Chỉ thị 30/2003/CT-UB về việc tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố do Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành

Số hiệu 30/2003/CT-UB
Ngày ban hành 22/08/2003
Ngày có hiệu lực 22/08/2003
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Đỗ Hoàng Ân
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 30/2003/CT-UB

Hà Nội, ngày 22 tháng 08 năm 2003

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ TRẬT TỰ XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ.

Thời gian qua, công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố đã có những chuyển biến tích cực, hiện tượng lấn chiếm đất công, lấn chiếm diện tích sử dụng chung, xây dựng không phép, trái phép, sai phép giảm. Trật tự kỷ cương trong quản lý đô thị từng bước được thiết lập, ý thức chấp hành luật pháp của nhân dân trong lĩnh vực xây dựng đô thị được nâng cao. Tuy nhiên, số vụ vi phạm quy định về trật tự xây dựng vẫn còn ở mức cao, nhiều vụ việc vi phạm chưa được giải quyết dứt điểm ngay từ đầu, dẫn đến khó xử lý. Một số vụ việc tồn đọng, tranh chấp, khiếu kiện kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm gây bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân, ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự an toàn xã hội.

Để thiết lập trật tự kỷ cương, nếp sống văn minh đô thị, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý trật tự xây dựng, đảm bảo an toàn cuộc sống người dân, UBND Thành phố chỉ thị:

+ Các tổ chức và công dân sống trên địa bàn Thành phố có trách nhiệm tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý trật tự xây dựng; mọi hành vi vi phạm đều phải xử lý kịp thời, nghiêm minh; những hành vi cố tình vi phạm sẽ được xem xét, tùy từng mức độ sẽ bị truy tố theo quy định của pháp luật.

+ Các tổ chức, cá nhân thi hành công vụ buông lỏng quản lý, không xử lý kịp thời, có biểu hiện né tránh, bao che cho những hành vi vi phạm quy định về quản lý trật tự xây dựng cũng như có hành vi nhũng nhiễu sẽ bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

1. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm sau:

- Công trình xây dựng trái phép, không phép.

- Công trình xây dựng trên đất lấn chiếm; trên diện tích sử dụng chung hoặc lấn chiếm không gian chung trong khuôn viên các biển số nhà.

- Công trình xây dựng không đảm bảo an toàn cho chính bản thân công trình hoặc làm ảnh hưởng đến công trình liền kề; vi phạm quy chuẩn xây dựng, vệ sinh môi trường, gây tiếng ồn.

- Công trình xây dựng vi phạm hành lang an toàn các công trình hạ tầng kỹ thuật do Nhà nước quy định; vi phạm Pháp lệnh đê điều, hành lang thoát lũ.

- Công trình gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến hoạt động chung của cộng đồng như: xây dựng trên ban công, làm lồng che, mái vẩy, công trình xây dựng có kích thước hình học bất hợp lý trên các tuyến đường.

2. Hình thức xử lý:

- Những công trình xây dựng vi phạm quy định về quản lý trật tự xây dựng ở điểm 1 nói trên đều phải bị xử lý, dỡ bỏ ngay từ đầu, nghiêm cấm phạt cho tồn tại hoặc để kéo dài. Nếu chủ đầu tư công trình không tự giác thực hiện, cố tình để dây dưa, kéo dài thì sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế dỡ bỏ và buộc chủ đầu tư công trình chịu mọi phí tổn do phải tổ chức cưỡng chế. Nếu có hành động chống đối yêu cầu đưa ra truy tố theo quy định của pháp luật..

- Những trường hợp xây dựng sai phép, các cấp có thẩm quyền đã yêu cầu đình chỉ để xin phép bổ sung nhưng chủ đầu tư công trình cố tình không thực hiện, tiếp tục vi phạm thì sẽ bị xử lý cưỡng chế, dỡ bỏ phần công trình cố tình làm sai so với giấy phép thêm sau khi đã bị yêu cầu đình chỉ. Chủ đầu tư công trình phải chịu mọi phí tổn để tổ chức thực hiện cưỡng chế.

- Đối với những trường hợp người vi phạm là đảng viên, cán bộ, công chức thì UBND phường, xã, thị trấn có trách nhiệm thông báo đến cơ quan, tổ chức quản lý đảng viên, cán bộ, công chức đó để phối hợp giáo dục và xử lý kỷ luật.

3. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý trật tự xây dựng:

3.1 Sở Xây dựng:

- Chịu trách nhiệm trước UBND Thành phố về công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố.

- Tổ chức hướng dẫn, giảm các thủ tục phiền hà, tạo điều kiện thuận lợi để cấp giấy phép xây dựng cho nhân dân; có biện pháp để theo dõi, giám sát các cán bộ, công chức trực tiếp thụ lý hồ sơ, giải quyết cấp giấy phép xây dựng và áp dựng hình thức kỷ luật thích đáng đối với những cán bộ, công chức không đủ tư cách, phẩm chất, sách nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân khi xin phép xây dựng.

- Lập kế hoạch triển khai cụ thể và tổ chức tuyên truyền liên tục, thường xuyên Nghị quyết số 24-NQ/TU ngày 20/12/2000 của Thành ủy, Quyết định số 19/2003/QĐ-UB ngày 24/01/2003 của UBND Thành phố về quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố để các tổ chức và công dân hiểu, tự giác chấp hành.

- Có biện pháp hữu hiệu để kiểm tra, giám sát các công trình xây dựng trên địa bàn Thành phố; chỉ đạo, đôn đốc xử lý hoặc trực tiếp xử lý những công trình và chủ đầu tư công trình (cả cơ quan và nhân dân) vi phạm trật tự xây dựng nói ở điểm 1 mà UBND quận, huyện không kịp thời xử lý hoặc xử lý không dứt điểm.

- Hỗ trợ UBND các quận, huyện, phường, xã, thị trấn và Thanh tra xây dựng các cấp về chuyên môn, nghiệp vụ để đảm bảo an toàn khi xử lý dỡ bỏ các công trình vi phạm có quy mô lớn.

- Thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ các hoạt động của lực lượng Thanh tra xây dựng; đề xuất biện pháp xử lý trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Định kỳ đánh giá hiệu quả hoạt động của lực lượng Thanh tra xây dựng.

3.2 UBND các quận, huyện

- Rà soát, thống kê và phân loại các vụ việc vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn đã xử lý nhưng chưa dứt điểm và những vụ việc chưa xử lý; làm rõ nguyên nhân đồng thời với việc xây dựng lộ trình để xử lý dứt điểm theo nguyên tắc: phải đảm bảo ổn định trật tự, an toàn xã hội, giữ vững kỷ cương và công bằng xã hội.

- Chỉ đạo, đôn đốc UBND phường, xã, thị trấn, Thanh tra xây dựng quận, huyện xử lý dỡ bỏ ngay từ đầu tất cả các công trình lấn chiếm đất công, xây dựng trái phép và phần công trình xây dựng sai phép, không phép đã bị yêu cầu đình chỉ nhưng cố tình vi phạm. Kịp thời khen thưởng, động viên những tập thể, cá nhân làm tốt đồng thời xử lý trách nhiệm, thi hành kỷ luật tổ chức, cá nhân có sai phạm, không hoàn thành nhiệm vụ được giao, thông báo công khai để làm gương.

- Ra Quyết định thu hồi các trường hợp lấn chiếm đất công, xây dựng trái phép trên đất canh tác nông nghiệp, lâm nghiệp, giao cho Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn, cơ quan có trách nhiệm quản lý, sử dụng theo Luật đất đai.

3.3 Chủ tịch UBND các phường, xã, thị trấn

- Chịu trách nhiệm về mọi hoạt động xây dựng trên địa bàn, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý kiên quyết ngay từ đầu những hành vi vi phạm trật tự xây dựng; phối hợp với Thanh tra xây dựng quận, huyện tổ chức thực hiện các Quyết định xử lý vi phạm hành chính; nghiêm cấm bao che, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

- Thực hiện công bố công khai các công trình vi phạm quy định về quản lý trật tự xây dựng (theo nội dung: ghi rõ họ tên người vi phạm, biện pháp xử lý đối với công trình vi phạm, thời gian hoàn thành xử lý) trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương để mọi người đều biết, theo dõi, giám sát.

- Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn phải tự kiểm điểm và tự nhận hình thức kỷ luật trước UBND quận, huyện khi không xử lý các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng.

3.4 Chánh Thanh tra xây dựng Thành phố và quận, huyện

- Tổ chức lực lượng thường xuyên kiểm tra, giám sát các hoạt động xây dựng trên địa bàn (đặc biệt là các ngày nghỉ, ngày lễ) để phát hiện sớm những vi phạm về trật tự xây dựng; đôn đốc và hỗ trợ UBND cấp phường, xã, thị trấn xử lý các hành vi vi phạm; phải chịu trách nhiệm và tự nhận hình thức kỷ luật nếu để xảy ra các vi phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn mà không xử lý, hoặc xử lý không triệt để gây bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân.

- Ra quyết định và tổ chức thực hiện nhanh, triệt để và dứt điểm các quyết định xử lý vi phạm nếu UBND cấp phường, xã, thị trấn không xử lý hoặc xử lý không triệt để; xác minh, làm rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân của  phường, xã, thị trấn; đề xuất hình thức kỷ luật, báo cáo Chủ tịch UBND quận, huyện xử lý theo thẩm quyền.

4. Trách nhiệm của các sở, ngành có liên quan:

4.1. Giám đốc Sở Địa chính Nhà đất

- Chỉ đạo các Công ty, Xí nghiệp kinh doanh nhà các quận, huyện tăng cường quản lý quỹ nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, không để các tổ chức, cá nhân thuê nhà tùy tiện chuyển nhượng, mua bán, cơi nới, lấn chiếm diện tích sử dụng chung, lấn chiếm không gian để xây dựng trái phép; nghiêm cấm việc ủy quyền cho các cá nhân thuê nhà tự xin phép cải tạo. Giám đốc các Công ty, Xí nghiệp quản lý nhà không bảo vệ được tải sản của Nhà nước giao cho quản lý, để các hộ thuê nhà phá dỡ, lấn chiếm sẽ phải chịu hình thức kỷ luật, trước tiên phải tự kiểm điểm và tự nhận hình thức kỷ luật.

- Lập kế hoạch và chủ trì tổ chức tháo dỡ các lồng sắt, các phần ban công cơi nới thêm tại các khu nhà ở chung cư trên các tuyến đường chính của Thành phố; xây dựng quy chế chung quản lý quỹ nhà thuộc sở hữu Nhà nước.

4.2. Công an Thành phố:

- Có trách nhiệm tham gia trực tiếp vào công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố.

- Phối hợp với UBND các quận, huyện xây dựng quy trình để chỉ đạo lực lượng Công an các quận, huyện, phường, xã, thị trấn tham gia trực tiếp vào việc kiểm tra, xử lý và tổ chức thực hiện các quyết định xử lý vi phạm về trật tự xây dựng. Đưa kết quả quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn vào các chỉ tiêu bình xét thi đua của công an các cấp.

- Cử cán bộ có trách nhiệm tham gia các tổ công tác cùng với Thanh tra xây dựng Thành phố và các ngành khi có yêu cầu.

4.3. Về công tác tuyên truyền và giao dục pháp luật:

- Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Báo Hà Nội Mới, Báo Kinh tế & đô thị có trách nhiệm tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, chống mọi biểu hiện tiêu cực trong quản lý trật tự xây dựng; đưa công khai các vụ việc vi phạm trật tự xây dựng lên báo, đài để hỗ trợ cho các cấp, ngành xử lý. Phổ biến đầy đủ, liên tục các quy định của Nhà nước và Thành phố về quản lý trật tự xây dựng; phổ cập thông tin tới các tổ dân phố, cụm dân cư, yêu cầu các phường, xã, công khai danh sách các công trình vi phạm, biện pháp xử lý của chính quyền để nhân dân biết, theo dõi, kiểm tra, hỗ trợ thực hiện.

Đề nghị các cấp ủy Đảng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, các đoàn thể chính trị xã hội và nhân dân Thủ đô, phát huy vai trò làm chủ, tham gia tích cực vào việc phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm trật tự xây dựng; kiểm tra, giám sát các hoạt động của các lực lượng quản lý trật tự xây dựng các cấp, giúp cho việc lập lại trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực quản lý xây dựng đạt hiệu quả cao.

UBND Thành phố yêu cầu Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, phường, xã, thị trấn, các tổ chức và cá nhân sinh sống và làm việc trên địa bàn Thành phố nghiêm túc thực hiện chỉ thị này.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
KT/CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đỗ Hoàng Ân

 

8
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ