Chỉ thị 287-CT 1992 về một số vấn đề cấp bách trong công tác giáo dục - đào tạo do Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng ban hành

Số hiệu 287-CT
Ngày ban hành 04/08/1992
Ngày có hiệu lực 19/08/1992
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Giáo dục

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 287-CT

Hà nội, ngày 04 tháng 08 năm 1992 

 

CHỈ THỊ

CUẢ CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG Số 287-CT NGÀY 4-8-1992 VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẤP BÁCH TRONG CÔNG TÁC GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO

Công tác giáo dục và đào tạo trong những năm qua đã có nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, trước những biến đổi to lớn của nền kinh tế sự nghiệp giáo dục - đào tạo đang gặp phải những khó khăn rất lớn. Quy mô giáo dục - đào tạo đang có chiều hướng bị thu hẹp, chất lượng giáo dục - đào tạo, cơ sở vật chất của các trường học sút kém ở nhiều nơi.

Trong khi chờ Đảng và Nhà nước có các Nghị quyết mới về chính sách giáo dục - đào tạo, để thực hiện được chủ trương phổ cập giáo dục tiểu học, từng bước xóa nạn mù chữ, hạn chế tình trạng bỏ học ở bậc tiểu học và trung học, duy trì quy mô các bậc trung học và đại học, và giải quyết một số vấn đề cấp bách trong công tác giáo dục - đào tạo, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chỉ thị các Bộ, ngành, địa phương thực hiện ngay một số chủ trương sau đây:

1. Bộ Giáo dục - Đào tạo cùng các ngành có liên quan hoàn thành trong quý III năm 1992 phương án sắp xếp mạng lưới các trường đại học, và cao đẳng trong cả nước.

Bộ ban hành các văn bản pháp quy liên quan đến việc mở rộng khả năng đào tạo của hệ thống đại học, phát triển mạnh các hình thức dạy nghề, tiêu chuẩn hóa giáo viên và cán bộ giảng dạy, áp dụng cơ chế cho phép sử dụng hợp lý và có hiệu quả cao đội ngũ cán bộ giảng dạy ở các trường đại học và các Viện Nghiên cứu khoa học. ở tất cả các cấp học, không đặt vấn đề giảm biên chế đồng loạt đối với giáo viên.

2. Việc xây dựng bậc trung học mới phải nhằm định hướng tạo điều kiện cho thế hệ trẻ được chuẩn bị nghề nghiệp, có khả năng tham gia vào các hoạt động kinh tế ngay sau khi ra trường, Bộ Giáo dục - đào tạo phối hợp với các ngành xây dựng các chương trình phát triển các cơ sở dạy nghề của Nhà nước, của các tổ chức kinh tế, các đoàn thể và của tư nhân.

3. Bộ Giáo dục - Đào tạo, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính phối hợp lập kế hoạch xây trường sở. Trước mắt, phải bằng mọi cách tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống trường tiểu học, đặc biệt là ở miền núi, đang sa sút nghiêm trọng. Trong công việc này, phải khai thác nhiều nguồn vốn khác nhau, kể cả viện trợ và vay tiền của nước ngoài.

4. Trong khi chờ Nhà nước cải tiến chế độ tiền lương nói chung, trong đó có lương giáo viên, để giảm bớt khó khăn trước mắt về đời sống của các thầy, cô giáo, Bộ Giáo dục - Đào tạo cùng với Bộ Lao động - Thương binh và xã hội và Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu và trình ngay Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng trong tháng 8 năm 1992 phương án trợ cấp cho giáo viên các cấp học từ đầu năm học 1992 - 1993.

5. Bộ Giáo dục - Đào tạo và Uỷ ban nhân dân các cấp chỉ đạo thực hiện thống nhất trong cả nước chủ trương miễn thu học phí ở bậc tiểu học, quy định các mức học phí phù hợp ở bậc trung học đối với từng vùng. Chú ý miễn giảm học phí thỏa đáng ở miền núi, các vùng nông thông đang gặp khó khăn.

Bộ Giáo dục - Đào tạo cùng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội nghiên cứu việc thành lập quỹ trợ cấp xã hội cho học sinh - sinh viên thuộc diện chính sách và con em các gia đình có mức thu nhập thấp.

6. Sửa đổi chế độ học bổng ở bậc đại học để khuyến khích học sinh, sinh viên học tập có kết quả tốt và khuyến khích sinh viên theo học những ngành nghề cần phát triển mạnh. Bộ Giáo dục - Đào tạo và Bộ Tài chính nghiên cứu việc thành lập quỹ học bổng quốc gia; cải tiến việc sử dụng quỹ học bổng theo hướng nâng mức giá trị từng học bổng và giảm số lượng học bổng.

Khuyến khích các doanh nghiệp, các đoàn thể, các tổ chức và tư nhân cấp học bổng cho thanh niên theo học tại các trường đại học trong và ngoài nước.

7. Từ năm 1993, giao cho Bộ Giáo dục - Đào tạo quản lý việc sử dụng phần Ngân sách Nhà nước dành cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo và quản lý trực tiếp phần dành cho các chương trình mục tiêu của toàn ngành. Đối với phần ngân sách dành cho giáo dục - đào tạo ở địa phương, ủy ban nhân dân các tỉnh và thành phố giao cho Sở Giáo dục - Đào tạo trực tiếp quản lý.

Bộ Giáo dục - Đào tạo, Ban Tổ chức cán bộ của Chính phủ khẩn trương chỉ đạo việc sắp xếp lại để nâng cao chất lượng bộ máy quản lý của ngành giáo dục - đào tạo ở trung ương và các địa phương.

Bộ trưởng các Bộ, Chủ nhiệm các ủy ban Nhà nước, Chủ tịch ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thực hiện Chỉ thị này.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)