Chỉ thị 56/CT-UB năm 1984 về kết hợp công tác kiểm tra xét cấp giấy phép kinh doanh và tiến hành cải tạo công thương nghiệp tư doanh trên địa bàn thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 56/CT-UB
Ngày ban hành 26/12/1984
Ngày có hiệu lực 26/12/1984
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Nguyễn Võ Danh
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----------

Số: 56/CT-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 26 tháng 12 năm 1984

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC KẾT HỢP CÔNG TÁC KIỂM TRA XÉT CẤP GIẤY PHÉP KINH DOANH VÀ TIẾN HÀNH CẢI TẠO CÔNG THƯƠNG NGHIỆP TƯ DOANH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ

Đến cuối tháng 11-1984 các quận huyện đã cơ bản hoàn thành công tác kiểm tra đăng ký kinh doanh đối với các hộ kinh doanh thương nghiệp, ăn uống và một số ngành dịch vụ, đồng thời đang tiến hành kiểm tra đăng ký kinh doanh các hộ sản xuất tiểu thủ công nghiệp, trên cơ sở đó nắm lại tình hình cơ bản trong từng ngành kinh tế kỹ thuật, chuẩn bị triển khai các phương án đã được Thường vụ Thành ủy và Thường trực UBND Thành phố duyệt cũng như lập phương án quy hoạch cải tạo và tổ chức lại sản xuất của những ngành kinh tế kỹ thuật còn lại.

Đối với những ngành đã kiểm tra xong tình hình và phát hiện những diễn biến phức tạp, các quận, huyện cần xem xét và chỉ đạo cụ thể. Trong nhiều ngành, nhất là ăn uống, số hộ kinh doanh không có giấy phép chiếm gần một nửa tổng số hộ đang kinh doanh, nhưng có khoảng một nửa số này đã nộp thuế hoặc có giấy phép nhận chuyển đơn lên quận huyện để xét. Một số hộ trước đây tránh né cải tạo, dồn sạp, trốn đăng ký kinh doanh, trốn thuế v.v…

Để làm tốt công tác kiểm tra đăng ký kinh doanh xét cấp giấy phép, và quản lý thị trường, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị :

1. Cần nhận thức việc thực hiện đúng điều lệ đăng ký kinh doanh là một mặt của công tác cải tạo: do đó cần nắm lại tình hình cơ bản trong từng ngành hàng, từng ngành kinh tế kỹ thuật, tạo điều kiện nắm tiền, nắm hàng, nắm chắc các hoạt động sản xuất kinh doanh của từng hộ cá thể, làm cơ sở cho việc triển khai công tác cải tạo đối với từng ngành.

2. Trong việc kiểm tra xét cấp giấy phép và xử lý các vụ vi phạm cần phải thực hiện đúng các nội dung sau đây :

a) Nắm chắc các quy định của Nhà nước về các chính sách, các loại hình cải tạo, các biện pháp, bước đi và thời gian hoàn thành việc cải tạo, tổ chức lại từng ngành kinh tế kỹ thuật, đồng thời phải với ý thức tận dụng mọi khả năng vật chất kỹ thuật, tiền vốn, mọi lực lượng lao động còn có thể sử dụng được, bố trí sắp xếp thỏa đáng và có phương hướng cụ thể điều hòa lao động từ nơi thừa sang nơi thiếu, từ thương nghiệp, ăn uống chuyển sang dịch vụ và sản xuất nhất là trong những ngành nghề còn có điều kiện phát triển theo quy hoạch của ngành và của địa bàn.

b) Trong quá trình xử lý cần phân biệt :

Về thương nghiệp – ăn uống :

- Những hộ đã có giấy phép nếu kinh doanh thuộc loại mặt hàng Nhà nước còn cho phép hoạt động thì để họ tiếp tục kinh doanh nhưng phải tăng cường công tác 5 quản. Những hộ trong diện hợp tác kinh doanh cần điều chỉnh lại theo khả năng thực tế của chủ hộ và cấp giấy mới. Khi đã vào hợp tác kinh doanh, phải chấp hành đúng các thủ tục đăng ký như quy định tạm thời của Ủy ban nhân dân thành phố.

- Đối với những hộ đã thu thuế nhưng chưa có giấy phép : Từ nay trở đi những hộ không có giấy phép của UBND quận huyện thì không được kinh doanh và cơ quan thuế các cấp không được thu thuế đối với những người kinh doanh không hợp pháp, không kể quy mô lớn hay nhỏ.

Những hộ đã thu thuế từ tháng 6-1984 về trước thì xử lý như sau :

+ Nếu thuộc diện hợp tác kinh doanh (những ngành đã được thành phố chỉ đạo) thì các ngành lên danh sách và bố trí sắp xếp theo quy hoạch hợp tác kinh doanh của ngành ; cấp cho chủ hộ một giấy biên nhận ghi rõ mặt hàng, quy mô và mức thuế đang thu.

+ Với những hộ kinh doanh có quy mô nhỏ không thuộc loại mặt hàng Nhà nước cấm tư nhân kinh doanh thì xét cấp giấy phép kinh doanh và hướng dẫn phường xã chịu trách nhiệm quy hoạch sắp xếp, ổn định địa điểm kinh doanh và thực hiện công tác 5 quản, tổ chức quản lý theo ngành hàng (tổ ngành hàng, đại lý v.v…).

+ Với những hộ kinh doanh những mặt hàng loại Nhà nước cấm tư nhân kinh doanh thì xem xét từng ngành, từng hộ, tạm thời cấp giấy phép kinh doanh có thời hạn 3 tháng hoặc 6 tháng và vận động, hướng dẫn từng bước cho họ chuyển ngành nghề. Những người có tay nghề giỏi, làm ăn đúng đắn thì có thể sử dụng làm ăn công trong mạng lưới thương nghiệp xã hội chủ nghĩa, kể cả làm đại lý bán lẻ cho từng thương nghiệp xã hội chủ nghĩa.

Về dịch vụ : nói chung những cơ sở có tay nghề, làm ăn chân chính đều cho phép hành nghề.

- Những cơ sở đã có giấy phép do Liên hiệp xã hoặc ngành kinh tế kỹ thuật quản lý thì ngành và Liên hiệp xã quy hoạch sắp xếp lại để quản lý kỹ thuật, chất lượng dịc vụ và ổn định giá cả theo sự chỉ đạo về giá của thành phố.

- Những cơ sở dịch vụ chưa có ngành quản lý, chưa có giấy phép mà chỉ mới đóng thuế, hoặc mới ra hành nghề, chưa xin phép thì phường xã xem xét, báo cáo với quận huyện : Nếu có tay nghề, làm ăn chân chính, đảm bảo chất lượng dịch vụ thì cấp giấy phép cho hoạt động, đưa vào quy hoạch cải tạo, tổ chức lại theo chủ trương của thành phố.

Với một số hộ nguyên là tư sản thương nghiệp đã được ở lại thành phố, có tay nghề muốn sống bằng lao động chân chính, còn vốn, có thiết bị máy móc, cũng được xét cấp giấy phép hành nghề đưa vào các hình thức cải tạo phù hợp.

Về sản xuất tư nhân, cá thể :

- Theo phương án quy hoạch của từng ngành kinh tế kỹ thuật và theo chánh sách đối với từng đối tượng, Liên hiệp xã kết hợp với ngành kinh tế kỹ thuật cải tạo, sắp xếp lại theo hướng sử dụng hết năng lực thiết bị máy móc, lao động kỹ thuật, mặt bằng, vốn liếng của các cơ sở, bố trí lại sản xuất cho phù hợp, bảo đảm các yêu cầu: không xáo trộn khu dân cư, môi trường, quản lý được sản xuất, chất lượng sản phẩm, các định mức của nha nước, tạo điều kiện để thương nghiệp xã hội chủ nghĩa nắm được hàng.

- Cũng như trong khu vực dịch vụ, trong sản xuất tiểu thủ công nghiệp, trừ những ngành không cho phép cơ sở tư nhân và cá thể tồn tại như xe đạp, dệt hồ nhuộm, in, nước mắm, thuốc lá, rượu, giấy, cao su, thủy tinh, sản xuất thuốc chữa bệnh…, những cơ sở sản xuất đã có giấy phép đều được tiếp tục cho hành nghề theo các yêu cầu nêu trên.

- Những cơ sở mới ra hoạt động chưa có giấy phép. Xét xử lý theo những nguyên tắc sau đây :

+ Cho phép đăng ký kinh doanh theo phương án quy hoạch của ngành kinh tế kỹ thuật đối với những hộ xét làm ăn chân chính, bảo đảm chất lượng sản phẩm, hoạt động theo điều lệ đăng ký kinh doanh và thu thuế đúng mức.

- Nghiêm trị bọn làm hàng giả, hàng xấu không đảm bảo chất lượng theo các quy định của Nhà nước, bọn ăn cắp vật tư của Nhà nước dù đã có giấp phép hành nghề cũng cấm kinh doanh, phạt thuế và truy tố trước pháp luật nếu là trường hợp nghiêm trọng.

3. Về nội dung giấy phép đăng ký kinh doanh :

Để tiếp tục tiến hành công tác quản lý tốt về mặt Nhà nước đối với các hộ sản xuất kinh doanh và dịch vụ, cần phân theo hai bước sau đây :

[...]