Chỉ thị 29/2007/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý trong lĩnh vực viễn thông trên địa bàn tỉnh Tiền Giang do Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang ban hành
Số hiệu | 29/2007/CT-UBND |
Ngày ban hành | 24/07/2007 |
Ngày có hiệu lực | 03/08/2007 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Tiền Giang |
Người ký | Nguyễn Văn Phòng |
Lĩnh vực | Công nghệ thông tin |
ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 29/2007/CT-UBND |
Mỹ Tho, ngày 24 tháng 07 năm 2007 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ TRONG LĨNH VỰC VIỄN THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có nhiều doanh nghiệp viễn thông đang hoạt động kinh doanh, đã góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế chung của tỉnh, đảm bảo an ninh quốc gia. Bên cạnh những mặt đã đạt được; cùng với sự phát triển nhanh các hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực viễn thông, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này đã phát sinh nhiều bất cập.
Căn cứ Nghị định số 160/2004/NĐ-CP ngày 03/09/2004 của Chính phủ qui định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông về Viễn thông; căn cứ Nghị định số 142/2004/NĐ-CP ngày 08/07/2004 của Chính phủ qui định xử phạt hành chính về bưu chính, viễn thông và tần số vô tuyến điện; thực hiện Chỉ thị số 08/2006/CT-BBCVT ngày 14/08/2006 của Bộ Bưu chính, Viễn thông về các biện pháp thúc đẩy phát triển dịch vụ điện thoại cố định; Quyết định số 31/2006/QĐ-BBCVT ngày 06/09/2006 của Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông ban hành quy định về kiểm định công trình kỹ thuật chuyên ngành viễn thông; căn cứ tình hình thực tế của địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
1. Sở Bưu chính, Viễn thông phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh có liên quan, các cấp chính quyền địa phương:
- Tăng cường tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện công tác quản lý nhà nước về viễn thông trên địa bàn tỉnh, đúng theo quy định của pháp luật; kịp thời đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các vấn đề có liên quan, theo thẩm quyền;
- Tăng cường thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát theo thẩm quyền đối với doanh nghiệp viễn thông, đại lý dịch vụ viễn thông, chủ mạng viễn thông dùng riêng đang hoạt động trên địa bàn tỉnh;
- Tổ chức giáo dục người dân có ý thức bảo vệ các công trình viễn thông; xử lý nghiêm các hành vi trộm cắp, gây hại mạng cáp viễn thông trên địa bàn tỉnh đúng theo quy định của pháp luật.
2. Các sở, ban, ngành tỉnh, chính quyền các địa phương: tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp viễn thông phát triển, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; khi lập quy hoạch xây dựng các khu đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế mới hoặc các công trình công cộng khác trên địa bàn tỉnh phải chú ý nội dung quy hoạch cho các công trình bưu chính, viễn thông như: trung tâm hoặc cụm viễn thông, điểm phục vụ công cộng, cột ăng ten, cống, bể cáp v.v…; khi triển khai xây dựng các công trình công cộng và dân sinh của tỉnh phải xem xét không gây ảnh hưởng, cản trở xây dựng các công trình của mạng lưới viễn thông đã được quy hoạch hoặc công trình đã được xây dựng đúng theo quy hoạch.
3. Các tổ chức, cá nhân trong quá trình tham gia hoạt động viễn thông trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm bảo đảm an toàn mạng viễn thông và an ninh thông tin; chịu sự quản lý, thanh tra, kiểm tra và thực hiện các yêu cầu về bảo đảm an toàn mạng viễn thông và an ninh thông tin của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đồng thời, phải tuân thủ pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin mà mình đã lưu trữ, truyền trên mạng viễn thông.
4. Đối với các doanh nghiệp viễn thông hoạt động trên địa bàn tỉnh:
- Tổ chức triển khai các công trình viễn thông phải đúng theo quy hoạch của ngành bưu chính viễn thông và của tỉnh. Việc thi công, lắp đặt các hạng mục công trình, công trình viễn thông phải tuân thủ các quy định của cơ quan chức năng có liên quan. Đặc biệt, việc thi công các công trình trong khu vực thành phố, thị xã, thị trấn phải lấy ý kiến của Ủy ban nhân dân cấp huyện, thành phố, thị xã có liên quan về đảm bảo vẻ mỹ quan đô thị và độ cao theo quy định.
- Các hạng mục công trình, công trình viễn thông thuộc “Danh mục công trình viễn thông bắt buộc kiểm định” các doanh nghiệp viễn thông chỉ được phép đưa vào sử dụng sau khi đã được Tổ chức Kiểm định cấp giấy chứng nhận kiểm định công trình viễn thông.
Đối với các hạng mục công trình, công trình viễn thông không thuộc “Danh mục công trình viễn thông bắt buộc kiểm định”, doanh nghiệp viễn thông phải tiến hành đo kiểm, công bố kết quả trước khi đưa vào sử dụng; đồng thời phải duy trì và bảo đảm công trình tuân thủ theo các tiêu chuẩn do Bộ Bưu chính, Viễn thông quy định bắt buộc áp dụng và các tiêu chuẩn khác tự nguyện áp dụng theo Quyết định số 31/2006/QĐ-BBCVT ngày 06/09/2006 của Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông.
- Đối với các tuyến cáp treo và dây thuê bao mạng điện thoại phải đảm bảo gọn gàng, mỹ quan, đúng độ cao quy định, không gây cản trở lưu thông, không gây ảnh hưởng đến đường dây điện của ngành điện lực. Trong thời gian tới, các tuyến này phải có kế hoạch từng bước chuyển lắp đặt ngầm dưới đất. Trong kế hoạch lắp đặt cáp mới phải ưu tiên thực hiện giải pháp lắp đặt cáp ngầm.
- Có kế hoạch sử dụng chung các cơ sở hạ tầng viễn thông thông qua hợp đồng thoả thuận giữa các doanh nghiệp, bao gồm: nhà trạm, cổng cáp, bể cáp, cột cáp, tháp anten . . . nhằm giảm sử dụng diện tích mặt bằng và không gian chung của tỉnh; góp phần đảm bảo vẻ mỹ quan đô thị.
- Trong kế hoạch phát triển kinh doanh chung của doanh nghiệp, phải có kế hoạch phát triển mạng điện thoại cố định ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa của tỉnh, nhằm tiếp tục phổ cập dịch vụ, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân đúng theo Chỉ thị số 08/2006/CT-BBCVT ngày 14/08/2006 của Bộ Bưu chính, Viễn thông về các biện pháp thúc đẩy phát triển dịch vụ điện thoại cố định. Xem đây là nghĩa vụ chính trị của các doanh nghiệp đối với địa phương.
- Có trách nhiệm bảo đảm khả năng truy nhập thông suốt các mạng viễn thông và gọi miễn cước của các dịch vụ khẩn cấp như: dịch vụ 113, dịch vụ 114, dịch vụ 115 cho người sử dụng.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý ở các đại lý dịch vụ viễn thông; phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước liên quan thanh tra, kiểm tra, phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật ở các đại lý.
- Phổ biến và hướng dẫn các đại lý nắm vững và tuân thủ các quy định của pháp luật về cung cấp dịch vụ viễn thông, đảm bảo an toàn mạng viễn thông, an ninh thông tin.
- Thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về quản lý chất lượng dịch vụ viễn thông. Các doanh nghiệp phải thường xuyên kiểm tra, giám sát chất lượng dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp để đảm bảo chất lượng dịch vụ phù hợp với tiêu chuẩn do Bộ Bưu chính, Viễn thông bắt buộc áp dụng và chất lượng dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp đăng ký.
- Định kỳ hoặc đột xuất báo cáo Sở Bưu chính, Viễn thông về hoạt động sản xuất kinh doanh, kỹ thuật nghiệp vụ của doanh nghiệp theo quy định và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung báo cáo.
5. Các đại lý cung cấp dịch vụ viễn thông phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, quyền hạn của mình theo các quy định của pháp luật và theo hợp đồng đại lý đã ký kết với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.
6. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công phối hợp chặt chẽ với Sở Bưu chính, Viễn thông và các ngành tỉnh có liên quan trong công tác quản lý; công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực hoạt động viễn thông trên địa bàn phụ trách.
Giao trách nhiệm Sở Bưu chính, Viễn thông theo dõi việc thực hiện Chỉ thị này, định kỳ hàng tháng hoặc đột xuất có báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả, tiến độ thực hiện, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các vấn đề có liên quan.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công; các doanh nghiệp viễn thông, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt Chỉ thị này./.
Nơi nhận: |
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |