Chỉ thị 34/2002/CT-UB thực hiện Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành

Số hiệu 34/2002/CT-UB
Ngày ban hành 30/12/2002
Ngày có hiệu lực 30/12/2002
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Hoàng Văn Nghiên
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 34/2002/CT-UB

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2002 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN PHÁP LỆNH BẢO VỆ BÍ MẬT NHÀ NƯỚC

Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước được Chủ tịch Hội Đồng Nhà nước công bố ngày 8/11/1991, lãnh đạo các ngành, các địa phương trong cả nước, các cơ quan, đơn vị và nhân dân Thủ đô đã nhận thức và thực hiện tốt công tác giữ gìn bí mật Nhà nước, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh chính trị cho đất nước nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng.

Tuy nhiên qua 9 năm thực hiện còn bộc lộ những sơ hở, thiếu sót, ý thức cảnh giác của nhiều cán bộ, người dân về bảo vệ bí mật Nhà nước chưa cao, tình trạng vi phạm quy chế bảo vệ bí mật Nhà nước ở nhiều lĩnh vực công tác còn phổ biến, kéo dài…Việc xử lý các trường hợp vi phạm bí mật Nhà nước chưa triệt để, kịp thời.

Ngày 28/12/2000 Chủ tịch Quốc hội đã ký Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước (số 30/2000/PL-UBTVQH10) thay thế Pháp lệnh ngày 28/10/1991. Ngày 28/3/2002 Thủ tướng chính phủ đã có Nghị định số 33/2002/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước và ngày 13/9/2002 Bộ Công an có Thông tư số 12/TT-BCA (A11) hướng dẫn thực hiện Nghị định.

Để thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước trong bối cảnh đất nước ta đang tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới, thực hiện sự nghiệp Công nghiệp hoá, Hiện đại hoá đất nước và Thủ đô, mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật với nước ngoài, công tác bảo vệ bí mật Nhà nước là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, ổn định chính trị tạo điều kiện cho sự nghiệp đổi mới thành công. Vì vậy UBND Thành phố yêu cầu lãnh đạo các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức kinh tế, các đoàn thể, đơn vị vũ trang (gọi chung là cơ quan, đơn vị nghiệp vụ) và mọi công dân ở Thủ đô Hà Nội triển khai thực hiện tốt các công tác sau:

1-/ Tổ chức phổ biến, quán triệt cho toàn thể cán bộ, công nhân viên và nhân dân, nhất là cán bộ lãnh đạo, người quản lý, tiếp xúc với bí mật Nhà nước nội dung 03 văn bản trên. Tổ chức tập huấn cho những cán bộ nhân viên làm công tác bảo mật về công tác bảo vệ bí mật Nhà nước. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải tổ chức đánh giá việc thực hiện Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước trong thời gian qua, liên hệ kiểm điểm những mặt làm được, chưa làm được trong công tác bảo vệ bí mật Nhà nước ở cơ quan, đơn vị mình. Từ đó đề ra những nhiệm vụ, biện pháp cụ thể phải thực hiện, tập trung giải quyết trong thời gian tới.

Sau hội nghị triển khai của UBND thành phố, UBND các quận, huyện và các Ban, ngành của Thành phố phải có kế hoạch cụ thể và triển khai thực hiện công tác này, báo cáo bằng văn bản với UBND thành phố và hoàn thành việc tổ chức học tập cho cán bộ công nhân viên các cơ quan, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, phường, xã… trong toàn thành phố trước ngày 31/1/2003.

2-/ Tổ chức rà soát lại danh mục Bí mật Nhà nước, quy chế bảo mật để bổ sung, hoặc sửa đổi, thay đổi độ mật cho phù hợp với Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước được ban hành năm 2000. Các ban, ngành của thành phố, UBND các quận, huyện gửi văn bản báo cáo UBND thành phố về "Danh mục bí mật Nhà nước đã và đang quản lý" và "Quy chế bảo mật" trước ngày 31/12/2002. Chú ý: không để sót lọt bí mật Nhà nước đồng thời cũng không liệt kê tràn lan, tuỳ tiện. Tiến hành xây dựng nội dung quản lý khu vực, địa điểm cấm và tổ chức công tác bảo vệ sau khi được Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt các địa điểm, khu vực cấm ở địa phương mình.

3-/ Bố trí đủ cán bộ có phẩm chất tốt, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao (chuyên trách, hoặc kiêm nghiệm). Lập danh sách và gửi cho cơ quan công an cùng cấp trước ngày 28/2/2003 để bồi dưỡng nghiệp vụ công tác bảo vệ bí mật Nhà nước. Khi tuyển dụng, hoặc thuyên chuyển các cán bộ này phải trao đổi với đơn vị công an cùng cấp, hoặc đơn vị công an quản lý địa bàn. Tổ chức cho cán bộ, nhân viên quản lý, tiếp xúc với bí mật Nhà nước làm cam kết bảo vệ bí mật Nhà nước theo đúng quy định của Pháp lệnh (thực hiện trong đầu tháng 02/2003)

4-/ Phân định rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân trong từng phần việc trên tất cả các khâu bảo vệ bí mật Nhà nước như: soạn thảo, in ấn, sao, chụp, phổ biến, nghiên cứu, vận chuyển, giao nhận, thống kê, lưu giữ, bảo quản, đăng ký, xác định khu vực, địa điểm cấm, nơi cất giữ, nơi tiến hành các hoạt động có nội dung thuộc phạm vi bí mật Nhà nước. Trang bị cho bộ phận văn thư các con dấu về độ mật, con dấu "tài liệu thu hồi", con dấu "Chỉ người có tên mới được bóc bì", Con dấu các chữ A, B, C xác định độ mật đóng ở ngoài bì tài liệu theo mẫu quy định tại thông tư số 12/2002 ngày 13/9/2002 của Bộ Công an.

Thực hiện nghiêm túc việc bảo vệ bí mật mã quốc gia, bí mật Nhà nước khi truyền đi bằng phương tiện thông tin liên lạc, trong hoạt động xuất bản, báo chí, và thông tin đại chúng khác, trong việc cung cấp tin thuộc phạm vi bí mật Nhà nước cho cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam và trong quan hệ tiếp xúc với tổ chức, cá nhân nước ngoài.

5-/ Thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, kiểm tra đôn đốc các cán bộ nhân viên thực hiện tốt Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước và chủ động phối hợp với cơ quan công an xử lý các vụ việc vi phạm quy chế bảo vệ bí mật Nhà nước.

6-/ Công an thành phố: Thực hiện tốt chức năng tham mưu, phục vụ UBND thành phố chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thực hiện Pháp lệnh Bảo vệ Bí mật Nhà nước; Duy trì hoạt động của Hội đồng thẩm định danh mục bí mật Nhà nước thành phố, phối hợp với Văn phòng Hội đông nhân dân UBND thành phố phục vụ UBND thành phố tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nươc tới các cán bộ chủ chốt của thành phố thực hiện công tác kiểm tra định kỳ, hoặc đột xuất đối với các ban, ngành của thành phố, và UBND thành phố, các quận, huyện về công tác triển khai thực hiện Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước trên địa bàn Thủ đô.

-  Phối hợp với các ngành chức năng và UBND các quận, huyện tiến hành tiến hành điều tra cơ bản, xác định các "Khu vực cấm" và "Địa điểm cấm" báo cáo UBND thành phố để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

- Công tác bảo vệ bí mật Nhà nước là một nội dung bắt buộc trong tập huấn lực lượng bảo vệ của các cơ quan, đơn vị, lực lượng công an xã, khi xét duyệt cơ quan, phường xã đạt an toàn hoặc tặng các danh hiệu thi đua trong phong trào hoặc tặng các danh hiệu thi đua trong phong trào Bảo vệ an ninh Tổ quốc.

7-/ Đề nghị Ban tuyên giáo Thành uỷ có kế hoạch chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng của thành phố thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn ý thức cảnh giác, nghĩa vụ của các cơ quan đơn vị, công dân trong bảo vệ bí mật Nhà nước. Lên án các hành vi xâm phạm, tiết lộ bí mật Nhà nước để cán bộ và nhân dân Thủ đô chú trọng ngừa, nhằm bịt kín mọi sơ hở, giữ gìn an toàn bí mật Nhà nước. Lên án các hành vi xâm phạm, tiết lộ bí mật Nhà nước để cán bộ và nhân dân Thủ đô chú trọng phòng ngừa, nhằm bịt kín mọi sơ hở, giữ gìn an toàn bí mật Nhà nước. góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, ổn định chính trị tạo điều kiện cho sự nghiệp đổi mới thành công.

8-/ Sở Tài chính vật giá có kế hoạch hướng dẫn UBND các quận, huyện và các ban, ngành dự trù kinh phí, phương tiện để phục vụ tốt việc triển khai thực hiện Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước.

9-/ Thủ tướng các cơ quan đơn vị chịu trách nhiệm về bảo vệ bí mật Nhà nước trong phạm vi quản lý của mình, phải khẩn trương tổ chức thực hiện nghiêm túc chỉ thị này.

Giao cho đồng chí Giám đốc CATP giúp UBND thành phố hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan đơn vị trong toàn thành phố triển khai thực hiện chỉ thị, đề xuất với UBND thành phố khen thưởng những cơ quan, đơn vị, cá nhân có thành tích thực hiện tốt công tác bảo vệ bí mật nhà nước và xử lý kỷ luật những cơ quan, đơn vị, người vi phạm. Các báo cáo của các cơ quan, đơn vị về công tác này gửi UBND thành phố đóng gửi CATP-PA25 để theo dõi, quản lý.

  

 

T/M UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
CHỦ TỊCH




Hoàng Văn Nghiên

 

 

3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ