Chỉ thị 256/TCHQ-GSQL về việc tăng cường phối hợp giữa Hải quan địa phương trong việc làm thủ tục hải quan cho hàng hóa xuất, nhập khẩu chuyển tiếp và chấn chỉnh công tác kiểm hóa do Tổng Cục Hải Quan ban hành

Số hiệu 256/TCHQ-GSQL
Ngày ban hành 16/12/1994
Ngày có hiệu lực 01/01/1995
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tổng cục Hải quan
Người ký Phan Văn Dĩnh
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu,Bộ máy hành chính

TỔNG CỤC HẢI QUAN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 256/TCHQ-GSQL

Hà Nội, ngày 16 tháng 12 năm 1994

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG PHỐI HỢP GIỮA HẢI QUAN CÁC ĐỊA PHƯƠNG TRONG VIỆC LÀM THỦ TỤC HẢI QUAN CHO HÀNG HOÁ XUẤT, NHẬP KHẨU CHUYỂN TIẾP VÀ CHẤN CHỈNH CÔNG TÁC KIỂM HOÁ

Thời gian vừa qua, việc làm thủ tục hải quan cho hàng hoá xuất, nhập khẩu đã được chấn chỉnh một bước. Tuy nhiên, cũng bộc lộ thêm một số vấn đề cần được chấn chỉnh sớm:

- Hiện tượng khai sai tên hàng, số lượng, trọng lượng, chất lượng khá nhiều. Ví dụ: Nhập tivi, tủ lạnh... khai là máy cày, máy thuỷ, là vải; Nhập vải khai là vải giá thấp, nhập đồ cũ (tivi, tủ lạnh...) khai thành hàng khác...

- Tình trạng cán bộ kiểm hoá không kiểm tra kỹ hàng hoá, ghi kết quả kiểm hoá không đầy đủ, chính xác về tên hàng, mã hàng, số lượng, trọng lượng (phần lớn tờ khai ghi chung chung là "Hàng như khai báo").

- Tình trạng kiểm hoá viên phải kiểm hoá quá nhiều hàng trong một ngày (có cặp kiểm hoá tới 15-17 tờ khai/ngày).

- Tình trạng hàng xin chuyển tiếp từ cảng thành phố Hồ Chí Minh về tỉnh nhưng không đưa về nơi xin làm thủ tục, mà kiểm hoá tại một nơi khác ngoài thành phố Hồ Chí Minh rồi lại đưa hàng quay lại thành phố. Hoặc chủ hàng thực tế là ở thành phố Hồ Chí Minh nhưng hàng hoá lại do một chủ hàng danh nghĩa ở tỉnh khác đứng tên, sau khi làm xong thủ tục nhập khẩu lại quay về thành phố.

Tình hình sai sót trên đặc biệt xẩy ra nhiều đối với hàng chuyển tiếp làm thủ tục. Để nhanh chóng ngăn ngừa, khắc phục tình trạng trên, Tổng cục quy định thêm một số điểm sau đây:

1. Tất cả các trường hợp hàng chuyển tiếp có nghi vấn khai sai tên hàng, số lượng hàng... đều phải được kiểm hoá ngay tại cửa khẩu nhập, do Hải quan tiếp nhận làm thủ tục cho lô hàng và Hải quan cửa khẩu nhập cùng phối hợp thực hiện. Những trường hợp khác khi xét thấy cần thiết, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố có cửa khẩu nhập quyết định cho kiểm tra sơ bộ (bằng cách mở nắp container), nếu mặt hàng không phù hợp với khai báo thì quyết định cho Hải quan cửa khẩu nhập và Hải quan làm thủ tục chuyển tiếp kiểm hoá ngay tại cửa khẩu, lập biên bản vi phạm hành chính.

2. Lãnh đạo Hải quan tỉnh, thành phố phải chỉ đạo, kiểm tra sâu sát công tác kiểm hoá. Cục trưởng, Phó cục trưởng phải đích thân kiểm tra đột xuất việc kiểm hoá của nhân viên Hải quan. Những trường hợp cán bộ kiểm hoá làm không đúng quy định kiểm hoá, có sai phạm thì phải xử lý kỷ luật thích đáng và không bố trí làm công tác kiểm hoá nữa.

3. Việc kiểm hoá một lô hàng luôn luôn phải do 2 cán bộ Hải quan tiến hành. Phải đặc biệt chú trọng tới việc xác định đầy đủ, chính xác tên, mã, số lượng, trọng lượng từng mặt hàng, không được ghi kết quả kiểm hoá một cách chung chung. Nếu cán bộ kiểm hoá không có khả năng đáp ứng các yêu cầu đó thì chuyển sang làm việc khác.

4. Để cán bộ kiểm hoá có điều kiện kiểm tra kỹ hàng hoá và ghi đầy đủ, chính xác mã, Hải quan các tỉnh, thành phố cần:

- Trang bị cho cán bộ cuốn Danh mục hàng hoá Việt Nam do Tổng Cục Thống kê phát hành, Danh mục biểu thuế, Danh mục tân dược... do các ngành liên quan phát hành.

- Không giao cán bộ kiểm hoá phải kiểm tra quá nhiều lô hàng trong một ngày. Nếu kiểm hoá ở cảng, cao nhất không quá 10 tờ khai cho một cặp kiểm hoá một ngày. Nếu kiểm hoá ở địa điểm kiểm hoá ngoài cửa khẩu, tối đa không quá 5 tờ khai/ngày.

5. Để có cơ sở giải quyết các vướng mắc và phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra, từ ngày 1-1-1995 tổ chức việc lưu mẫu hàng hoặc ảnh hàng hoá. Đối với các loại hàng có thể lấy mẫu được (vải, tân dược, dầu...) thì lấy mẫu; đối với những mặt hàng không lấy mẫu được (sắt thép, xe cộ, hàng điện tử... ) thì chụp ảnh lưu. Từ nay đến hết năm 1994 là giai đoạn chuẩn bị. Cục Giám quản Tổng cục Hải quan nghiên cứu quy định việc lấy mẫu, chụp ảnh. Hải quan các địa phương đề xuất việc lấy mẫu , chụp ảnh; phương án tổ chức lưu mẫu, ảnh, dự trù kinh phí cho việc này.

Nhận được Chỉ thị này, các đơn vị nghiêm túc tổ chức thi hành.

 

 

Phan Văn Dĩnh

(Đã ký)