Công văn 0505/QLCL-CL1 về kiểm soát dư lượng Enrofloxacin đối với lô hàng tôm xuất khẩu vào Nhật do Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản ban hành

Số hiệu 0505/QLCL-CL1
Ngày ban hành 04/04/2011
Ngày có hiệu lực 04/04/2011
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản
Người ký Trần Bích Nga
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
CỤC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG NÔNG LÂM SẢN VÀ THỦY SẢN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 0505/QLCL-CL1
V/v Kiểm soát dư lượng Enrofloxacin đối với các lô hàng tôm XK vào Nhật

Hà Nội, ngày 04 tháng 04 năm 2011

 

Kính gửi:

- Các doanh nghiệp CBTS xuất khẩu vào Nhật Bản;
- Các Trung tâm Chất lượng NLTS vùng 1-6.

 

Thời gian vừa qua, Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản nhận được thông tin từ một số doanh nghiệp chế biến thủy sản của Việt Nam về việc từ 7/3/2011 Nhật Bản áp dụng chế độ kiểm tra tăng cường dư lượng Enrofloxacin đối với 30% lô hàng tôm nhập khẩu từ Việt Nam. Ngày 22/3/2011, Đoàn công tác của Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã khẳng định thông tin này khi làm việc với Cục.

Hiện nay, theo quy định của Nhật Bản (thông báo số Syoku-An No. 1130001 và số Syoku-An No. 1130004 ngày 30/11/2006 của Cục An toàn thực phẩm Nhật Bản), mức dư lượng Enrofloxacin (bao gồm cả chất chuyển hóa Ciprofloxacin) trong sản phẩm thủy sản được quy định là “Không phát hiện”. Phương pháp phân tích được quy định là HPLC (có giới hạn phát hiện Enrofloxacin/Ciprofloxacin là 0,01 mg/kg).

Do đó, để kiểm soát chặt chẽ dư lượng Enrofloxacin đối với các lô hàng tôm của Việt Nam xuất khẩu vào Nhật Bản, Cục yêu cầu các đơn vị như sau:

1. Các doanh nghiệp CBTS xuất khẩu vào Nhật Bản:

Bổ sung vào kế hoạch HACCP việc nhận diện và kiểm soát mối nguy Enrofloxacin trong sản xuất các sản phẩm tôm xuất khẩu vào Nhật Bản, trong đó lưu ý giám sát nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu, chủ động lấy mẫu thẩm tra dư lượng Enrofloxacin trong tôm nguyên liệu trước khi đưa vào chế biến và trong thành phẩm trước khi xuất khẩu. Để đảm bảo độ tin cậy của kết quả phân tích, doanh nghiệp nên thực hiện phân tích mẫu tại các phòng kiểm nghiệm đủ năng lực phân tích chỉ tiêu Enrofloxacin và đáp ứng yêu cầu về phương pháp phân tích và mức giới hạn phát hiện của Nhật Bản.

2. Các Trung tâm Chất lượng NLTS vùng:

Phổ biến các nội dung nêu tại mục 1 tới các doanh nghiệp trong danh sách được phép chế biến thủy sản xuất khẩu vào Nhật Bản tại địa bàn phụ trách và hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các biện pháp kiểm soát Enrofloxacin (khi có yêu cầu).

Yêu cầu các đơn vị lưu ý thực hiện.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Cục trưởng (để b/c);
- Cơ quan QLCL Trung bộ, Nam bộ;
- Hiệp hội, VASEP (để biết);
- Lưu: VT, CL1.

KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG




Trần Bích Nga