Chỉ thị 29/2006/CT-UBND tăng cường công tác quản lý và chấp hành pháp luật lao động do tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu ban hành

Số hiệu 29/2006/CT-UBND
Ngày ban hành 16/11/2006
Ngày có hiệu lực 26/11/2006
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Người ký Võ Thành Kỳ
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 29/2006/CT-UBND

Vũng Tàu, ngày 16 tháng 11 năm 2006

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ VÀ CHẤP HÀNH PHÁP LUẬT LAO ĐỘNG

Trong những năm qua việc chấp hành pháp luật lao động đã từng bước đi vào nề nếp, đa số các doanh nghiệp đã thực hiện tương đối đầy đủ các quy định của Nhà nước, chăm lo cải thiện đời sống người lao động, góp phần ổn định tình hình kinh tế - xã hội và từng bước đẩy mạnh sự phát triển của thị trường lao động địa phương. Song bên cạnh đó, do sức hút của cơ chế thị trường, các doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc các thành phần kinh tế ra đời và hoạt động trên nhiều lĩnh vực; việc nắm bắt và thực hiện các quy định về pháp luật lao động của các doanh nghiệp này có nhiều hạn chế, một số doanh nghiệp thực hiện chưa đầy đủ hoặc cố tình thực hiện không đúng các quy định của pháp luật lao động dẫn đến phát sinh tranh chấp lao động, trong đó một số vụ tranh chấp đã biến thành các cuộc đình công, lãn công mang tính chất tự phát làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người lao động, hoạt động của doanh nghiệp và ảnh hưởng xấu tới môi trường đầu tư của tỉnh.

Để tăng cường công tác quản lý nhà nước về lao động trên địa bàn, hạn chế đến mức tối đa và ngăn chặn kịp thời tình trạng tranh chấp lao động xảy ra, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Người sử dụng lao động có trách nhiệm: thực hiện việc tuyển dụng lao động, sắp xếp, bố trí công việc, ký kết Hợp đồng lao động, trả lương, trả công, trích nộp bảo hiểm xã hội và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động; nghiêm chỉnh thực hiện khai trình việc sử dụng lao động (khi mới thành lập và khi chấm dứt hoạt động); xây dựng và đăng ký Nội quy lao động, quy chế trả lương, thoả ước lao động tập thể (nếu có) theo đúng trình tự thủ tục pháp luật quy định; tạo điều kiện để tổ chức Công đoàn cơ sở được thành lập và hoạt động theo đúng quy định của pháp luật đồng thời cộng tác chặt chẽ với tổ chức Công đoàn trong việc chăm lo, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động; phối hợp với tổ chức Công đoàn và các cơ quan chức năng liên quan để giải quyết các tranh chấp lao động ngay khi mới phát sinh theo đúng trình tự và thủ tục quy định. Đối với người sử dụng lao động thường xuyên sử dụng từ 10 (mười) lao động trở lên cần trang bị đầy đủ kiến thức về quản trị nhân sự và pháp luật lao động hoặc bố trí cán bộ được đào tạo chuyên môn về chuyên ngành quản lý lao động, luật lao động để đảm nhiệm công tác quản lý lao động.

2. Người lao động: ngoài những hiểu biết về pháp luật lao động do người sử dụng lao động trang bị, cần phải tìm hiểu và nắm được những quy định của pháp luật về quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong quan hệ lao động; nghiêm chỉnh thực hiện những điều khoản đã thoả thuận trong Hợp đồng lao động, Nội quy lao động, Thỏa ước lao động tập thể và các quy định khác của người sử dụng lao động trong khuôn khổ luật pháp cho phép; phối hợp chặt chẽ với người sử dụng lao động trong việc cải thiện điều kiện làm việc, cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và năng suất lao động; liên hệ thường xuyên và phối hợp chặt chẽ với tổ chức Công đoàn các cấp nhằm đấu tranh và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình trong khuôn khổ luật pháp của Nhà nước; thực hiện khiếu nại, tố cáo và tuân thủ việc giải quyết khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định của pháp luật.

3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động để nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của người lao động và người sử dụng lao động; kiện toàn tổ chức và tăng cường hiệu quả hoạt động của Hội đồng Trọng tài lao động cấp tỉnh, Hòa giải viên lao động của cơ quan lao động cấp huyện và Hội đồng hoà giải cơ sở tại các đơn vị, doanh nghiệp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định của Bộ Luật Lao động; phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thống nhất cơ chế giám sát chặt chẽ việc thực hiện pháp luật lao động; tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước về lao động tại các huyện, thị xã, thành phố và phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong giám sát việc thực thi pháp luật; phối hợp với các sở, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất Sở Nội vụ nghiên cứu xây dựng định biên lao động và đề án tăng cường cán bộ làm công tác quản lý lao động trong các cơ quan quản lý nhà nước về lao động trên địa bàn tỉnh; rà soát, đánh giá và định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh tình hình thực hiện Bộ Luật Lao động trên địa bàn; kiến nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp quy và văn bản hướng dẫn thi hành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mọi đối tượng thực hiện một cách có hiệu quả quy định của Bộ luật Lao động.

4. Ban Quản lý các khu công nghiệp: tăng cường công tác quản lý nhà nước về lao động trong các khu công nghiệp; tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động tới mọi người lao động và người sử dụng lao động; phối hợp chặt chẽ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các ngành liên quan tiến hành tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động, giải quyết các tranh chấp lao động
tại các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp; thường xuyên nắm bắt diễn biến tình hình thực hiện pháp luật của các đơn vị, doanh nghiệp trong khu công nghiệp để phát hiện và giải quyết kịp thời các tranh chấp phát sinh; định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về việc chấp hành pháp luật lao động của các đơn vị trong các khu công nghiệp.

5. Sở Kế hoạch - Đầu tư: tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực thi pháp luật của doanh nghiệp sau khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn doanh nghiệp khai trình việc sử dụng lao động khi bắt đầu hoạt động và chấm dứt hoạt động theo quy định Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và thực hiện những nội dung khác có liên quan.

6. Cục thuế tỉnh: chỉ đạo các bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ phối hợp chặt chẽ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong giám sát việc thực hiện chế độ tiền lương, thưởng, việc trích nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các khoản phụ cấp, trợ cấp đối với người lao động; thẩm định các khoản chi phí nhân công khi kiểm tra quyết toán theo quy định của Luật Thuế.

7. Bảo hiểm xã hội tỉnh: tăng cường công tác tuyên truyền về các chính sách bảo hiểm xã hội; quản lý chặt chẽ công tác thu - chi bảo hiểm xã hội, đảm bảo giải quyết nhanh chóng, kịp thời và đầy đủ mọi chế độ cho các đối tượng thụ hưởng; phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các ngành chức năng trong công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết tranh chấp về việc thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động (khi có phát sinh); kiến nghị Thanh tra Nhà nước tỉnh về lao động xử lý các trường hợp có hành vi vi phạm pháp luật về lao động liên quan đến chế độ bảo hiểm xã hội.

8. Công an tỉnh: chỉ đạo Công an các huyện, thị xã, thành phố nắm chắc tình hình, phát hiện kịp thời các mâu thuẫn, xung đột trong nội bộ doanh nghiệp; chủ động có biện pháp ngăn chặn, kiềm chế các hành động quá khích và xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật đối với những trường hợp kích động đình công, lãn công và gây mất trật tự xã hội; ngăn chặn kịp thời và làm thất bại các âm mưu của kẻ xấu và các thế lực thù địch lợi dụng hiện tượng đình công, lãn công gây mất ổn định an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

9. Các cơ quan thông tin đại chúng: ngành văn hóa - thông tin, Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Bà Rịa - Vũng Tàu: phối hợp với Sở Lao động -

Thương binh và Xã hội xây dựng các chương trình, chuyên mục về lao động - công đoàn; đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền pháp luật; phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan tổ chức các cuộc thi hiểu biết kiến thức về pháp luật lao động trên các phương tiện thông tin đại chúng.

10. Các sở:

- Sở Tư pháp phối hợp chặt chẽ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục kiến thức pháp luật lao động tới mọi người lao động và người sử dụng lao động.

- Sở Tài chính thẩm định kinh phí phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật theo quy định hiện hành.

- Sở Nội vụ phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, xây dựng và đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định việc bổ sung và tăng cường cán bộ làm công tác quản lý lao động của Ban Quản lý các khu công nghiệp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Phòng Nội vụ - Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố.

- Sở Văn hoá - Thông tin phối hợp với các cơ quan chức năng, các cơ quan thông tin, báo chí tăng thời lượng tuyên truyền về Bộ luật Lao động tới đông đảo người dân; đồng thời chỉ đạo, giám sát việc đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để đảm bảo tính chính xác, đầy đủ, tránh việc đưa tin gây hiểu lầm hoặc kích động đình công, lãn công.

11. Tổ chức thực hiện:

Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Thủ trưởng các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động và người lao động trên địa bàn tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này.

Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký, bãi bỏ các quy định trước đây trái với quy định trong Chỉ thị này.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị phản ánh kịp thời về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Võ Thành Kỳ

 

11
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ