Chỉ thị 33/2004/CT-UB tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn thành phố, từ nay đến sau Tết Nguyên đán Ất Dậu 2005 do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Số hiệu | 33/2004/CT-UB |
Ngày ban hành | 31/12/2004 |
Ngày có hiệu lực | 31/12/2004 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Thành phố Hồ Chí Minh |
Người ký | Nguyễn Thiện Nhân |
Lĩnh vực | Thể thao - Y tế |
ỦY BAN NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 33/2004/CT-UB |
TP. Hồ Chí Minh, ngày 31 tháng 12 năm 2004 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH CÚM GIA CẦM TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ, TỪ NAY ĐẾN SAU TẾT NGUYÊN ĐÁN ẤT DẬU 2005
Hiện nay, bệnh dịch cúm gia cầm đã xuất hiện trở lại tại một số tỉnh phía Nam, đang ngày càng lan rộng và có khả năng tái phát cao so với trước đây. Đặc biệt đã xảy ra tình trạng một số đàn thủy cầm chết hàng loạt do virus cúm chủng H5N1 tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Nghiêm trọng hơn, đã có một trường hợp người bị nhiễm bệnh do virus cúm chủng H5N1 tại tỉnh Tây Ninh.
Để đảm bảo tình hình an sinh xã hội, phòng tránh khả năng dịch bệnh xảy ra trên địa bàn thành phố gây hậu quả xấu tác động đến kinh tế, xã hội năm 2005, nhất là thời điểm Tết Nguyên đán ất Dậu sắp đến khi nhu cầu tiêu dùng gia cầm, sản phẩm gia cầm của người dân thành phố có xu hướng gia tăng; Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Ủy ban nhân dân các quận, huyện, Sở, ngành, các doanh nghiệp chăn nuôi, kinh doanh gia cầm khẩn trương thực hiện một số biện pháp cấp bách sau đây :
1. Giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện thực hiện:
- Tổ chức củng cố lại hoạt động của Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm quận, huyện, phường, xã; bổ sung nhân sự nếu có thay đổi. Phân công trách nhiệm cụ thể và địa bàn phụ trách của các thành viên Ban chỉ đạo để tổ chức đi kiểm tra tình hình các địa bàn trọng điểm như vận chuyển, kinh doanh, giết mổ, nếu chưa được phép của cơ quan chức năng thì phải xử lý tịch thu và tiêu hủy.
- Tổ chức các đoàn công tác gồm cán bộ chính quyền, các đoàn thể quần chúng, trong đó lấy lực lượng thú y làm nòng cốt, tổ chức kiểm tra, giám sát dịch bệnh đến tận thôn, ấp, hộ chăn nuôi nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp dịch bệnh nếu có xảy ra, ngăn chặn có hiệu quả việc bán gia cầm, thủy cầm nhiễm bệnh; tăng cường tiêu độc, sát trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi, chú trọng những nơi có ổ dịch cũ (Củ Chi, Bình Chánh, quận 9, Gò Vấp), nơi chôn hủy gia cầm - thủy cầm trước đây.
- Chỉ đạo các lực lượng Công an, Quản lý thị trường và Thú y của từng địa phương phối hợp với Ủy ban nhân dân các phường, xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, xử lý triệt để, không để cho hoạt động các điểm giết mổ gia cầm trái phép không đảm bảo các quy định và không để tồn tại các điểm kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa qua kiểm dịch, kiểm soát giết mổ của ngành Thú y trên địa bàn.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho mọi người hiểu biết về bệnh cúm gia cầm để chủ động phòng, chống dịch khi phát hiện dịch bệnh phải báo cáo ngay cho chính quyền và thú y địa phương để kịp thời xử lý, khoanh vùng những ổ dịch. Việc thông tin về tình hình những ổ dịch phải kịp thời, chính xác, tránh gây hoang mang trong nhân dân và làm ảnh hưởng tới giá cả thị trường, cũng như lợi ích chính đáng của người chăn nuôi. Thiết lập hệ thống thông tin, đường dây nóng để người dân kịp thời báo cáo, thông tin tình hình dịch bệnh xảy ra trên địa bàn (Danh sách các thành viên Ban Chỉ đạo, Công an, Quản lý thị trường, Thú y, các đoàn thể...) để kịp thời huy động ứng phó khi có tình huống dịch xảy ra, xử lý nhanh, gọn, an toàn. Gởi cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn danh sách này giúp thông tin, phổ biến kịp thời đến các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cúm gia cầm thành phố biết để chỉ đạo, phối hợp và hỗ trợ.
- Xây dựng phương án phòng chống dịch bao gồm các biện pháp phòng khi chưa có dịch xảy ra và tổ chức các biện pháp chống dịch khi có dịch bệnh phát sinh (địa điểm xử lý, thông tin dịch tễ, tổ chức các lực lượng chống dịch, kiểm tra việc chuẩn bị các điều kiện chống dịch của các ngành Thú y, Y tế, Môi trường …).
- Chỉ đạo Phường, xã có chăn nuôi vịt kiểm tra các hộ, yêu cầu thực hiện cam kết nuôi nhốt vịt, không thả trên sông, rạch, kênh, hồ nước sử dụng chung hoặc lùa vịt từ địa bàn này sang địa bàn khác, nhằm tránh lây lan dịch bệnh cúm gia cầm, khuyến cáo thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, tiêu độc sát trùng, vệ sinh chuồng trại thường xuyên, hạn chế tham quan, chấp hành việc xét nghiệm giám sát huyết thanh học theo hướng dẫn của Chi cục Thú y thành phố, phạt nghiêm khắc các trường hợp cố tình vi phạm các qui định hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tăng cường vận động người chăn nuôi tạm thời không nuôi mới hoặc tăng đàn thủy cầm.
2. Nghiêm cấm việc vận chuyển, giết mổ, mua bán gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, hoặc không qua kiểm dịch, kiểm soát giết mổ của ngành thú y. Mọi trường hợp vi phạm đều phải bị xử lý tịch thu và tiêu hủy.
3. Giao Chi cục Quản lý thị trường thành phố chủ trì phối hợp với các lực lượng Công an (Cảnh sát giao thông, Cảnh sát 113), Thú y thành lập các tổ liên ngành thực hiện kiểm tra 24/24 tại các trục quốc lộ, liên tỉnh lộ, các ngõ ra vào thành phố nhằm ngăn chặn, phát hiện, xử lý kiên quyết các trường hợp vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép, không qua kiểm dịch của thú y. Cho phép lực lượng Công an kiểm tra các phương tiện vận chuyển hành khách từ các tỉnh về thành phố nếu có dấu hiệu nghi ngờ vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm và tạm giữ các phương tiện vận chuyển cố tình trốn tránh kiểm dịch.
4. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chi cục Thú y chuẩn bị tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố trước ngày 07 tháng 01 năm 2005 phương án phòng chống dịch cụ thể đề phòng khi có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn thành phố. Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện phương án phòng chống dịch ở các địa phương và của các ngành chức năng. Thực hiện chế độ báo cáo thông tin hàng ngày về Ban chỉ đạo phòng chống dịch gia cầm, thủy cầm thành phố.
5. Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, Công ty Môi trường đô thị bố trí nhân sự tiếp nhận tiêu hủy gia cầm, sản phẩm gia cầm do các cơ quan chức năng tịch thu bàn giao, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ.
6. Giao Sở Y tế có phương án chuẩn bị vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống dịch. Theo dõi tình hình sức khỏe cộng đồng, nhất là các lực lượng tham gia công tác phòng chống dịch, chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc phòng ngừa cần thiết. Đồng thời kết hợp ngành Thú y kiểm tra, giám sát việc trang bị bảo hộ của những người tham gia hoạt động kinh doanh, giết mổ gia cầm.
7. Giao Sở Thương mại chỉ đạo Phòng Kinh tế các quận huyện, Ban Quản lý các chợ phối hợp với ngành Thú y kiểm tra, xử lý triệt để các hộ kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép, hoặc trốn tránh kiểm dịch, kiểm soát giết mổ.
8. Giao Sở Tài chính hướng dẫn các Phòng Tài chính, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các quận, huyện và các Sở ngành lập dự toán và quyết toán kinh phí phòng chống dịch.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các quận huyện tổ chức kiểm tra địa bàn bắt đầu kể từ ngày nhận được Chỉ thị này đến ngày 08/01/2005, sau đó tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện cho Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố để tổ chức họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch gia cầm, thủy cầm thành phố vào ngày 13/01/2005 để có phương án chỉ đạo và giải quyết các vấn đề phát sinh, kiên quyết không để tái phát dịch cúm gia cầm quy mô lớn trên địa bàn thành phố từ nay đến Tết Nguyên đán Ất Dậu 2005.
Thủ trưởng các Sở, ngành thành phố, các thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch gia cầm, thủy cầm thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, phường, xã, thị trấn khÈn tr¬ng triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |