CÔNG ƯỚC SỐ 78
CÔNG ƯỚC
VỀ
KIỂM TRA Y TẾ CHO TRẺ EM VÀ THIẾU NIÊN LÀM VIỆC TRONG CÁC CÔNG VIỆC PHI CÔNG
NGHIỆP, 1946
Hội nghị toàn thể của Tổ chức
Lao động quốc tế,
Được Hội đồng quản trị của Văn
phòng Lao động quốc tế triệu tập tại Montreal ngày 19 tháng 9 năm 1946, trong
kỳ họp thứ hai mươi chín, và
Sau khi đã quyết định chấp thuận
một số đề nghị về việc kiểm tra y tế cho trẻ em và thiếu niên làm việc trong
các công việc phi công nghiệp, là vấn đề thuộc điểm thứ ba trong chương trình
nghị sự kỳ họp, và
Sau khi đã quyết định rằng những
đề nghị đó sẽ mang hình thức một Công ước quốc tế,
Thông qua ngày 9 tháng 10 năm
1946, Công ước dưới đây gọi là Công ước về Kiểm tra y tế cho trẻ em và thiếu
niên (phi công nghiệp), 1946.
Phần I.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1
1. Công ước này áp dụng cho
những trẻ em và thiếu niên làm việc hưởng lương hoặc có thu nhập trực tiếp hay
gián tiếp trong các công việc phi công nghiệp.
2. Trong Công ước này, thuật ngữ
“các công việc phi công nghiệp” bao gồm tất cả mọi công việc khác với những
công việc đã được cơ quan có thẩm quyền thừa nhận là các công việc công nghiệp,
nông nghiệp và hàng hải.
3. Cơ quan có thẩm quyền phải
xác định ranh giới, phạm vi giữa các công việc phi công nghiệp với các công
việc công nghiệp, nông nghiệp và hàng hải.
4. Pháp luật hoặc quy định quốc
gia có thể miễn giảm áp dụng Công ước này đối với việc sử dụng lao động trong
những công việc được coi là không nguy hiểm cho sức khoẻ của trẻ em và thiếu
niên trong các cơ sở của gia đình mà chỉ có cha mẹ, con đẻ hoặc con đỡ đầu của
họ làm việc ở đó.
Điều 2
1. Trẻ em và thiếu niên dưới 18
tuổi không được phép làm công hay làm việc trong các công việc phi công nghiệp
trừ phi được kiểm tra y tế một cách kỹ lưỡng và đã được chứng nhận là có đủ sức
khoẻ để làm công việc đó.
2. Việc kiểm tra y tế để chứng
nhận có đủ sức khoẻ để làm việc phải thực hiện do một thầy thuốc có bằng cấp
được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận và phải được xác nhận bằng một giấy chứng
nhận sức khoẻ, hoặc xác nhận vào giấy phép làm việc, hoặc được ghi trong sổ lao
động.
3. Tài liệu chứng nhận sức khoẻ
để làm việc có thể được cấp:
a) Với những điều kiện làm việc
nhất định
b) Cho một công việc nhất định
hay một loạt công việc hoặc nghề nghiệp có những rủi ro tương tự cho sức khoẻ
đã được xếp cùng một loại bởi cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thi hành
pháp luật và pháp quy về kiểm tra y tế để làm việc.
4. Pháp luật hoặc quy định quốc
gia phải chỉ rõ cơ quan có thẩm quyền phát hành tài liệu chứng nhận sức khoẻ để
làm việc, và phải xác định những điều kiện cần được xem xét khi lập và phát
hành các tài liệu đó.
Điều 3
1. Sức khoẻ của một trẻ em hoặc
thiếu niên đối với việc họ đang làm phải phụ thuộc việc giám định y tế cho đến
khi họ đủ 18 tuổi.
2. Việc tiếp tục sử dụng một trẻ
em hay thiếu niên dưới 18 tuổi phải phụ thuộc việc kiểm tra y tế nhiều lần
trong thời gian không quá một năm một lần.
3. Pháp luật hoặc quy định quốc
gia phải:
a) Có những quy định đối với
những trường hợp đặc biệt đòi hỏi phải kiểm tra lại sức khoẻ ngoài việc kiểm
tra hàng năm, hoặc phải kiểm tra lại theo định kỳ ngắn hơn, nhằm bảo đảm giám
định một cách có hiệu quả những rủi ro liên quan đến công việc và tình trạng
sức khoẻ của trẻ em hoặc thiếu niên đã được phát hiện trong những kỳ kiểm tra
trước;
b) Uỷ quyền cho cơ quan có thẩm
quyền việc yêu cầu kiểm tra sức khoẻ trong những trường hợp đặc biệt.
Điều 4
1. Trong các nghề có tỷ lệ rủi
ro cao về sức khoẻ, việc kiểm tra và kiểm tra lại sức khoẻ để làm việc phải
được thực hiện ít nhất đến khi 21 tuổi.
2. Pháp luật hoặc quy định quốc
gia phải xác định hoặc uỷ quyền cho một cơ quan thích hợp để xác định những
công việc hay loạt công việc, trong đó việc kiểm tra và kiểm tra lại sức khoẻ
để làm việc phải được thực hiện ít nhất đến khi 21 tuổi.
Điều 5
Việc kiểm tra sức khoẻ đã được
quy định ở các điều trên đây không được dẫn đến bất cứ khoản phí tổn nào đối
với trẻ em hoặc thiếu niên hay cha mẹ của họ.
Điều 6
1. Cơ quan có thẩm quyền phải
tiến hành những biện pháp thích hợp để hướng nghiệp và tái thích ứng thể chất
và nghề nghiệp cho trẻ em và thiếu niên mà việc kiểm tra sức khoẻ cho thấy họ
không phù hợp với một loại công việc nào đó, hoặc bị tàn tật hay có khuyết tật
về thể chất.
2. Tính chất và phạm vi của
những biện pháp này phải được cơ quan có thẩm quyền xác định. Vì mục đích này,
phải thiết lập sự hợp tác giữa các cơ quan lao động, y tế, giáo dục và xã hội
có liên quan, phải duy trì mối liên hệ giữa các cơ quan này một cách có hiệu
quả để thực hiện các biện pháp đó.
3. Đối với trẻ em và thiếu niên
mà sức khoẻ để làm việc chưa được xác định rõ ràng, thì pháp luật hoặc quy định
quốc gia có thể quy định:
a) Giấy phép làm việc, hoặc giấy
chứng nhận sức khoẻ tạm thời có giá trị trong một thời hạn xác định, khi hết
thời hạn này thì những trẻ em và thiếu niên này phải được kiểm tra lại sức khoẻ;
b) Giấy phép hoặc giấy chứng
nhận yêu cầu phải có những điều kiện làm việc đặc biệt.
Điều 7
1. Người sử dụng lao động phải
lưu giữ và sẵn sàng cung cấp cho các thanh tra viên lao động, giấy chứng nhận
sức khoẻ để làm việc, hoặc giấy phép làm việc, hoặc sổ lao động, để chứng minh
rằng không có lý do y tế ngăn cản làm việc theo quy định của pháp luật hoặc quy
định quốc gia.
2. Pháp luật hoặc quy định quốc
gia phải xác định:
a) Những biện pháp xác nhận căn
cước cần áp dụng nhằm bảo đảm có hệ thống kiểm tra sức khoẻ để làm việc cho các
trẻ em và thiếu niên đang làm cho riêng họ hoặc bố mẹ họ, những công việc buôn
bán lưu động hay bất kỳ công việc nào được tiến hành trên đường phố hay nơi
công cộng;
b) Những biện pháp kiểm tra khác
cần áp dụng để bảo đảm thi hành nghiêm túc Công ước này.
Phần II.
NHỮNG QUY ĐỊNH RIÊNG ĐỐI VỚI
MỘT SỐ NƯỚC
Điều 8
1. Trong trường hợp lãnh thổ của
một Nước thành viên bao gồm những vùng rộng lớn, và do tính chất thưa thớt của
dân cư hay trình độ phát triển của các vùng đó mà cơ quan có thẩm quyền cho là
không tiện áp dụng các quy định của Công ước này, thì cơ quan có thẩm quyền có
thể miễn cho các vùng đó việc áp dụng Công ước này nói chung, hoặc với những
ngoại lệ xét thấy thích hợp với một số cơ sở hoặc một số công việc.
2. Trong các báo cáo hàng năm
đầu tiên về áp dụng Công ước này theo Điều 22 của Điều lệ Tổ chức Lao động quốc
tế, các Nước thành viên phải chỉ rõ những vùng nào mà Nước đó dự định sẽ áp
dụng những quy định của Điều này và nêu lý do vì sao phải áp dụng như vậy. Sau
đó, không một Nước thành viên nào được áp dụng các quy định của Điều này nữa,
trừ những vùng đã được xác định như trên.
3. Trong báo cáo hàng năm tiếp
theo, Nước thành viên nào đã áp dụng những quy định của Điều này thì phải chỉ
rõ những vùng nào không được áp dụng những quy định trên.
Điều 9
1. Nếu một nước thành viên,
trước ngày ban hành pháp luật hoặc quy định cho phép phê chuẩn Công ước này,
không có văn bản pháp luật hoặc quy định nào về việc kiểm tra sức khoẻ để làm
việc cho thiếu niên trong các công việc phi công nghiệp, thì bằng một bản tuyên
bố kèm theo văn bản phê chuẩn, có thể thay đổi độ tuổi xuống dưới 18 đối với
trường hợp đã được quy định ở Điều 2 và 3, nhưng trong mọi trường hợp không
được dưới 16 tuổi, có thể thay đổi độ tuổi xuống dưới 21 đối với các trường hợp
đã được quy định ở Điều 4, nhưng mọi trường hợp không được dưới 19 tuổi.
2. Nước thành viên đã có một bản
tuyên bố như vậy thì bất cứ lúc nào cũng có quyền huỷ bỏ tuyên bố này bằng một
bản tuyên bố sau đó.
3. Mọi Nước thành viên có bản
tuyên bố theo quy định tại Đoạn 1 Điều này mà đang có hiệu lực, thì trong bản
báo cáo hàng năm, phải chỉ rõ những tiến bộ đã đạt được để nhằm áp dụng đầy đủ
các quy định của Công ước này.
Phần III.
NHỮNG QUY ĐỊNH CUỐI CÙNG
Điều 10
Công ước này không làm ảnh hưởng
tới bất cứ đạo luật, quyết định, tập quán hay thoả thuận nào giữa người sử dụng
lao động với người lao động, nếu những đạo luật, quyết định, tập quán hay thoả
thuận đó bảo đảm có những điều kiện thuận lợi hơn so với những quy định của
Công ước này.
Điều 11
Những quy định cuối cùng mẫu.