quan đến hoạt động của cơ quan, đơn vị nhằm tạo sự đồng bộ, thống nhất, hiệu quả trong việc quản lý và đầu tư phát triển cụm công nghiệp từ trung ương tới địa phương.
2. Đối với UBND cấp tỉnh:
a) Chỉ đạo các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện nhanh chóng triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Điều 19 của Quy chế; kiện toàn bộ máy tham mưu giúp Ủy ban nhân dân các cấp quản lý nhà nước đối với cụm công nghiệp tại địa bàn; xây dựng cơ chế phối hợp nhằm thực hiện đúng các quy định tại Quy chế.
b) Chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới để ban hành quy hoạch phát triển cụm công nghiệp; các văn bản có liên quan tới quản lý, đầu tư phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn phù hợp với các quy định của Quy chế.
c) Chỉ đạo việc nghiên cứu, đề xuất hướng xử lý đối với các cụm công nghiệp đã được thành lập trước khi Quy chế có hiệu lực mà không phù hợp với các quy định của Quy chế (về tên gọi, quy mô diện tích lớn hơn 75 ha, mô hình tổ chức – quản lý…).
d) Chỉ đạo Sở Công thương:
- Củng cố, kiện toàn tổ chức, cán bộ và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị thuộc Sở khẩn trương triển khai các nhiệm vụ được giao tại khoản 2, Điều 19 của Quy chế; thực hiện tốt chức năng là cơ quan đầu mối tham mưu giúp UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước trên địa bàn đối với cụm công nghiệp.
- Hướng dẫn và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp; đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp để nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội của các cụm công nghiệp trên địa bàn.
- Theo dõi, thống kê và định kỳ hoặc đột xuất (khi cần thiết) lập báo cáo tình hình phát triển của các cụm công nghiệp trên địa bàn theo chế độ, biểu mẫu do Bộ Công thương ban hành gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Công thương và các cơ quan có liên quan.
3. Các Tập đoàn, Tổng công ty 91, 90, các Công ty, đơn vị trực thuộc Bộ Công thương nghiên cứu, xây dựng phương án tham gia đầu tư kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp, phương án di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh đang nằm xen kẽ khu dân cư, gây ô nhiễm vào cụm công nghiệp và/hoặc đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh mới trong cụm công nghiệp.
4. Cục Công nghiệp địa phương là cơ quan đầu mối giúp Bộ Công thương thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với cụm công nghiệp như quy định tại khoản 1, Điều 18 của Quy chế, chịu trách nhiệm:
a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Quy chế; quy hoạch tổng thể phát triển cụm công nghiệp cả nước theo vùng, lãnh thổ đến năm 2020 tầm nhìn đến 2025; cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi khuyến khích phát triển cụm công nghiệp; chế độ, biểu mẫu báo cáo (định kỳ hoặc đột xuất) về tình hình phát triển cụm công nghiệp và tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho các Sở Công thương, các cơ quan, đơn vị có liên quan sau khi các văn bản được ban hành.
b) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan và các địa phương hướng dẫn xử lý đối với các cụm công nghiệp đã được hình thành trước khi Quy chế này có hiệu lực, nhưng không phù hợp với các quy định của Quy chế.
c) Thường xuyên theo dõi, hướng dẫn và kiểm tra các địa phương trong việc tổ chức triển khai thực hiện Quy chế; chủ động phát hiện và đề xuất các giải pháp xử lý những vấn đề vướng mắc trong quá trình thực hiện Quy chế ở các địa phương để Bộ Công thương giải quyết và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
5. Các Vụ: Tổ chức cán bộ, Kế hoạch, Tài chính cân đối bổ sung biên chế, kinh phí, phương tiện…, tạo điều kiện cho Cục Công nghiệp địa phương hoàn thành nhiệm vụ được giao.
6. Các cơ quan thông tin – truyền thông (báo tin, tạp chí, truyền hình, báo/ trang tin điện tử) thuộc Bộ Công thương có trách nhiệm tăng cường công tác thông tin tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận về nhận thức và hành động việc thực hiện Quy chế.
Đề nghị UBND cấp tỉnh, các Tập đoàn, Tổng công ty 91, 90, các Công ty, đơn vị trực thuộc Bộ Công thương nghiên cứu, thực hiện; đồng thời phản ánh kịp thời mọi khó khăn, vướng mắc (nếu có) liên quan đến việc triển khai thực hiện Quy chế về Bộ Công thương (qua Cục Công nghiệp địa phương) để xử lý./.
Nơi nhận: |
KT.
BỘ TRƯỞNG |