Chỉ thị 91/CT-TWPCTT về tăng cường công tác đảm bảo an toàn hạ du hồ chứa nước trong mùa mưa lũ năm 2019 do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai ban hành
Số hiệu | 91/CT-TWPCTT |
Ngày ban hành | 19/07/2019 |
Ngày có hiệu lực | 19/07/2019 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai |
Người ký | Nguyễn Xuân Cường |
Lĩnh vực | Tài nguyên - Môi trường |
BAN CHỈ ĐẠO
TRUNG ƯƠNG VỀ PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 91/CT-TWPCTT |
Hà Nội, ngày 19 tháng 7 năm 2019 |
CHỈ THỊ
TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC ĐẢM BẢO AN TOÀN HẠ DU HỒ CHỨA NƯỚC TRONG MÙA MƯA LŨ NĂM 2019
Tình hình mưa lũ trong những năm gần đây diễn biến bất thường, cực đoan, khó lường, xảy ra dồn dập trên diện rộng, dẫn đến nhiều hồ chứa phải xả lũ khẩn cấp với lưu lượng rất lớn như hồ Hòa Bình năm 2017, hồ Bản Vẽ năm 2018, một số hồ ở Nghệ An và Lào Cai trong tháng 5, 6/2019... Việc điều hành xả lũ của các hồ chứa để bảo đảm an toàn công trình là công việc quan trọng, cấp thiết nếu vận hành không đúng quy trình thì sẽ gây ra thiệt hại lớn về tài sản, hoạt động sản xuất kinh doanh và môi trường sống, đặc biệt trong tình huống khẩn cấp hoặc vỡ đập có thể dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về người và cơ sở hạ tầng.
Nhằm đảm bảo an toàn và hạn chế thiệt hại, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai (Ban Chỉ đạo) đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố, các Bộ Nông nghiệp và PTNT, Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Chủ quản lý đập, hồ chứa nước khẩn trương thực hiện nghiêm túc các quy định về đảm bảo an toàn hạ du theo quy định của Nghị định số 114/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước, Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 07/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý, đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước, trong đó tập trung vào các nội dung:
1. Chủ quản lý đập, hồ chứa nước:
- Kiểm tra rà soát các phương án an toàn đập và hạ du, nhất là hệ thống đóng mở cửa van, hệ thống thông tin, cảnh báo xả lũ để kịp thời bổ sung, sửa chữa đảm bảo hoạt động thông suốt trong mùa mưa, lũ.
- Khẩn trương rà soát việc chuẩn bị nhân lực, vật tư, phương tiện theo phương án được phê duyệt, đặc biệt là trong tình huống xả lũ khẩn cấp; xây dựng và triển khai thực hiện quy chế phối hợp với địa phương.
- Lắp đặt các trạm đo mưa, mực nước, lưu lượng phục vụ tính toán dòng chảy đến hồ và điều tiết lũ; lắp đặt camera, hệ thống giám sát tự động, trực tuyến việc xả nước và truyền hình ảnh về Ban Chỉ huy các tỉnh và Ban Chỉ đạo; xây dựng các công cụ hỗ trợ để chủ động tham mưu, hỗ trợ công tác chỉ đạo điều hành kịp thời và tiến tới điều hành theo thời gian thực, nhất là đối với các tình huống khẩn cấp, bất thường, lũ về tăng đột biến.
- Tăng cường phổ biến, tuyên truyền, thông tin về vận hành xả lũ theo quy trình để nâng cao nhận thức cho người dân vùng hạ du có kế hoạch xử lý khi hồ xả lũ.
- Bố trí lực lượng, cán bộ có năng lực, kinh nghiệm trực ban liên tục trong mùa mưa lũ, theo dõi sát diễn biến để xử lý vận hành kịp thời, phù hợp.
- Chịu trách nhiệm về tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ các nội dung quy trình vận hành đơn hồ, liên hồ chứa được cấp có thẩm quyền phê duyệt; cung cấp thông tin, báo cáo kịp thời, chính xác cho Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương, Ban Chỉ đạo, các Bộ ngành Trung ương theo quy định.
2. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố:
- Chỉ đạo các cơ quan chức năng quán triệt, phối hợp với chủ quản lý đập, hồ chứa rà soát, điều chỉnh phương án đảm bảo an toàn cho hạ du phù hợp với thực tiễn, nhất là với các công trình đang thi công, cơ sở nuôi trồng thủy sản, phương tiện vận tải thủy, các bến đò ngang, đò dọc, hoạt động sản xuất kinh doanh, khai thác khoáng sản, sản xuất nông nghiệp nơi bãi sông,...; giải tỏa các công trình lấn chiếm lòng dẫn, gây cản trở thoát lũ.
- Tổ chức các đoàn kiểm tra, đánh giá khả năng an toàn, phương án ứng phó, chuẩn bị nhân lực, vật tư, phương tiện theo phương châm 4 tại chỗ, công tác thông tin, truyền tin tại cơ sở để cảnh báo khi hồ chứa xả lũ.
- Tổ chức tính toán phục vụ điều hành đảm bảo nhanh chóng, kịp thời, chính xác tiến tới theo thời gian thực nhất là đối với các tình huống khẩn cấp, bất thường, lũ về tăng đột biến.
- Không cho phép tích nước các hồ chứa không đảm bảo an toàn hoặc không tuân thủ chỉ đạo và các quy định về an toàn đập, hồ chứa nước; phân công cán bộ theo dõi vận hành các hồ chứa lớn xung yếu trên địa bàn.
- Rà soát, bổ sung hoặc đề xuất điều chỉnh những bất cập của quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông theo hướng chi tiết, cụ thể đảm bảo công tác vận hành phù hợp thực tiễn, đảm bảo an toàn đập, hạ du và phát huy hiệu quả sử dụng nguồn nước.
- Chỉ đạo, phối hợp các cơ quan truyền thông địa phương tổ chức thông tin, tuyên truyền đến cộng đồng, doanh nghiệp, người dân vùng hạ du hiểu đúng và đầy đủ về việc xả lũ của các hồ chứa nước.
2. Tổng cục Khí tượng thủy văn:
- Rà soát, cập nhật hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn, thủy lực để nâng cao chất lượng dự báo, nhất là độ tin cậy của bản tin dự báo, cảnh báo về định lượng mưa, lũ, lưu lượng dòng chảy đến hồ và mực nước hạ lưu trên hệ thống sông.
- Nghiên cứu, điều chỉnh bổ sung nội dung bản tin dự báo về mưa, lũ, lưu lượng của từng lưu vực sông trong từng thời gian cụ thể, cập nhật để đáp ứng yêu cầu chỉ đạo điều hành hồ chứa, liên hồ chứa trên lưu vực sông.
4. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng Trung ương, địa phương tăng cường đưa tin kịp thời về dự báo, cảnh báo thiên tai, tuyên truyền về quy trình vận hành hồ chứa trên các lưu vực sông trong mùa mưa lũ; hướng dẫn kỹ năng cho người dân để chủ động phòng tránh và ứng phó khi hồ chứa xả lũ.
5. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo các chủ quản lý đập, hồ chứa nước tuân thủ nghiêm quy trình vận hành liên hồ chứa được cấp có thẩm quyền phê duyệt và thực hiện các quy định về an toàn đập, hồ chứa nước theo quy định, đặc biệt là các hồ chứa đang thi công trong mùa mưa lũ, hồ chứa mới đưa vào sử dụng.
6. Giao Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo tham mưu triển khai thực hiện Chỉ thị này và đôn đốc, tổng hợp kết quả, báo cáo lãnh đạo Ban Chỉ đạo.
Đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố, các Bộ ngành, Chủ quản lý đập, hồ chứa nước và các cơ quan, đơn vị liên quan nghiêm túc triển khai, báo cáo kết quả thực hiện về Ban Chỉ đạo trước ngày 20/8/2019 (qua Văn phòng thường trực) để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.
|
KT. TRƯỞNG BAN |