Chỉ thị 29/CT-UBND năm 2017 về tăng cường biện pháp quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và quản lý lâm sản trên địa bàn thành phố Hải Phòng
Số hiệu | 29/CT-UBND |
Ngày ban hành | 28/09/2017 |
Ngày có hiệu lực | 28/09/2017 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Thành phố Hải Phòng |
Người ký | Phạm Văn Hà |
Lĩnh vực | Tài nguyên - Môi trường |
UỶ
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 29/CT-UBND |
Hải Phòng, ngày 28 tháng 9 năm 2017 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP QUẢN LÝ, BẢO VỆ, PHÁT TRIỂN RỪNG VÀ QUẢN LÝ LÂM SẢN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ
Trong thời gian qua, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các ngành của thành phố đã có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và đã đạt được một số kết quả: Triển khai các dự án, kế hoạch, các giải pháp bảo vệ và phát triển rừng, chủ động tăng cường các biện pháp phòng ngừa nguy cơ gây cháy rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển, cất giữ lâm sản trái pháp luật, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản trên địa bàn, các hoạt động gây ảnh hưởng đến tài nguyên rừng, góp phần bảo vệ vốn rừng hiện có của thành phố.
Tuy nhiên, công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn thành phố vẫn còn một số mặt hạn chế: Một số cá nhân, tổ chức chưa chấp hành nghiêm pháp luật trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng, hiện tượng xâm hại đến rừng và đất lâm nghiệp vẫn còn diễn ra tại một số địa phương như: huyện Thủy Nguyên, huyện Kiến Thụy, quận Đồ Sơn, quận Dương Kinh, huyện Tiên Lãng.
Nhằm tăng cường hơn nữa công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn thành phố; triển khai thực hiện Chỉ thị số 1685/CT-TTg ngày 27/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 30/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng; Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 08/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng; Công điện số 1566/CĐ- BNN-TCLN ngày 22/02/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các Thủ trưởng các Sở, ban, ngành thành phố, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các, quận, huyện có rừng và các chủ rừng triển khai thực hiện tốt một số nội dung sau:
1. Ủy ban nhân dân các quận, huyện có rừng
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp, chỉ đạo chính quyền cấp xã, phường nâng cao vai trò trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc các quy định của nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng được quy định tại Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 08/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng; chỉ đạo và tổ chức thực hiện quyết liệt các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của quận, huyện; Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm về diện tích rừng được giao quản lý trên địa bàn;
- Thường xuyên chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các văn bản liên quan đến công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng để nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư, nhằm bảo vệ tốt nhất diện tích rừng ở địa phương;
- Chỉ đạo công tác tuần tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vụ vi phạm lấn chiếm đất rừng, cương quyết thu hồi toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái pháp luật để thực hiện trồng rừng và các mục đích lâm nghiệp khác;
- Tổ chức lập kế hoạch, tiến hành rà soát, kiểm tra các dự án có toàn bộ hoặc một phần diện tích nằm trong rừng, đất đã được quy hoạch cho lâm nghiệp trên địa bàn. Hướng dẫn, yêu cầu các cá nhân, tổ chức là chủ dự án thực hiện nghiêm việc trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác;
- Chỉ đạo triển khai quyết liệt các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng tại địa phương, sẵn sàng chuẩn bị lực lượng, phương tiện để chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra, kịp thời khống chế nhanh nhất các trường hợp cháy rừng, kiên quyết không để xảy ra cháy lớn; Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân thành phố nếu để tình hình vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng xảy ra trên địa bàn được giao quản lý;
- Chủ động xây dựng Phương án phòng cháy, chữa cháy rừng tại địa phương và triển khai tổ chức thực hiện, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do cháy rừng gây ra;
- Tổ chức thực hiện xác định ranh giới các diện tích rừng phòng hộ trong phạm vi địa phương.
- Rà soát việc giao đất, giao rừng trên địa bàn, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố (qua Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) trong qúy IV/2017.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, đoàn thể thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện và các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng hiện có; thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án đã được phê duyệt để trồng rừng và phát triển rừng;
- Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm:
+ Tổ chức quản lý, bảo vệ chặt chẽ diện tích rừng trên địa bàn thành phố; xây dựng các phương án quản lý bảo vệ rừng và tổ chức triển khai thực hiện để quản lý có hiệu quả diện tích rừng, đảm bảo thực hiện đúng các quy định của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.
+ Bố trí lực lượng Kiểm lâm tăng cường về tuyến xã, phường tổ chức tuần tra, kiểm soát để phát hiện kịp thời, ngăn chặn các hành vi vi phạm ngay từ cơ sở; bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát trên các khu rừng trọng điểm, các vị trí có diễn biến phức tạp về tình hình khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật; xử lý nghiêm các vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng theo đúng quy định.
+ Chỉ đạo Hạt Kiểm lâm các huyện, Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng chủ động tham mưu Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện trong công tác quản lý và bảo vệ rừng; thực hiện quy chế phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng; giám sát chặt chẽ việc đưa phương tiện, công cụ, cơ giới vào rừng; quản lý hoạt động của các cơ sở kinh doanh, chế biến gỗ theo đúng quy định.
+ Kiên quyết xử lý những tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm, tiêu cực, bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng, quản lý lâm sản.
+ Tổ chức lực lượng trực để tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn các hành vi vi phạm về khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép; phòng cháy chữa cháy rừng.
- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp giao đất, giao rừng, đề xuất giải pháp quản lý đất lâm nghiệp và rừng, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố trước ngày 30/12/2017.
3. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Uỷ ban nhân dân các quận, huyện liên quan trong việc quản lý sử dụng rừng và đất rừng; tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra về đất đai và bảo vệ môi trường; xử lý kịp thời, đúng quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm về đất đai và bảo vệ môi trường.
- Chủ trì tổng hợp giao đất, giao rừng của các địa phương, đề xuất, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố trong quý 4/2017.
4. Công an thành phố
Tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; kiên quyết xử lý các đối tượng có hành vi xâm hại rừng và đất lâm nghiệp, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép; chỉ đạo công tác điều tra, xác định nguyên nhân gây cháy rừng, phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, kịp thời báo cáo Uỷ ban nhân dân thành phố; xử lý các vụ án chống người thi hành công vụ xảy ra trên địa bàn thành phố; chỉ đạo lực lượng Công an quận, huyện, xã, phường, thị trấn liên quan quản lý chặt chẽ các cá nhân, tổ chức lợi dụng việc sản xuất, kinh doanh, thực hiện các dự án phát triển kinh tế xã hội để phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép; chỉ đạo Công an quận, huyện liên quan phối hợp với lực lượng kiểm lâm tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, phát hiện ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi chặt phá rừng, lấn chiếm rừng theo đúng quy định của pháp luật.