Chỉ thị 392-CT quán triệt và thực hiện Nghị quyết hội nghị lần thứ 8 của Ban chấp hành trung ương đảng (khoá v) và Nghị quyết 28 của Bộ chính trị về giá - lương - tiền trong công nghiệp quốc doanh do Hội đồng bộ trưởng ban hành
Số hiệu | 392-CT |
Ngày ban hành | 23/12/1985 |
Ngày có hiệu lực | 23/12/1985 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng |
Người ký | Đỗ Mười |
Lĩnh vực | Lao động - Tiền lương |
CHỦ
TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 392-CT |
Hà Nội, ngày 23 tháng 12 năm 1985 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC QUÁN TRIỆT VÀ RA SỨC PHẤN ĐẤU THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT HỘI NGHỊ LẦN THỨ 8 CỦA BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG (KHOÁ V) VÀ NGHỊ QUYẾT 28 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ GIÁ - LƯƠNG - TIỀN TRONG CÔNG NGHIỆP QUỐC DOANH
Nghị quyết Trung ương 8 giải quyết vấn đề giá - lương - tiền, khâu đột phá có tính quyết định để chuyển hẳn sang hạch toán kinh tế, kinh doanh xã hội chủ nghĩa trên cơ sở kế hoạch hoá, đã tạo điều kiện hoàn thiện và thực hiện cơ chế quản lý mới trong nền kinh tế quốc dân nói chung và trong công nghiệp quốc doanh nói riêng được xây dựng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khoá V).
Tuy nhiên, qua thực hiện cơ chế giá - lương - tiền mới, các cơ sở công nghiệp quốc doanh gặp một số khó khăn như giá thành sản xuất tăng cao, một số loại hàng khó tiêu thụ, Nhà nước giảm hoặc không còn tích luỹ, một số xí nghiệp bị lỗ.
Những khó khăn này bắt nguồn từ nền kinh tế của ta còn ở trình độ thấp và còn mất cân đối nặng; sắp xếp và tổ chức sản xuất - lưu thông, sự phân công giữa sản xuất lưu thông trong khâu tiêu thụ sản phẩm còn nhiều bất hợp lý; công tác quản lý kinh tế còn yếu kém nhiều cơ sở sản xuất mới sử dụng từ 40 đến 50% công suất thiết bị và lao động, hao phí vật chất và lao động cao, năng suất lao động thấp, chất lượng sản phẩm kém, lãng phí và các yếu tố tiêu cực còn nhiều; khả năng tiếp thu của xã hội còn thấp, giá thị trường cũng còn chịu ảnh hưởng của chế độ bao cấp; trong khi đó yêu cầu cấp bách là phải xoá bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp trong giá - lương - tiền.
Điều đáng chú ý là những khó khăn trên đây vẫn xảy ra mặc dù theo Nghị quyết 28-NQ-TW của Bộ Chính trị, việc xoá bỏ bao cấp, xoá bỏ bù lỗ trong nền kinh tế quốc dân, tính đủ chi phí vào giá thành mới chỉ làm một bước, Nhà nước vẫn phải bù lỗ khá lớn trong giá tư liệu sản xuất (nhất là tư liệu sản xuất nhập khẩu), cước vận tải và giá một số hàng tiêu dùng thiết yếu.
Hướng giải quyết những khó khăn trước mắt chủ yếu là bản thân các cơ sở sản xuất phải phấn đấu kiên cường, phát huy cao độ tinh thần làm chủ tập thể, chủ động sáng tạo đẩy mạnh sản xuất, cải tiến quản lý để hạ giá thành, chuyển dần từ lỗ sang hoà vốn rồi tiến lên có lãi; các ngành, các cấp ra sức phấn đấu khôi phục lại trật tự kinh tế, ổn định thị trường và giá cả để tạo điều kiện cho các cơ sở thực hiện được kế hoạch cả về sản lượng và về giá trị, thực hiện được hạch toán kinh tế thực sự và nâng đần hiệu quả kinh tế.
Theo hướng giải quyết này, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đề ra một số chủ trương, biện pháp mà các cơ sở sản xuất công nghiệp, các tổ chức phục vụ cho sản xuất và các cơ quan quản lý phải thực hiện như sau:
I. ĐỐI VỚI BẢN THÂN CÁC CƠ SỞ CÔNG NGHIỆP QUỐC DOANH
1. Cơ bản nhất là phải đẩy mạnh sản xuất phát triển bằng cách chủ động và triệt để khai thác các nguồn khả năng về năng lượng, nguyên vật liệu để tận dụng năng lực sản xuất hiện có như tận dụng vật tư tồn kho, phế liệu, liên kết với các tổ chức kinh tế khác để sản xuất thêm nguyên vật liệu; đẩy mạnh sản xuất hàng xuất khẩu để tự tạo khả năng nhập khẩu thêm các loại vật tư mà Nhà nước chưa cân đối đủ; tận dụng vốn có khả năng vay của nước ngoài để nhập vật tư nguyên liệu cho sản xuất và cố gắng quay vòng nhiều lần để làm ra nhiều sản phẩm, tăng nhanh doanh số và đạt hiệu quả cao.
Xí nghiệp phải gắn sản xuất với nguồn cung ứng vật tư và thị trường tiêu thụ sản phẩm, xuất phát từ nhu cầu của xã hội để đặt kế hoạch sản xuất và điều chỉnh kế hoạch; xuất phát từ chính sách giá mới và theo nguyên tắc kinh doanh xã hội chủ nghĩa để xây dựng phương án sản xuất, cơ cấu mặt hàng có hiệu quả nhất trong một thời kỳ. Những hàng tuy cần thiết nhưng nhu cầu thị trường đã được thoả mãn thì chuyển sang sản xuất những mặt hàng khác mà thị trường đòi hỏi. Những hàng bị lỗ, nếu không phải là những hàng thiết yếu phải bảo đảm chính sách thì chuyển sang sản suất những mặt hàng có lãi. Giám đốc xí nghiệp được quyền điều hành sản xuất linh hoạt kịp thời miễn là phát triển được sản xuất, đáp ứng đúng nhu cầu xã hội, bảo đảm được nghĩa vụ Nhà nước giao và kinh doanh có hiệu quả.
2. Phấn đấu hạ giá thành sản xuất đến mức hợp lý hơn, nâng cao hiệu quả kinh tế là nhiệm vụ cấp bách hiện nay của các xí nghiệp.
Nếu khắc phục được những bất hợp lý và những yếu kém trong tổ chức sản xuất, trong quản lý và nếu lập lại được trật tự kinh tế, ổn định được thị trường và giá cả thì khả năng giảm giá thành rất lớn.
a) Trước hết phải khẩn trương sắp xếp và tổ chức lại sản suất. Những nguyên tắc, chủ trương, biện pháp được đề ra trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết số 156-HĐBT ngày 30-11-1984, Chỉ thị số 120-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng và Thông tư số 34-CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về vấn đề này vẫn phù hợp và phải được tiếp tục thực hiện
Dưới sự chỉ đạo của Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng, các Bộ, các địa phương, các cơ sở phải chủ động tiến hành việc sắp xếp tổ chức lại sản xuất.
Liên hiệp các xí nghiệp căn cứ vào nguồn vật tư, phương án sản xuất và cơ cấu mặt hàng của toàn ngành, vào trang bị kỹ thuật của từng xí nghiệp thành viên để phân bố kế hoạch giữa các xí nghiệp trong liên hiệp, giữa xí nghiệp trung ương và xí nghiệp địa phương, giữa xí nghiệp quốc doanh và tiểu thủ công nghiệp, tổ chức hợp lý sự hiệp tác giữa các xí nghiệp thành viên trong việc xử lý các công đoạn sản xuất nhằm phát huy thế mạnh của mỗi cơ sở, làm ra sản phẩm có chất lượng cao nhất, giá thành thấp nhất.
Các xí nghiệp xuất phát từ phương án sản xuất và cơ cấu mặt hàng đã được lựa chọn để chủ động tổ chức lại sản xuất cho thích ứng và có hiệu quả cao nhất.
Trong kế hoạch 1986 của các xí nghiệp phải đề ra nhiệm vụ cụ thể về sắp xếp và tổ chức lại sản xuất; đồng thời căn cứ vào kết quả có thể đạt được, mà xây dựng các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh phù hợp.
b) Tăng cường và cải tiến quản lý, ra sức phấn đấu để đạt những chi phí sản xuất hợp lý và hiệu quả kinh tế cao.
- Trước hết phải soát lại các mức tiêu hao vật chất và lao động, phân tích sâu sắc những nguyên nhân đã làm tăng mức tiêu hao trong thời gian qua, phát động công nhân, viên chức xây dựng những định mức tiêu hao hợp lý sát thực tế và ra sức phấn đấu thực hiện các định mức đó.
- Tính đủ số thiết bị cần thiết cho việc thực hiện kế hoạch sản xuất trong năm, số không cần dùng thì xin chuyển nhượng cho cơ sở khác có nhu cầu, số chưa cần dùng đến ngay thì xin niêm cất để khỏi phải chịu khấu hao, thiết bị phế thải phải thanh lý sớm.
Triệt để tận dụng công suất các tài sản cố định được đưa vào sử dụng. Nếu vì thiếu nguyên liệu mà dôi công suất thì xí nghiệp được phép làm gia công cho các tổ chức kinh tế khác.
Xí nghiệp phải thực hiện đúng chế độ sửa chữa lớn để tăng số ngày giờ hoạt động của thiết bị và được tính vào giá thành đủ chi phí sửa chữa lớn. Bằng lợi ích vật chất thích đáng, khuyến khích công nhân, viên chức, xí nghiệp tự chế tạo phụ tùng thay thế, tự khôi phục thiết bị hỏng, tự nghiên cứu cải tiến thiết bị như một số xí nghiệp đã làm có kết quả tốt.
- Tính chi phí về nguyên vật liệu, nhiên liệu, động lực trên cơ sở các định mức tiêu hao trung bình tiên tiến; xác định rõ định mức phát sinh phế liệu và phải thu hồi phế liệu.
- Chi phí tiền lương phải tính trên cơ sở sắp xếp lại lao động để có biên chế hợp lý, bảo đảm ngày công, giờ công hữu ích và trên cơ sở chính sách lương mới và các khoản phụ cấp, trợ cấp, bù giá được Nhà nước quy định.
Thực hiện rộng rãi chế độ làm khoán và làm theo hợp đồng, gắn thu nhập thực tế với kết quả lao động hữu ích, tăng thu nhập cho những người có tay nghề và năng suất cao, khắc phục những hiên tượng làm giảm năng suất lao động như chuẩn bị sản xuất không chu đáo để người chờ việc, giao ca kíp chiếm nhiều thời gian lao động, đến muộn về sớm, vừa làm vừa chơi, làm việc tắc trách không có hiệu quả, không chấp hành đúng kỷ luật lao động v.v... Những người chây lười đã được giáo dục mà vẫn không sửa chữa thì kiên quyết cho thôi việc.
Sau khi đã triệt để khai thác mọi khả năng tận dụng công suất thiết bị để tận dụng lao động, nếu vẫn còn số lao động dôi ra thì xử lý như quy định trong Quyết định số 285-HĐBT ngày 23-12-1985 của Hội đồng Bộ trưởng.
- Tính các chi phí quản lý đúng chế độ quy định, Bộ Tài chính sửa lại ngay các chế độ không phù hợp với chính sách giá và lương mới. Kiên quyết chấm dứt việc chi tiêu về quà biếu, đăng cai hội nghị và gánh những chi phí hành chính - sự nghiệp cho cấp trên, liên hoan, chiêu đãi, và những chi tiêu xa hoa lãng phí khác.