Công điện 1960/CĐ-TTg năm 2013 khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên do Thủ tướng Chính phủ điện
Số hiệu | 1960/CĐ-TTg |
Ngày ban hành | 17/11/2013 |
Ngày có hiệu lực | 17/11/2013 |
Loại văn bản | Công điện |
Cơ quan ban hành | Thủ tướng Chính phủ |
Người ký | Hoàng Trung Hải |
Lĩnh vực | Tài nguyên - Môi trường |
THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1960/CĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 17 tháng 11 năm 2013 |
CÔNG ĐIỆN
VỀ VIỆC KHẮC PHỤC HẬU QUẢ MƯA LŨ TẠI CÁC TỈNH MIỀN TRUNG VÀ TÂY NGUYÊN
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Điện: |
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Thừa Thiên
Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum; |
Từ ngày 15 tháng 11 đến nay, tại các tỉnh ven biển từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên và các tỉnh Gia Lai, Kon Tum đã có mưa to đến rất to, đặc biệt là tại các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Tổng lượng mưa phổ biến từ 400 đến 600mm, nhiều nơi ở Quảng Ngãi tổng lượng mưa tới gần 1000mm. Lũ trên các sông lên nhanh, đỉnh lũ trên sông Vệ, sông Trà Khúc (tỉnh Quảng Ngãi), sông Ba (tỉnh Gia Lai) đã vượt mức lũ lịch sử gây ngập lụt trên diện rộng, thiệt hại nặng nề về sinh mạng, tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của nhân dân, nhất là tại các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định. Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc đến thân nhân những gia đình có người bị chết, mất tích, người bị thương.
Hiện nay, lũ các sông còn đang ở mức cao, diễn biến còn phức tạp. Để chủ động phòng, chống lũ, hạn chế thiệt hại Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
1. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố:
- Tiếp tục rà soát, chủ động di dời dân ra khỏi các vùng nguy hiểm có nguy cơ bị lũ quét, sạt lở, vùng bị ngập sâu đến nơi an toàn.
- Huy động mọi phương tiện, lực lượng, bằng mọi biện pháp tiếp cận những khu dân cư còn bị ngập sâu, chia cắt; tổ chức cứu trợ lương thực, nước uống, nhu yếu phẩm cho nhân dân, nhất là những người dân chưa sơ tán kịp tại các khu vực bị ngập sâu, đảm bảo không để người dân nào bị đói, khát.
- Tổ chức cứu chữa người bị thương, hỗ trợ mai táng người thiệt mạng.
- Cử người canh gác, kiểm soát giao thông, hướng dẫn việc đi lại an toàn qua các bến đò ngang, các ngầm giao thông bị ngập sâu, nước chảy xiết.
2. Ủy ban quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo lực lượng tìm kiếm cứu nạn, các lực lượng quân đội, công an trên địa bàn triển khai lực lượng, phương tiện thực hiện việc sơ tán nhân dân, cứu nạn, cứu hộ theo đề nghị của địa phương.
3. Các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương theo dõi sát diễn biến của mưa lũ, phối hợp với các địa phương chỉ đạo vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trong khu vực để đảm bảo an toàn, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du.
4. Bộ Công Thương chỉ đạo vận hành an toàn hệ thống lưới điện, chuẩn bị đủ nguồn lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, kiểm soát chặt chẽ giá cả các mặt hàng thiết yếu, không để tình trạng lợi dụng mưa lũ tăng giá.
6. Bộ Y tế chỉ đạo lực lượng y tế cơ sở và các đơn vị liên quan cung cấp đủ cơ số thuốc chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh, đảm bảo việc khám chữa bệnh kịp thời cho nhân dân vùng ngập lũ, không để phát sinh dịch bệnh.
7. Các Bộ, ngành liên quan theo chức năng và nhiệm vụ của mình chỉ đạo các đơn vị trực thuộc sẵn sàng giúp đỡ địa phương khi có yêu cầu, hỗ trợ các địa phương ổn định đời sống và phục hồi sản xuất ngay sau khi lũ rút.
8. Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia tiếp tục theo dõi diễn biến của mưa, lũ, dự báo và cung cấp thông tin kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo và thông báo cho nhân dân biết để chủ động phòng, tránh./.
Nơi nhận: |
KT. THỦ TƯỚNG |