Chỉ thị 57/2001/CT-BVHTT về tăng cường công tác thư viện trong các viện, trường đại học, cao đẳng trực thuộc Bộ văn hóa – Thông tin
Số hiệu | 57/2001/CT-BVHTT |
Ngày ban hành | 01/06/2001 |
Ngày có hiệu lực | 01/06/2001 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Bộ Văn hoá-Thông tin |
Người ký | Nguyễn Khoa Điềm |
Lĩnh vực | Văn hóa - Xã hội |
BỘ VĂN HÓA -
THÔNG TIN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 57/2001/CT-BVHTT |
Hà Nội, ngày 01 tháng 6 năm 2001 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC THƯ VIỆN TRONG CÁC VIỆN, TRƯỜNG ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG TRỰC THUỘC BỘ VĂN HÓA - THÔNG TIN
Trong những năm gần đây, hoạt động thông tin- thư viện của các viện, trường đại học, cao đẳng trực thuộc Bộ đã có nhiều đóng góp tích cực trong việc phục vụ nhiệm vụ học tập, giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Một số thư viện đã áp dụng công nghệ thông tin và từng bước hiện đại hóa thư viện, phục vụ đắc lực cho việc nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Tuy nhiên trước yêu cầu cấp bách của công tác thông tin-thư viện trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thư viện của các viện, trường đại học, cao đẳng trực thuộc Bộ văn hóa –thông tin gặp nhiều khó khăn, bộc lộ nhiều mặt hạn chế. Công tác thông tin-thư viện chưa được quan tâm đúng mức; cơ sở vật chất kỹ thuật còn thiếu và lạc hậu; cơ cấu tổ chức chưa rõ ràng, biên chế còn hạn hẹp, chế độ, chính sách cho người làm công tác thư viện chưa được đáp ứng đồng nhất, trình độ cán bộ thư viện còn bị hạn chế, nhất là tiếp cận với công nghệ tin học. Kinh phí dành cho hoạt động thư viện nhiều nơi còn thấp và không thường xuyên, chưa đáp ứng nhu cầu về giáo trình, sách chuyên ngành và tài liệu tham khảo phục vụ cho giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học tại các viện, trường đại học, cao đẳng trực thuộc Bộ hiện nay.
Để từng bước khắc phục tình trạng trên, kịp thời chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả hoạt động thư viện trong các viện, trường đại học, cao đẳng trực thuộc Bộ văn hóa – thông tin chỉ thị:
1) Yêu cầu lãnh đạo các viện, trường đại học, cao đẳng trực thuộc Bộ quan tâm thường xuyên đến công tác thông tin-thư viện; coi thư viện là một bộ phận quan trọng trong việc phục vụ, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học của đơn vị mình.
2) Các viện, trường tách riêng bộ phận thư viện, không sáp nhập với phòng, ban khác và có kế hoạch xây dựng, cải tạo, nâng cấp thư viện, ứng dụng công nghệ tin học trong công tác thông tin-thư viện; từng bước hiện đại hóa thư viện.
3) Đảm bảo kinh phí cho việc bổ sung nguồn tài liệu: giáo trình, sách, báo chuyên ngành tài liệu tham khảo, đồng thời kết hợp các hình thức trao đổi tài liệu giữa các thư viện để làm giàu vốn tài liệu, phục vụ tốt cho nhu cầu giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học.
4) lãnh đạo các viện, trường cần triển khai và giải quyết các chế độ, chính sách đối với cán bộ thư viện, đồng thời kiến nghị với Bộ sửa đổi, xây dựng chế độ, chính sách mới cho phù hợp. Thường xuyên quan tâm đến việc đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ thư viện.
5) Đẩy mạnh hợp tác với các cơ quan thông tin-thư viện trong nước (nhất là đối với hệ thống thư viện các trường đại học, viện nghiên cứu) đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế về đào tạo, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực thư viện.
Vụ thư viện phối hợp với các vụ có liên quan (Vụ Tổ chức -Cán bộ, Vụ Đào tạo, Vụ Kế hoạch, Vụ Tài chính- Kế toán, Vụ Hợp tác quốc tế, Văn phòng Bộ), các thư viện, trường đại học, cao đẳng trực thuộc Bộ chịu trách nhiệm triển khai và thi hành chỉ thị này.
|
BỘ TRƯỞNG BỘ
VĂN HÓA- THÔNG TIN |