Chỉ thị 29/1998/CT-UB-NC về triển khai quy chế thực hiện dân chủ ở phường-xã, thị trấn do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Số hiệu | 29/1998/CT-UB-NC |
Ngày ban hành | 22/08/1998 |
Ngày có hiệu lực | 22/08/1998 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Thành phố Hồ Chí Minh |
Người ký | Lê Thanh Hải |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 29/1998/CT-UB-NC |
TP.
Hồ Chí Minh, ngày 22 tháng 08 năm 1998 |
CHỈ THỊ
VỀ TRIỂN KHAI QUY CHẾ THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở PHƯỜNG-XÃ, THỊ TRẤN.
Thực hiện Nghị định số 29/1998/NĐ-CP ngày 11-5-1998 của Chính phủ, Chỉ thị số 22/1998/CT-TTg ngày 15-5-1998 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư số 03/1998/TT-TCCP ngày 06-7-1998 của Ban Tổ chức-Cán bộ Chính phủ và Kế hoạch số 25/KH-TU ngày 18-7-1998 của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện quy chế dân chủ ở phường-xã, thị trấn ; Ủy ban nhân dân thành phố Chỉ thị các sở-ngành thành phố, các quận-huyện như sau:
1. Yêu cầu:
1.1- Làm cho cán bộ và nhân dân nhận thức đúng về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở là chủ trương lớn và lâu dài của Đảng và Nhà nước nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
1.2- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân phải đặt trong cơ chế tổng thể của hệ thống chính trị: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và Nhân dân làm chủ ; vừa phát huy tốt chế độ dân chủ đại diện, vừa thực hiện tốt chế độ dân chủ trực tiếp để nhân dân bàn bạc, quyết định những công việc thiết thực, gắn liền với lợi ích và đời sống của người dân.
1.3- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung những quy định hiện hành cho phù hợp với quy chế dân chủ ở cơ sở. Trong đó, chú trọng những việc dân cần bàn và quyết định trực tiếp, những việc dân tham gia ý kiến để Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng cấp hoặc cấp trên quyết định, những việc cần công khai với dân, những việc dân giám sát, kiểm tra.
2. Nội dung:
2.1- Căn cứ Kế hoạch số 145/TCCP-ĐP của Ban Tổ chức-Cán bộ Chính phủ và Kế hoạch số 25/KH-TU của Ban Thường vụ Thành ủy, các quận-huyện và các phường-xã, thị trấn được chọn làm điểm chỉ đạo, thành lập Tổ chỉ đạo do đồng chí Bí thư hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân làm Tổ trưởng, các thành viên khác tương tự như các thành viên của Tổ chỉ đạo cấp thành phố.
2.2- Tổ chỉ đạo thành phố chọn 1 phường và 1 xã của 1 quận và 1 huyện làm điểm chỉ đạo, phường và xã điểm cũng đồng thời là điểm của quận và huyện được chọn. Các quận-huyện còn lại chọn từ 1 đến 2 phường hoặc từ 1 đến 2 xã làm điểm chỉ đạo. Đối với phường-xã, thị trấn chọn làm điểm chỉ đạo phải thực hiện các yêu cầu sau đây:
+ Phải có những đặc điểm tương đối phổ biến với nhiều phường-xã khác trong quận-huyện mình về cơ cấu và mô hình tổ chức dân cư, về chất lượng hoạt động của các tổ chức chính trị-xã hội để sau này rút kinh nghiệm nhân ra.
+ Phải có những nội dung cụ thể để nhân dân bàn, dân tham gia giám sát, kiểm tra.
2.3- Quận-huyện lập kế hoạch triển khai quán triệt Chỉ thị của Bộ Chính trị, Nghị định của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư của Ban Tổ chức-Cán bộ Chính phủ và Kế hoạch của Ban Thường vụ Thành ủy cho cán bộ chủ chốt phòng-ban quận-huyện, bí thư, chủ tịch Ủy ban nhân dân phường-xã, thị trấn ; chỉ đạo, hướng dẫn các phường-xã điểm triển khai thực hiện nội dung quy chế dân chủ ở cơ sở. Các phường-xã, thị trấn được chọn làm điểm, tổ chức triển khai sâu rộng trong đảng viên, cán bộ chủ chốt, cán bộ-nhân viên và nhân dân trong phường-xã, thị trấn.
2.4- Ban Tổ chức Chính quyền thành phố chủ trì phối hợp với Ban chỉ đạo cải cách hành chánh thành phố và quận-huyện rà soát và điều chỉnh những trường hợp không phù hợp về thủ tục hành chính, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Ủy ban nhân dân phường-xã, thị trấn, hướng dẫn quy chế làm việc của ban điều hành Khu phố, Tổ dân phố, Ấp, Tổ nhân dân.
3. Tổ chức thực hiện:
3.1- Ban Tổ chức Chính quyền thành phố là cơ quan thường trực giúp Ủy ban nhân dân thành phố theo dõi, kiểm tra thực hiện quy chế dân chủ ở phường-xã, thị trấn chọn làm điểm ; phối hợp với Ban Tổ chức Thành ủy và các cơ quan Đảng, Mặt trận, Đoàn thể triển khai thực hiện kế hoạch của Ban Thường vụ Thành ủy.
3.2- Trong quá trình thực hiện quy chế dân chủ ở phường-xã, thị trấn, các ngành, các cấp thường xuyên báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Cấp ủy, Ủy ban nhân dân cùng cấp, nắm thông tin, kịp thời giải quyết những vướng mắc ở cơ sở và kiến nghị của nhân dân, uốn nắn những biểu hiện lệch lạc.
3.3- Định kỳ vào ngày giữa tháng và ngày cuối tháng, Tổ chỉ đạo quận-huyện báo cáo tình hình thực hiện quy chế dân chủ cho Tổ chỉ đạo thành phố (Ban Tổ chức Chính quyền thành phố) để tổng hợp báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy và Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố.
Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Thủ trưởng các sở-ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.
Nơi nhận: |
T/M
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |