Chỉ thị 61/CT-BTTTT năm 2012 về công tác thi đua, khen thưởng năm 2013 do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành
Số hiệu | 61/CT-BTTTT |
Ngày ban hành | 21/12/2012 |
Ngày có hiệu lực | 21/12/2012 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Bộ Thông tin và Truyền thông |
Người ký | Nguyễn Bắc Son |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội |
BỘ THÔNG TIN
VÀ |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 61/CT-BTTTT |
Hà Nội, ngày 21 tháng 12 năm 2012 |
CHỈ THỊ
VỀ CÔNG TÁC THI ĐUA, KHEN THƯỞNG NĂM 2013
Năm 2012, trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới còn gặp nhiều khó khăn thách thức nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ và ủng hộ của các Bộ, ngành, các tổ chức chính trị -xã hội và các địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi để ngành Thông tin và Truyền thông triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, chương trình công tác năm 2012, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của ngành Thông tin và Truyền thông trong đời sống chính trị, kinh tế-xã hội của đất nước, đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.
Phát huy kết quả đã đạt được và để thực hiện thắng lợi chương trình công tác trọng tâm năm 2013, lập thành tích thiết thực chào mừng kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948-11/6/2013), Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong ngành Thông tin và Truyền thông:
1. Tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc và nội dung đổi mới về công tác thi đua, khen thưởng theo tinh thần Chỉ thị số 39/CT-TW ngày 21 tháng 5 năm 2004 của Bộ Chính trị (Khóa IX), đồng thời thực hiện nghiêm túc các văn bản pháp luật về công tác thi đua, khen thưởng; qua đó nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm về công tác thi đua, khen thưởng trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tại mỗi cơ quan, đơn vị trong toàn ngành Thông tin và Truyền thông. Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể trong việc phát động, tổ chức triển khai các phong trào thi đua, làm cho phong trào thi đua trở thành hành động cách mạng sâu rộng, là động lực phát triển và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác năm 2013.
2. Tập trung đẩy mạnh các phong trào thi đua gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, trọng tâm là phong trào thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội (giai đoạn 2011-2015) theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng và phong trào thi đua “Ngành Thông tin và Truyền thông chung sức xây dựng nông thôn mới”.
3. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về chất trong các phong trào thi đua. Mỗi phong trào thi đua cần xác định rõ chủ thể, nội dung, hình thức và tiêu chí thi đua gắn với việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Bộ, của các cơ quan, đơn vị; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí bằng những việc làm cụ thể; đẩy mạnh việc triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, báo chí và xuất bản. Cùng với việc tổ chức phát động, tổng kết phong trào thi đua chung trong năm, cần phải quan tâm phát động các phong trào thi đua theo đợt, theo chuyên đề hoặc theo lĩnh vực với nội dung và hình thức phù hợp, bảo đảm thiết thực và hiệu quả.
4. Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác khen thưởng. Khen thưởng phải bám sát phong trào thi đua và trên cơ sở đánh giá đúng thành tích, đúng tiêu chuẩn, đảm bảo việc tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân được chính xác, có tác dụng nêu gương, giáo dục và có sức lan tỏa trong cơ quan, đơn vị. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước cấp ủy, tổ chức đảng và Bộ trưởng về việc đề nghị các hình thức khen thưởng, nhất là hình thức khen thưởng bậc cao.
5. Chú trọng việc phát hiện các nhân tố mới, các điển hình tiên tiến để khen thưởng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhân rộng các nhân tố mới, các điển hình tiên tiến để làm gương học tập nhằm tạo khí thế thi đua sôi nổi, cổ vũ mọi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động phát huy mọi khả năng và phẩm chất tốt đẹp để cống hiến cho sự nghiệp phát triển chung của Ngành, đồng thời góp phần tích cực bồi dưỡng, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, xây dựng nếp sống mới và xã hội văn minh, đẩy lùi những tư tưởng, việc làm tiêu cực, những thói hư, tật xấu trong đời sống xã hội.
6. Tổ chức tốt các Giải thưởng trong lĩnh vực Thông tin và Truyền thông theo đúng Quyết định số 51/2010/QĐ-TTg ngày 28/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế Quản lý tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân và doanh nghiệp; tôn vinh doanh nghiệp phải bảo đảm tính tiêu biểu, nêu gương, giáo dục và tạo được tác động tích cực, lan tỏa trong toàn xã hội.
7. Triển khai công tác kiểm tra, giám sát các nội dung về: thực hiện pháp luật thi đua, khen thưởng; tổ chức triển khai Kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Ngành Thông tin và Truyền thông chung sức xây dựng nông thôn mới” (theo Quyết định số 1831/QĐ-BTTTT ngày 04/11/2011 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông); tổ chức triển khai phong trào thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2015 theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng (theo Chỉ thị số 02/CT-BTTTT ngày 12/10/2011 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về việc tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 725/CT-TTg ngày 17/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ) để nắm bắt kịp thời những vấn đề còn vướng mắc, tồn tại, bất cập và đề xuất các biện pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho phong trào thi đua thực sự trở thành ý thức tự giác, trách nhiệm và thường xuyên, tạo động lực động viên, lôi cuốn, khuyến khích mọi tập thể, cá nhân phát huy truyền thống yêu nước, năng động, sáng tạo vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác thi đua, khen thưởng ở các cấp nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.
Nhận được Chỉ thị này, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong toàn ngành Thông tin và Truyền thông kịp thời phổ biến đến toàn thể cán bộ, công chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý; tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị này và định kỳ vào ngày 15 của tháng cuối quý báo cáo kết quả thực hiện về Thường trực Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Bộ (qua Vụ Tổ chức cán bộ) để tổng hợp báo cáo Bộ trưởng./.
Nơi nhận: |
BỘ TRƯỞNG |