Chỉ thị 300-CT năm 1987 về một số công tác trước mắt nhằm tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành

Số hiệu 300-CT
Ngày ban hành 22/10/1987
Ngày có hiệu lực 06/11/1987
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
Người ký Phạm Hùng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 300-CT

Hà Nội, ngày 22 tháng 10 năm 1987

  

CHỈ THỊ

VỀ MỘT SỐ CÔNG TÁC TRƯỚC MẮT NHẰM TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC BẰNG PHÁP LUẬT

Từ sau Đại hội lần thứ V của Đảng, công tác quản lý Nhà nước bằng pháp luật đã có một số mặt tiến triển. Hiến pháp, một số Luật và Pháp lệnh đã được ban hành để thể chế hoá các Nghị quyết và chính sách của Đảng. Hội đồng Bộ trưởng cũng có những văn bản pháp quy về kinh tế, văn hoá, an ninh và trật tự an toàn xã hội. Công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật, công tác đấu tranh chống tội phạm, chống tiêu cực và các tệ nạn xã hội khác, đã triển khai một bước.

Tuy nhiên, hiện nay tình hình vi phạm pháp luật còn phổ biến, những hành động xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa, xâm phạm tính mạng, tài sản và những quyền tự do dân chủ của công dân vẫn xảy ra nghiêm trọng, kỷ cương Nhà nước bị buông lỏng, các hiện tượng tiêu cực phát triển, làm cho nhân dân bất bình, lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của bộ máy Nhà nước bị giảm sút.

Nguyên nhân chủ yếu của tình hình trên là do cấp uỷ Đảng và chính quyền các cấp chưa nhận thức đúng đắn và sâu sắc vai trò và nhiệm vụ rất quan trọng của pháp luật trong quản lý Nhà nước, quản lý kinh-tế xã hội, nên việc tuyên truyền phổ biến pháp luật để mọi người hiểu và thi hành chưa thật sâu rộng trong cán bộ và nhân dân. Nhiều cán bộ lãnh đạo thiếu gương mẫu trong việc chấp hành pháp luật, thậm chí một số người đã vi phạm pháp luật. Đối với những vụ phạm pháp nghiêm trọng thì việc xét xử chưa nghiêm, chưa kịp thời và đúng pháp luật.

Tình hình đòi hỏi cấp bách phải lập lại trật tự, kỷ cương xã hội, phải đấu tranh để hạn chế, thu hẹp dần và đi đến loại trừ các mặt tiêu cức xã hội; phải làm cho khẩu hiệu "sống và làm việc theo pháp luật" biến thành hành động, thành nếp sống hàng ngày của mọi người, mọi cơ quan, tổ chức.

Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng yêu cầu các Bộ trưởng, thủ trưởng các ngành ở Trung ương, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương tiến hành ngay những công tác sau đây:

1. Đẩy mạnh công tác xây dựng pháp luật.

Hiện nay, chúng ta đang tiến hành đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, xoá bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, chuyển hẳn sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Nhiều văn bản pháp quy không còn phù hợp và đang gây trở ngại cho việc giải phóng mọi năng lực sản xuất, cản trở sự phát triển của kinh tế xã hội chủ nghĩa, hạn chế việc sử dụng và cải tạo các thành phần kinh tế khác, gây nhiều tiêu cực trong lưu thông phân phối. Các ngành, các cấp phải căn cứ vào Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ VI, các Nghị quyết hội nghị lần thứ 2 và thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương, tiến hành ngay việc soát xét lại để sửa đổi, bổ sung hoặc huỷ bỏ những quy định không còn phù hợp với tinh thần và nội dung nghị quyết đó.

Đi đôi với việc soát xét các văn bản đã có, các bộ các ngành phải vạch ra kế hoạch xây dựng những văn bản mới (luật và dưới luật) theo chương trình của Hội đồng Nhà nước và của Hội đồng Bộ trưởng để hoàn chỉnh hệ thống pháp quy phục vụ việc quản lý Nhà nước, trước hết là quản lý về kinh tế, thực hiện các Nghị quyết của Đảng.

Việc sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các văn bản pháp luật phải được tiến hành khẩn trương, chu đáo, đúng thẩm quyền và có kế hoạch cụ thể.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp có trách nhiệm hướng dẫn các ngành, các cấp về nghiệp vụ và chủ động đề xuất với các ngành những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới. Trong quá trình xây dựng những dự thảo luật hoặc dự thảo pháp lệnh, các bộ, các ngành ở trung ương cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư Pháp. Những văn bản pháp quy thuộc quyền ban hành của các bộ trưởng, các thủ trưởng các ngành ở Trung ương và Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương cần sao gửi Bộ Tư pháp và Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng. Bộ Tư pháp phải tăng cường công tác kiểm tra và giám sát việc ban hành văn bản pháp quy của các bộ, các ngành ở trung ương, của uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương, để ngăn chặn những việc làm phi phạm pháp chế.

2. Bảo đảm việc tuân thủ pháp luật:

Bộ trưởng, thủ trưởng các ngành ở Trung ương, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm:

a) Đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật rộng rãi trong nhân dân theo Chỉ thị số 315-CT ngày 7-12-1982 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nhằm thống nhất ý chí và hành động, nâng cao ý thức pháp luật, tính tự giác tôn trọng pháp luật, đấu tranh và phòng ngừa vi phạm pháp luật. Trước mắt, cần tập trung tuyên truyền giải thích những văn bản pháp quy có liên quan đến đổi mới cơ chế quản lý, đến các quyết định của Đảng và Nhà nước về lưu thông phân phối (nhất là những vấn đề quản lý thị trường, quản lý vật tư, ngoại tệ, lương thực, tiền mặt, giá cả, tiền lương, tiền thưởng, v.v... ). Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Thông tin chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật qua các cơ quan truyền thông đại chúng, qua các báo chí, và phối hợp với bộ Giáo dục, bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp đưa môn học về pháp luật vào chương trình giảng dạy tại các trường phổ thông, đại học và trung học chuyên nghiệp trong cả nước.

b) Bồi dưỡng kiến thức về pháp luật cho cán bộ , nhân viên các cơ quan nhà nước, nhất là cán bộ quản lý. Hiểu biết pháp luật từ nay phải được coi là một tiêu chuẩn quan trọng trong việc tuyển dụng, sử dụng cán bộ. Các bộ, các ngành ở Trung ương, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố , đặc khu phải có kế hoạch bồi dưỡng pháp luật cho cán bộ công nhân viên chức ngành mình, địa phương mình bằng việc mở các lớp học tại chức, các lớp ngắn ngày, những buổi hội thảo khoa học, cử đi dự các lớp do Trường hành chính trung ương tổ chức, v.v... Bộ Tư pháp có trách nhiệm hướng dẫn về chuyên môn và cung cấp giáo viên, các tài liệu cần thiết.

c) Tăng cường công tác kiểm tra và giám sát việc thi hành pháp luật. Thủ trưởng các cơ quan đơn vị là người chịu trách nhiệm về những vụ vi phạm pháp luật nghiêm trọng xảy ra trong cơ quan, đơn vị mình. Các bộ trưởng, thủ trưởng các ngành ở Trung ương, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu phải thường xuyên kiểm tra việc thực hiện những văn bản pháp quy đã được ban hành, tạo điều kiện thuận lợi để các đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp, các đoàn thể quần chúng tham gia giám sát việc thi hành pháp luật.

3. Xử lý kịp thời những vụ phạm tội, nhất thiết phải đưa toà án xét xử, bất kỳ người phạm tội giữ địa vị và chức vụ gì trong xã hội; các bộ, các ngành ở Trung ương, Uỷ ban Nhân dân các địa phương phải giúp đỡ các cơ quan pháp luật (công an, toà án, kiểm sát) tiến hành điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh và kịp thời các vụ phạm tội theo tinh thần Chỉ thị số 84- CT ngày 25-5-1986 của ban Bí thư và Chỉ thị số 133-CT ngày 23-5- 1986 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng; xử lý theo đúng pháp luật những kẻ cố tình bao che, cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử. Các ngành, các cấp, các đoàn thể phải tổ chức chu đáo việc tiếp dân, giải quyết nhanh chóng, dứt điểm những vụ việc mà nhân dân khiếu nại, tố cáo (kể cả những việc nêu trên đài báo).

Những vụ tranh chấp dân sự, vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình, vi phạm quy tắc trật tự, an toàn xã hội cũng cần xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật. Đối với những vi phạm hợp đồng kinh tế thì cơ quan Trọng tài kinh tế Nhà nước phải xem xét và xử lý kịp thời. Các cấp chính quyền, các đoàn thể cần hết sức quan tâm xây dựng, củng cố, tăng cường hoạt động của các tổ chức hoà giải trong nhân dân, để giải quyết kịp thời những vụ xích mích ở cơ sở, ở đường phố, thôn xóm, phường xã.

4. Kiện toàn tổ chức và cán bộ các cơ quan pháp luật và pháp chế ở các cấp, các ngành thực sự trong sạch và vững mạnh:

Uỷ ban Nhân dân các cấp cần bố trí cán bộ các cơ quan tư pháp và pháp chế đủ sức hoàn thành các nhiệm vụ được giao; đồng thời kiện toàn và tạo điều kiện hoạt động cho các cơ quan công an, thanh tra, hải quan, toà án, kiểm sát, Trọng tài kinh tế Nhà nước.

Cán bộ pháp chế phải có phẩm chất, đạo đức, có trình độ chính trị vững vàng, có kiến thức cần thiết về pháp luật, về kinh tế, văn hoá, có tư duy pháp lý mới và phải học tập, rèn luyện mình theo yêu cầu đó. Bộ Tư pháp có trách nhiệm cùng các ngành có liên quan và các địa phương xây dựng quy hoạch cán bộ pháp lý từ nay đến năm 1990, tăng cường chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ pháp lý để sớm có một đội ngũ cán bộ pháp lý đáp ứng yêu cầu cấp bách hiện nay và những năm tới, tiến hành bằng nhiều cách thích hợp, vừa chính quy, vừa tại chức. Kiện toàn trường đại học pháp lý Hà Nội và phân hiệu đại học pháp lý tại thành phố Hồ Chí Minh.

Thủ trưởng các bộ, các ngành ở Trung ương, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức và thực hiện tốt Chỉ thị này.

Bộ Tư pháp có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này và định kỳ báo cáo kết quả với Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

 

 

Phạm Hùng

(Đã ký)