Chỉ thị 33-CT/TW năm 1994 về lãnh đạo phòng, chống các tệ nạn xã hội do Ban Chấp hành trung ương ban hành
Số hiệu | 33-CT/TW |
Ngày ban hành | 01/03/1994 |
Ngày có hiệu lực | 16/03/1994 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Ban Chấp hành Trung ương |
Người ký | Đào Duy Tùng |
Lĩnh vực | Văn hóa - Xã hội |
BAN
CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG |
ĐẢNG
CỘNG SẢN VIỆT NAM |
Số: 33-CT/TW |
Hà Nội, ngày 01 tháng 03 năm 1994 |
CHỈ THỊ
VỀ LÃNH ĐẠO PHÒNG, CHỐNG CÁC TỆ NẠN XÃ HỘI
Phòng, chống, khắc phục có hiệu quả các tệ nạn xã hội, trước hết là nạn mại dâm, nghiện ma túy, là một nhiệm vụ cấp bách hiện nay mà Đảng và Nhà nước ta phải kiên quyết lãnh đạo thực hiện để có bước tiến bộ rõ rệt ngay từ năm 1994.
Điều kiện quyết định để phòng, chống có kết quả các tệ nạn xã hội là đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, phát động được phong trào nhân dân, tăng cường sự quản lý của các cơ quan nhà nước, phát huy vai trò tích cực của các đoàn thể nhân dân dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng trong cả nước.
Ban Bí thư yêu cầu:
1. Tất cả các cấp ủy và tổ chức Đảng từ Trung ương đến cơ sở phải đặt công tác phòng, chống các tệ nạn xã hội, trước hết nạn mại dâm, nghiện ma túy, phòng chống bệnh AIDS thành một nhiệm vụ rất quan trọng trong năm 1994.
2. Các cấp ủy, tổ chức Đảng phải đề ra và thực hiện chương trình, kế hoạch lãnh đạo phòng, chống các tệ nạn xã hội của địa phương gắn với chương trình, kế hoạch của Chính phủ và cơ quan Nhà nước cấp trên.
Thường trực cấp ủy hàng tháng hoặc hàng quý phải nghe ban cán sự Đảng, cơ quan chính quyền báo cáo và cho ý kiến cụ thể về việc thực hiện nhiệm vụ này.
Các cấp ủy phải chỉ đạo chặt chẽ sự phối hợp hoạt động giữa các tổ chức Đảng, các cơ quan Nhà nước, các đoàn thể nhân dân, các tổ chức kinh tế trong công tác tuyên truyền giáo dục, tổ chức chữa bệnh, giáo dục và dạy nghề cho người nghiện hút và mại dâm, phát hiện và trừng trị nghiêm bọn tội phạm.
3. Trước hết phải tập trung chỉ đạo việc phát động phong trào quần chúng rộng khắp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cả chiều rộng và chiều sâu, tạo ra dư luận xã hội mạnh mẽ phê phán, bài trừ các tệ nạn xã hội.
Các cơ quan phát thanh, truyền hình, báo chí, văn hóa nghệ thuật coi tuyên truyền, giáo dục phòng, chống tệ nạn xã hội là một nhiệm vụ quan trọng thường xuyên. Các báo, đài cần mở các chuyên mục tuyên truyền giáo dục phòng, chống tệ nạn xã hội, gắn liền với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng và buôn lậu, lo việc làm cho người thất nghiệp, xây dựng gia đình “no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, nhất là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức tuyên truyền vận động sâu đến từng đoàn viên, hội viên, từng gia đình, làm cho mỗi người, mỗi nhà thấy rõ tác hại, hậu quả nghiêm trọng của tệ nạn xã hội, từ đó tự giác giữ gìn đạo đức, lối sống lành mạnh, tự điều chỉnh hành vi ứng xử của mình trong gia đình và trong quan hệ xã hội, chủ động và tích cực tham gia cùng các cơ quan Nhà nước, các đoàn thể nhân dân khắc phục có hiệu quả các tệ nạn xã hội ở từng thôn, xóm, xã, phường.
4. Các Đảng bộ cơ sở phải đưa nhiệm vụ lãnh đạo phòng, chống tệ nạn xã hội, cùng với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, buôn lậu vào nội dung sinh hoạt thường kỳ của Đảng bộ, chi bộ. Tổ chức của Đảng phải thường xuyên kiểm tra cán bộ, đảng viên trong công tác, trong cuộc sống ở gia đình và ngoài xã hội. Những đảng viên có biểu hiện sống không lành mạnh phải được giáo dục và ngăn chặn kịp thời. Nếu vi phạm thì phải xử lý nghiêm theo kỷ luật của Đảng và pháp luật Nhà nước. Khai trừ ra khỏi Đảng những đảng viên nghiện hút và có hành vi mua dâm, trụy lạc.
Ban Bí thư yêu cầu các tỉnh ủy, thành ủy, các cấp ủy trực thuộc Trung ương khẩn trương lãnh đạo việc thực hiện Chỉ thị này.
Chỉ thị này được phổ biến đến chi bộ Đảng.
|
TM.
BAN BÍ THƯ |