CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG
BỘ TRƯỞNG
********
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số: 297-CT
|
Hà Nội, ngày 26
tháng 11 năm 1986
|
CHỈ THỊ
VỀ
VIỆC CHI TIÊU ĐÓN TIẾP KHÁCH NƯỚC NGOÀI
Trong những năm
qua, các Đoàn khách nước ngoài đến thăm nước ta đã được các Bộ, các ngành, các
địa phương, các đơn vị cơ sở đón tiếp nhiệt tình, thể hiện tình cảm của nhân
dân ta đối với nhân dân bạn, tranh thủ được cảm tình và sự đồng tình ủng hộ của
các nước đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Tuy nhiên, việc tổ chức
đón tiếp khách còn tuỳ tiện, có những cuộc đón tiếp còn mang tính chất phô
trương hình thức, lãng phí, không phù hợp với hoàn cảnh khó khăn của nền kinh tế
nước ta hiện nay.
Để thống nhất chế độ, tiêu chuẩn
đón tiếp và chi tiêu phục vụ các Đoàn khách nước ngoài đến thăm nước ta được
chu đáo và tiết kiệm, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng yêu cầu các cơ quan, đoàn thể
từ Trung ương đến địa phương nghiêm túc thực hiện các quy định dưới đây:
I.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
1.
Các Bộ, ngành và địa phương mời các đoàn khách nước ngoài vào nước ta phải theo
đúng Chỉ thị số 189-CT ngày 4-8-1986 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Việc đón
tiếp khách phải theo đúng mức độ và tiêu chuẩn đối với từng loại khác.
2. Cơ quan
đón tiếp đoàn vào phải tận dụng nhà khách, phương tiện đi lại và các cơ sở vật
chất sẵn có của mình để phục vụ khách. Trường hợp không tự lo liệu được cơ sở,
phương tiện sẵn có của mình không đủ tiêu chuẩn đón tiếp khách quốc tế thì mới
thuê dịch vụ của các cơ quan, đơn vị Nhà nước khác.
Việc chi tiêu để tự đón tiếp
khách hoặc thuê dịch vụ của cơ quan khác đều phải theo đúng chế độ, tiêu chuẩn
quy định trong Chỉ thị này.
3. Căn cứ vào
quy chế đón tiếp, chế độ chi tiêu, giá cả các loại dịch vụ (ăn, ở, đi lại) đối
với các loại khách, các Bộ, các ngành và địa phương phải lập dự toán chi hàng
năm cho đoàn vào. Dự toán phải gửi tới Bộ Tài chính cùng với thời gian gửi kế
hoạch đoàn vào để Bộ Tài chính tổng hợp trình Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng xét
duyệt theo hình thức khoán hạn mức chi tiêu cả năm cho các Bộ và địa phương.
Khi giá cả dịch vụ thay đổi, các Bộ, địa phương làm việc với Bộ Tài chính để điều
chỉnh hạn mức kinh phí cho phù hợp.
II- TIÊU CHUẨN ĐÓN
TIẾP VÀ CHI TIÊU ĐỐI VỚI KHÁCH NƯỚC NGOÀI
1.
Đón, tiễn ở sân bay.
Tặng hoa:
- Khách loại đặc biệt: tặng Trưởng
đoàn và đoàn viên, nghi thức tặng do Ban đón tiếp Trung ương trình lãnh đạo cấp
cao duyệt.
- Khách loại A và B: tặng Trưởng
đoàn và đoàn viên là nữ.
- Khách loại C: không tặng hoa,
trừ trường hợp Trưởng đoàn là nữ.
Thuê phòng chờ:
- Khách loại A và B: thuê phòng
VIP.
- Khách loại C: thuê phòng loại
2.
2. Tiêu chuẩn sử
dụng xe ô-tô:
- Khách loại đặc biệt do Ban đón
tiếp Trung ương trình lãnh đạo cấp cao duyệt.
- Khách loại A:
Trưởng đoàn: dùng xe Vonga.
Phó đoàn và đoàn viên: 2 - 3 người
dùng 1 xe Vonga.
Tuỳ tùng: dùng xe nhiều chỗ ngồi.
- Khách loại B và C:
Trưởng đoàn: dùng xe Vonga hoặc
Lađa.
Đoàn viên: dùng xe nhiều chỗ ngồi.
3. Tiêu chuẩn
nhà ở:
- Khách loại đặc biệt và loại A:
bố trí ở nhà khách của trung ương Đảng và Chính phủ. Trường hợp nhà khách không
đủ chỗ phải bố trí ở khách sạn thì:
Đoàn viên: buồng loại đặc biệt
hoặc loại 1.
Tuỳ tùng: buồng loại 2.
- Khách loại B: cũng tranh thủ bố
trí ở nhà khách của Đảng và Chính phủ. Nếu bố trí ở khách sạn thì:
Trưởng đoàn: buồng loại đặc biệt
hoặc loại 1.
Đoàn viên: buồng loại 1 hoặc loại
2.
- Khách loại C: bố trí ở khách sạn.
Trưởng đoàn: buồng loại 1.
Đoàn viên: buồng loại 2.
4. Tiêu chuẩn đặt tại phòng hàng
ngày.
- Khách loại đặc biệt: do Ban
đón tiếp Trung ương quy định.
- Khách loại A và B: nước suối
hoặc nước chè và hoa quả với mức độ vừa phải cần thiết.
- Khách loại C: nước chè, riêng
Trưởng đoàn có thêm hoa quả như loại B.
5. Tiêu chuẩn
ăn hàng ngày:
Ngày ăn 3 bữa sáng, trưa, tối. Bữa
trưa và tối gồm một số món ăn thiết thực, có chất lượng, đủ no, không thừa và
có uống nước suối hoặc nước hoa quả. Khách từ loại B trở lên nếu có yêu cầu thì
bữa tối có uống rượu hoặc bia do Việt Nam sản xuất.
Định lượng món ăn cho từng loại
khách và đơn giá do cơ quan quản lý nhà khách, khách sạn quy định sau khi có sự
thoả thuận của Bộ Tài chính.
Khách loại đặc biệt, loại A và B
cơ quan đón tiếp chịu trách nhiệm đặt ăn hàng ngày (cho cả đoàn) và thanh toán
với nhà khách, khách sạn. Khách sạn loại C cơ quan đón tiếp có thể giao thẳng
tiền ăn hàng ngày cho khách để họ tự đặt ăn và thanh toán với khách sạn.
6. Chiêu đãi hoặc
mời ăn thân mật.
- Khách từ loại B trở lên, mỗi
đoàn đến chỉ chiêu đãi một lần (tiệc ngồi hoặc tiệc đứng). Số người dự (cả
khách và chủ) phải rất hạn chế, chỉ mời những người thật cần thiết. Riêng chủ
không quá 1/ 3 số khách (kể từ đoàn 10 người trở lên). Mức chi cho 1 suất chiêu
đãi (kể cả uống) không vượt quá mức chi tiền ăn 1 ngày của một người khách.
- Khách loại C không tổ chức
chiêu đãi, được mời một bữa ăn thân mật hoặc tiệc trà. Mức chi bằng 2/3 mức
chiêu đãi.
7. Tiêu chuẩn
tiếp xã giao và các buổi làm việc.
- Khách loại đặc biệt do Ban đón
tiếp Trung ương quy định.
- Các loại khách khác chỉ dùng
nước chè, cà-phê, nước suối, nước hoa quả. Không có bánh kẹo, thuốc lá và rượu,
bia chúc tụng.
8. Tiêu vặt, giải trí và tặng phẩm.
- Không chi tiền tiêu vặt, trừ
khách loại đặc biệt nếu xét cần thiết thì Ban đón tiếp Trung ương trình lãnh đạo
cấp cao duyệt.
- Mỗi đoàn khách được tổ chức
xem biểu diễn nghệ thuật một lần. Khách loại A, B, C, tổ chức đi xem tại rạp
(vé loại 1).
- Chỉ được tặng
loại văn hoá phẩm. Trưởng phó đoàn hơn đoàn viên và tuỳ tùng. Mức chi tặng phẩm
cho 1 người khách không lớn hơn tiền ăn một ngày của họ. Cơ quan chủ trì đón tiếp
lập dự toán và thực hiện khoản chi này.
9. Đi địa
phương và cơ sở:
Trường hợp cần thiết phải đưa
khách đi làm việc tại các địa phương hoặc cơ sở theo chương trình, kế hoạch đã
được cấp có thẩm quyền quyết định thì tiêu chuẩn đón tiếp như sau:
- Khách loại đặc biệt do Ban đón
tiếp Trung ương bàn trước với địa phương hoặc cơ sở.
- Khách loại A và B do lãnh đạo
địa phương cấp tỉnh, thành phố tiếp. Mức chi tiếp khách theo điểm 7 nói trên.
Trường hợp cần thiết theo yêu cầu chính trị thì có thể mời 1 bữa ăn thân mật, số
người Việt Nam dự (cả cán bộ của trung ương đi theo) phải rất hạn chế và không
nhiều hơn số lượng khách; có thể có tặng phẩm cho đoàn. Mức chi cho một bữa ăn
thân mật và 1 tặng phẩm (cũng là văn hoá phẩm sản xuất tại địa phương) không được
cao hơn mức chi của Trung ương.
- Khách loại C do lãnh đạo địa
phương có thể tiếp theo tiêu chuẩn nói ở điểm 7. Trường hợp cần tranh thủ viện
trợ kinh tế kỹ thuật thì có thể mời 1 bữa ăn thân mật như khách loại B.
Tiền chi về ăn, đi lại trong những
ngày khách đi địa phương do cơ quan trung ương hướng dẫn khách lập dự trù và
thanh toán. Tiền chi về tiếp khách, bữa ăn thân mật, tặng phẩm (nếu cần) cho
khách tại địa phương do địa phương hoặc cơ sở chịu.
10- Tiêu chuẩn
chi đăng cai hội nghị quốc tế hoặc khu vực.
Đối với các hội nghị, hội thảo
quốc tế hoặc khu vực do ta đăng cai tổ chức và lo liệu chi phí cho các đại biểu
là người nước ngoài, thì ngoài các tiêu chuẩn quy định từ điểm 1 đến điểm 8 nói
trên, còn được dự trù thêm một số khoản sau đây:
- Tiền giấy bút, in ấn tài liệu,
báo cáo.
- Tiền thuê hội trường hoặc
phòng họp (nếu cần).
- Tiền nước uống trong giờ giải
lao ở hội trường.
- Tiền chụp ảnh tài liệu (nếu cần
thiết lưu trữ tư liệu).
III- CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI
CÁN BỘ VIỆT NAM ĐI PHỤC VỤ CÁC ĐOÀN KHÁCH QUỐC TẾ.
Tiêu chuẩn chi tiêu
cho cán bộ Việt Nam phải thường xuyên có mặt để hướng dẫn và phục vụ khách (lễ
tân, phiên dịch, lái xe):
1. Những ngày khách ở Thủ đô Hà
Nội hoặc nơi đón tiếp chính, ngoài khoản phụ cấp công tác phí (cả phụ cấp lưu
trú), phụ cấp thêm giờ theo chế độ hiện hành còn được thêm khoản phụ cấp phục vụ
là 50 đồng/ người/ ngày 8 giờ lao động). Trường hợp cần thiết do yêu cầu công
tác phải bố trí ăn, ở tại chỗ (theo tiêu chuẩn cán bộ Việt Nam, không ăn chung
với khách) thì không được thanh toán các khoản phụ cấp lưu trú và cấp phục vụ
nói trên.
2. Những ngày khách đi địa
phương (đi ra ngoài nơi đón tiếp chính), cơ quan chủ quản phải lo ăn, ở cho cán
bộ Việt Nam cùng đi với khách:
- Cán bộ hướng dẫn và phiên dịch
thì bố trí cùng ăn với khách.
- Các cán bộ khác thì bố trí ăn
riêng theo tiêu chuẩn Việt Nam.
- Thuê phòng ngủ cho cán bộ từ cấp
Thứ trưởng trở lên thuê buồng loại 1; cán bộ cấp Vụ và tương đương thuê buồng
loại 2; các cán bộ khác thuê buồng loại 3.
Mọi chi phí về ăn, ngủ tại địa
phương cho cán bộ Việt Nam tính theo giá thực tế phải thanh toán cho nhà khách
hoặc khách sạn của địa phương nơi đoàn đến làm việc.
IV- ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM
VI THI HÀNH
1. Chế độ, tiêu chuẩn
quy định trong Chỉ thị này được áp dụng cho tất cả các đoàn khách nước ngoài
vào nước ta do các cơ quan hành chính sự nghiệp, các tổ chức Đảng, đoàn thể, hội
quần chúng, các đơn vị sản xuất kinh doanh phải lo liệu chi phí trong nước cho
khách.
Những đoàn nước ngoài vào làm việc
ở Việt Nam do họ tự túc mọi chi phí thì không áp dụng các tiêu chuẩn chi tiêu
quy định trong Chỉ thị này đối với khách.
2. Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao
và Tổng cục Du lịch có trách nhiệm phối hợp hướng dẫn các Bộ, địa phương thực
hiện.
Khi giá cả thay đổi, các cơ quan
nói trên phải kịp thời bàn bạc để quy định lại các mức chi và bổ sung hạn mức
kinh phí cho phù hợp.
3. Chỉ thị này thay thế Chỉ thị
số 12-TTg/TN ngày 5-2-1969 và có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
Những quy định về chi tiêu đón
tiếp khách nước ngoài của các Bộ, các ngành, các địa phương trái với Chỉ thị
này đều bãi bỏ.
PHỤ LỤC I
(Kèm
theo Chỉ thị của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng số 297-CT ngày 26-11-1986).
Phân loại khách nước
ngoài vào thăm nước ta
- Khách đặc biệt gồm có các vị Tổng
thống và Phó tổng thống, Chủ tịch và Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ
tướng Chính phủ, Chủ tịch và Phó Chủ tịch Đảng, Tổng Bí thư Đảng.
- Hạng A gồm các vị Tổng thư ký
và Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Uỷ
viên Bộ Chính trị, và những chức vụ tương đương như Chủ tịch và Phó Chủ tịch
Liên hiệp Công đoàn thế giới, Chủ tịch và Phó Chủ tịch Liên hiệp thanh niên và
sinh viên thế giới, Chủ tịch và Phó Chủ tịch Liên hiệp phụ nữ thế giới, Chủ tịch
Uỷ ban Bảo vệ Hoà bình thế giới, Tổng thư ký Liên hợp quốc, Bộ trưởng Bộ Ngoại
giao, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
- Hạng B gồm các vị Bộ trưởng,
Thứ trưởng và những chức vụ tương đương như Chủ tịch Tổng Công đoàn, Chủ tịch
Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ,
Uỷ viên Trung ương Đảng.
- Hạng C gồm tất cả các khách từ
cấp Vụ, Cục trở xuống và những chức vụ tương đương, phi công, hoa tiêu, các
đoàn nghệ thuật và thể dục thể thao.
Riêng các đoàn nghệ thuật, thể dục
hể thao ăn theo tiêu chuẩn loại B; hoa tiêu và phi công ăn theo tiêu chuẩn loại
A.